Hà Nội chốt tăng khung giá đất 15%: Xa thực tế, có nguy cơ thất thu thuế

Tại kỳ họp 12 của HĐND TP Hà Nội khóa XV diễn ra sáng 26/12, có 94/94 đại biểu tán thành thông qua Nghị quyết về các loại giá đất trên địa bàn TP Hà Nội, áp dụng từ ngày 1/1/2020 đến 31/12/2024. Theo đó, giá đất của Hà Nội sẽ tăng 15% từ 1/1/2020. Với việc áp dụng khung giá chỉ tăng 15% so với trước, nhiều ý kiến cho rằng còn một khoảng cách xa để sát với giá thị trường.

Giá đất ở tại đô thị thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm có giá cao nhất là 187.920.000đ/m2. Ảnh: Quang Vinh.

Giá đất ở tại đô thị thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm có giá cao nhất là 187.920.000đ/m2. Ảnh: Quang Vinh.

Chốt phương án tăng khung giá đất 15%

Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Nguyễn Trọng Đông cho biết, để tránh tác động lớn đến các hoạt động của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn TP, UBND TP đã xem xét và thống nhất mức tăng bảng giá đất giai đoạn 2020 – 2024 theo đề xuất của Sở Tài nguyên và môi trường với mức tăng bình quân 15% so với giai đoạn 2014 – 2019. Song trong bảng giá đất mới, đất nông nghiệp vẫn được giữ nguyên mức giá như quy định tại quyết định số 96/2014/QĐ-UBND ngày 29/12/2014 của UBND TP.

Ngay trong tờ trình của UBND TP cũng thông tin dù giá đất qua khảo sát thị trường tăng cao so với mặt bằng chung trong bảng giá nhưng bảng giá mới được xây dựng, điều chỉnh phải đảm bảo: Đúng quy định của pháp luật về khung giá đất, nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất do Chính phủ, Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Tài chính quy định theo Luật Đất đai năm 2013. Từng bước bảo đảm sự cân đối về giá đất đối với các khu vực giáp ranh giữa nội thành với huyện ngoại thành; góp phần bình ổn về giá nói chung, đồng thời đảm bảo nguyên tắc tiếp cận dần với giá đất trên thị trường; đảm bảo sự cân đối về giá giữa các vùng, miền, địa phương trên địa bàn TP.

Như vậy, theo bảng giá đất mới, giá đất ở tại đô thị thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm có giá cao nhất là 187.920.000đ/m2 nằm trong khung giá tối đa của Chính phủ quy định; giá thấp nhất thuộc địa bàn quận Hà Đông là 4.554.000đ/m2. Giá đất ở đô thị tại các phường của thị xã Sơn Tây có giá tối đa là 19.205.000đ/m2, giá tối thiểu là 1.449.000đ/m2. Giá đất ở tại các thị trấn thuộc các huuyện có giá tối đa là 25.300.000đ/m2, giá tối thiểu là 1.430.000đ/m2.

Đồng tình với việc tăng khung giá đất lên 15%, đại biểu (ĐB) Dương Thị Hằng (tổ ĐB huyện Gia Lâm) đánh giá bảng giá đất mới phù hợp với giá thị trường, thực hiện trong khung giá đất mà Chính phủ quy định. Hiện nay cử tri quan tâm giá đất nông nghiệp trên địa bàn TP không có điều chỉnh tăng. Qua thực tế cho thấy, việc thu hồi đất nông nghiệp để phục vụ các dự án phát triển kinh tế xã hội thành phố là rất lớn, tác động đến đời sống của người nông dân Thủ đô. Thành phố đã có những chính sách hỗ trợ để giúp đời sống nông dân ổn định hơn song ĐB vẫn kiến nghị thành phố cần có nhiều chính sách hỗ trợ hơn nữa để tạo điều kiện tốt nhất cho những người nông dân có đất nông nghiệp bị thu hồi.

Chưa sát với thực tế

Bình luận về việc tăng giá đất chỉ ở mức 15% ĐB Phạm Đình Đoàn (tổ Hoàng Mai) cho rằng, với mức điều chỉnh tăng này bảng giá đất lần này sẽ không tác động quá lớn đến đời sống của người dân Thủ đô. Song nhìn với góc độ sản xuất kinh doanh, mức giá nhà trên thị trường đang rất cao, cho nên việc điều chỉnh bảng giá đất này sẽ không kỳ vọng sát giá thị trường đất hiện nay.

Đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá đất ở, theo số liệu báo cáo của Cục Thuế thành phố: Tiền thuế thu được từ thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2019 khoảng 369,8 tỷ đồng với mức tăng khoảng 15% tương ứng khoảng 57,70 tỷ đồng phân bổ trên 1,3 triệu hộ dân Thủ đô phải nộp thuế, mỗi năm 1 hộ dân đóng thêm 44.385 đồng. Đồng thời, theo chu kỳ ổn định của khoản thuế này, đến ngày 01/01/2022 mới phải thực hiện điều chỉnh theo Bảng giá mới, do đó tác động của việc tăng giá đất ở tại bảng giá sẽ không nhiều.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực đất đai cho rằng, việc tăng giá đất này sẽ không tác động nhiều thậm chí còn lạc hậu so với thực tế đang diễn ra, bởi vì, trước khi chốt về giá khung giá đất mới, HĐND TP. Hà Nội đã từng đề xuất tăng giá đất lên 30%. Tuy nhiên, ngay cả chốt mức tăng 30% thì vẫn còn lạc hậu và gây thất thu thuế cho nhà nước. Cụ thể, thời gian vừa qua, liên ngành thành phố đã khảo sát, lấy ý kiến người dân và chính quyền địa phương về phương án điều chỉnh giá đất. Kết quả khảo sát cho thấy có những khu vực tại quận Hoàn Kiếm như phố Hàng Bông, Hàng Bạc có giá chuyển nhượng tới trên 800 triệu đồng/m2; phố Lý Thường Kiệt có giá chuyển nhượng hơn 900 triệu đồng/m2. Nếu khung giá đất chỉ tăng 15% so với trước, điều này sẽ khiến ngân sách thất thu một khoản tiền thuế không hề nhỏ.

Tại Kỳ họp HĐND TP Hà Nội cũng thông qua Nghị quyết về việc sáp nhập, đặt tên, đổi tên thôn, tổ dân phố thuộc 12 huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2019. Theo tờ trình của UBND TP, hiện nay, toàn Thành phố có 7.968 thôn, tổ dân phố (2.510 thôn và 5.458 tổ dân phố). Tổng số thôn, tổ dân phố trong diện phải sáp nhập theo quy định là 4115. Trong đó: 223 thôn (có số hộ gia đình dưới 150 hộ); 3892 tổ dân phố (có số hộ gia đình dưới 225 hộ).

Nguyên Khánh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/bat-dong-san/ha-noi-chot-tang-khung-gia-dat-15-xa-thuc-te-co-nguy-co-that-thu-thue-tintuc455653