Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm trong tham gia giám sát và phản biện xã hội

Xác định hoạt động giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng trong công tác Mặt trận tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, vì vậy, thời gian qua, các cấp Mặt trận thành phố Hà Nội đã vào cuộc tích cực, trách nhiệm và hiệu quả.

Theo báo cáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, 5 năm qua (2014-2019), Mặt trận các cấp, từ thành phố đến cơ sở đã chủ trì tổ chức 6.326 đoàn giám sát các nội dung như: Việc thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân các cấp; thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng; việc chấp hành các chính sách của thành phố, địa phương, đơn vị.

 Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Đống Đa giám sát một số dự án xây dựng trên địa bàn quận.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Đống Đa giám sát một số dự án xây dựng trên địa bàn quận.

Thành phố Hà Nội cũng đã tổ chức 2.594 hội nghị phản biện xã hội đối với các tờ trình, dự thảo Nghị quyết Hội đồng nhân dân, Quyết định, Quy định của Ủy ban nhân dân các cấp trình tại kỳ họp, trong đó: Thành phố tổ chức 19 hội nghị, cấp huyện 204 hội nghị và cấp xã 2.371 hội nghị.

Qua hội nghị phản biện xã hội, nhiều ý kiến, kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã được tiếp thu, là kênh thông tin quan trọng, cần thiết giúp cấp ủy, chính quyền khi xem xét, quyết định các vấn đề trong công tác lãnh đạo, quản lý, góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội, bà Nguyễn Lan Hương - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội cho biết: Điều quan trọng đầu tiên là có sự quan tâm lãnh đạo thường xuyên của cấp ủy Đảng, sự phối hợp tích cực, trách nhiệm của chính quyền, sự thống nhất của các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên; phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thành viên các tổ chức tư vấn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, cá nhân tiêu biểu, người có uy tín, các chuyên gia trên các lĩnh vực.

Thứ hai, theo bà Hương là sự kết hợp chặt chẽ việc nắm bắt dư luận xã hội, tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân với hoạt động giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên ở từng cấp.

Ba là, kế hoạch giám sát và phản biện xã hội phải tập trung vào những nội dung, những vấn đề mà xã hội và nhân dân quan tâm liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội nhấn mạnh hoạt động giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần phải được tiến hành đồng bộ, đúng Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quyết định 217,218-QĐ/TW và Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH-CP-MTTQVN.

Kinh nghiệm được đúc kết là việc tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị sau phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải khách quan, trung thực, đầy đủ, đảm bảo căn cứ pháp lý, khoa học và thực tiễn; các giải pháp đưa ra phải đảm bảo khả thi và hiệu quả.

“Để hoạt động đạt hiệu quả cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội phải theo dõi, đôn đốc, giám sát việc tiếp thu, thực hiện kiến nghị của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, các cơ quan đơn vị đối với các ý kiến góp ý, kiến nghị sau giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc”, bà Nguyễn Lan Hương khẳng định.

B.Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ha-noi-chia-se-kinh-nghiem-trong-tham-gia-giam-sat-va-phan-bien-xa-hoi-96783.html