Hà Nội chính thức được công nhận là Thành phố sáng tạo của UNESCO

Tuyên bố Hà Nội về hiện thực hóa thành phố và cộng đồng thông minh tại châu Á

(HNMO) - Ngày 30-10, Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) Audrey Azouley đã công nhận Thủ đô Hà Nội là Thành phố sáng tạo của UNESCO.

Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO ra đời từ năm 2004, với sự tham gia của 180 thành phố thuộc 72 quốc gia trên thế giới. Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố được vinh danh với tôn chỉ hướng tới thúc đẩy “nguồn lực văn hóa” và “sáng tạo văn hóa” làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. Có 7 lĩnh vực sáng tạo được xác định để UNESCO xét ghi danh, tham gia mạng lưới, gồm: Thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, thiết kế, điện ảnh, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thông đa phương tiện và âm nhạc.

Có thế mạnh ở nhiều mảng sáng tạo nhưng Hà Nội vẫn quyết định lựa chọn lĩnh vực thiết kế làm điều kiện ứng cử bởi đây là mảng có độ bao phủ rộng, liên quan mật thiết tới các lĩnh vực còn lại, sẽ thể hiện được đa dạng tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội trong phát huy sức sáng tạo. Hà Nội cũng bảo đảm các tiêu chuẩn cần có của một thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế, như: Có nền công nghiệp thiết kế phát triển vững vàng; nhiều cơ hội sáng tạo thiết kế từ nguyên vật liệu, điều kiện tự nhiên; có sự hiện diện của ngành công nghiệp sáng tạo thiết kế; có nhóm sáng tạo và thiết kế hoạt động thường xuyên…

Hồ sơ đề cử Hà Nội vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chủ trì thực hiện với sự tham vấn, phối hợp của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội và các sở, ban, ngành liên quan. Bên cạnh công tác điền dã, thu thập tư liệu, thành phố còn tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo chuyên đề, hội thảo quốc tế nhằm tham khảo ý kiến xây dựng từ các nhà khoa học, quản lý, các chuyên gia trong và ngoài nước cho hồ sơ ứng cử.

Cùng với việc tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, những kế hoạch được thành phố hoạch định cho những năm tiếp theo, như: Kiến tạo trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội; xây dựng, củng cố các không gian sáng tạo; triển khai dự án chuỗi chương trình truyền hình tài năng sáng tạo Hà Nội; tổ chức lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội; xây dựng mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ… sẽ tạo điều kiện cho lĩnh vực sáng tạo thiết kế tiếp tục được nâng tầm trong thời gian tới, đưa Hà Nội trở thành kinh đô sáng tạo của khu vực, điểm đến của tri thức và sáng tạo trên thế giới.

Là nơi sẽ thí điểm những ý tưởng và thực tiễn đổi mới, các Thành phố sáng tạo của UNESCO hứa hẹn mang đến những đóng góp thực tế nhằm đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc thông qua tư duy và hành động đổi mới. Thông qua cam kết của mình, các thành phố trong mạng lưới theo đuổi nỗ lực phát triển bền vững, qua đó đem tới lợi ích trực tiếp cho cộng đồng dân cư trong đô thị.

Với 66 thành phố được công nhận đợt này, Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO hiện đã có tổng cộng 246 thành phố, phủ khắp tất cả các châu lục và khu vực. Những thành phố này đều hướng tới một sứ mệnh chung. Đó là đặt sự sáng tạo và nền kinh tế sáng tạo làm cốt lõi trong kế hoạch phát triển đô thị để đưa các thành phố phát triển an toàn, năng động, toàn diện và bền vững, phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững.

66 Thành phố sáng tạo được UNESCO được công nhận lần này gồm có:

Afyonkarahisar (Thổ Nhĩ Kỳ) - Ẩm thực
Ambon (Indonesia) - Âm nhạc
Angoulême (Pháp) - Văn học
Aregúa (Paraguay) - Thủ công mỹ nghệ và dân gian
Arequipa (Peru) - Ẩm thực
Asahikawa (Nhật Bản) - Thiết kế

Ayacucho (Peru) - Thủ công mỹ nghệ
Baku (Azerbaijan) - Thiết kế
Ballarat (Australia) - Thủ công mỹ nghệ và dân gian
Bandar Abbas (Iran) - Thủ công mỹ nghệ và dân gian
Bangkok (Thái Lan) - Thiết kế
Beirut (Lebanon) - Văn học

Belo Horizonte (Brazil) - ẩm thực
Bendigo (Australia) - Ẩm thực
Bergamo (Italia) - Ẩm thực
Biella (Italia) - Thủ công mỹ nghệ và dân gian
Caldas da Rainha (Bồ Đào Nha) - Thủ công mỹ nghệ
Cebu (Philippines) - Thiết kế

Essaouira (Morocco) - Âm nhạc
Exeter (Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland) - Văn học
Fortaleza (Brazil) - Thiết kế
Hà Nội (Việt Nam) - Thiết kế
Havana (Cuba) - Âm nhạc
Hyderabad (Ấn Độ) - Ẩm thực

Jinju (Hàn Quốc) - Thủ công mỹ nghệ
Kargopol (Liên bang Nga) - Thủ công mỹ nghệ và dân gian
Karlsruhe (Đức) - Nghệ thuật truyền thông
Kazan (Liên bang Nga) - Âm nhạc
Kırşehir (Thổ Nhĩ Kỳ) - Âm nhạc
Kuhmo (Phần Lan) - Văn học

Lahore (Pakistan) - Văn học
Leeuwarden (Hà Lan) - Văn học
Leiria (Bồ Đào Nha) - Âm nhạc
Lliria (Tây Ban Nha) - Âm nhạc
Mérida (Mexico) - Ẩm thực
Metz (Pháp) - Âm nhạc

Muharraq (Bahrain) - Thiết kế
Mumbai (Ấn Độ) - Phim
Nam Kinh (Trung Quốc) - Văn học
Odessa (Ukraine) - Văn học
Overstrand Hermanus (Nam Phi) - Ẩm thực
Cảng Tây Ban Nha (Trinidad và Tobago) - Âm nhạc

Portoviejo (Ecuador) - Ẩm thực
Potsdam (Đức) - Phim
Querétaro (Mexico) - Thiết kế
Ramallah (Palestine) - Âm nhạc
San José (Costa Rica) - Thiết kế
Sanandaj (Iran [Cộng hòa Hồi giáo]) - Âm nhạc

Santiago de Cali (Colombia) - Nghệ thuật truyền thông
Santo Domingo (Cộng hòa Dominican) - Âm nhạc
Sarajevo (Bosnia và Herzegovina) - Phim
Sharjah (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) - Thủ công mỹ nghệ
Slemani (Iraq) - Văn học
Sukhothai (Thái Lan) - Thủ công mỹ nghệ

Trinidad (Cuba) - Thủ công mỹ nghệ và dân gian
Valladolid (Tây Ban Nha) - Phim
Valledupar (Colombia) - Âm nhạc
Valparáiso (Chile) - Âm nhạc
Veszprém (Hungary) - Âm nhạc
Viborg (Đan Mạch) - Nghệ thuật truyền thông

Viljandi (Estonia) - Thủ công mỹ nghệ và dân gian
Vranje (Serbia) - Âm nhạc
Wellington (New Zealand) - Phim
Wonju (Hàn Quốc) - Văn học
Wrocław (Ba Lan) - Văn học
Dương Châu (Trung Quốc) - Ẩm thực

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/949239/ha-noi-chinh-thuc-duoc-cong-nhan-la-thanh-pho-sang-tao-cua-unesco