Hà Nội: Chênh lệch giá do yếu tố nước thô khác nhau

Tại cuộc họp thông tin báo chí chiều 12/11/2019, trả lời các câu hỏi của phóng viên liên quan đến sự chênh lệch giá nước sinh hoạt của hai nhà máy nước sạch Sông Đuống và Sông Đà, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho biết là do nước thô khác nhau.

10.246đ/m3 là giá để phục vụ cho việc ký kết thỏa thuận

Ông Vũ Việt Hà, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, cho biết, Văn bản số 3310 của UBND TP. Hà Nội ngày 6/7/2017 đã chấp thuận giá bán nước sạch tạm tính và lộ trình điều chỉnh giá nước cho dự án Nhà máy nước sạch sông Đuống để triển khai thực hiện dự án nhà máy này.

Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Vũ Việt Hà

Theo đó, giá nước sạch tối đa của Nhà máy nước sạch sông Đuống tạm tính năm 2017 là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế VAT). Lộ trình tăng giá nước tối đa 7%/năm nhưng không vượt quá khung giá nước sạch sinh hoạt theo quy định của Bộ Tài chính.

Ông Hà cũng viện dẫn cơ sở để UBND thành phố Hà Nội ban hành Văn bản 3310 là theo quy định Điều 31, 38 Nghị định 117 năm 2017 của Chính phủ, có quy định liên quan đến thỏa thuận dịch vụ cấp nước được ký kết giữa UBND cấp tỉnh hoặc cơ quan được ủy quyền với đơn vị thực hiện dịch vụ cấp nước trên địa bàn. Trong thỏa thuận cấp nước có nội dung liên quan đến giá nước, lộ trình và các nguyên tắc điều chỉnh giá nước.

Phó Chánh VP UBND thành phố Hà Nội Võ Tuấn Anh

Việc ký kết thực hiện thỏa thuận dịch vụ cấp nước này được thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị dự án, chính vì vậy, trên cơ sở đề nghị của nhà đầu tư, để có căn cứ lập và tổ chức thực hiện dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống, thành phố đã có văn bản chấp thuận giá nước sạch, tại thời điểm đó, giá là tạm tính và là tối đa.

Nói về căn cứ tính toán để đưa ra con số 10.246 đồng/m3, ông Hà cho biết, thời điểm 2017 chỉ là giai đoạn chuẩn bị dự án, theo quy định để tính đúng tính đủ toàn bộ chi phí giá nước thì dự án phải hoàn thành đi vào hoạt động và được quyết toán.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hoàng Cao Thắng

Cơ sở để tính giá nước phải căn cứ vào hao phí dựa trên Quyết định số 590/2014 của Bộ Xây dựng; chi phí khấu hao theo Quyết định 2869 và một số văn bản khác, việc xác định ra giá 10.246 đồng/m3 chỉ là mức tạm tính tối đa, còn mức cụ thể sẽ được xác định sau khi nhà máy đi vào hoạt động và được quyết toán chính thức, khi đó chi phí sẽ được xác định một cách chính thức.

Tại buổi họp báo, nhiều phóng viên thuộc các cơ quan báo chí Trung ương đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề an ninh nguồn nước? Công suất cấp nước của Nhà máy nước mặt Sông Đuống hiện nay là bao nhiêu? Việc bán cổ phần cho nhà đầu tư Thái Lan cụ thể như thế nào? Thành phố hiện nay có bù lỗ cho Nhà máy nước mặt Sông Đuống ra sao?… Tuy nhiên, những câu trả lời của các sở, ban, ngành có liên quan chưa làm cho các phóng viên cảm thấy thỏa mãn.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Trần Xuân Hà

Mặc dù Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trần Xuân Hà đã có ý kiến đề nghị các cơ quan báo chí thông tin thật trung thực, khách quan để nhân dân không hoang mang trước những thông tin vừa qua về giá nước sinh hoạt tăng, tuy nhiên, trong buổi họp này, UBND thành phố Hà Nội không hề có văn bản nào liên quan đến việc thông tin thay đổi giá nước để làm cơ sở cho các cơ quan báo chí đăng tải thông tin, điều này làm cho các phóng viên bất bình.

P.V

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/ha-noi-chenh-lech-gia-do-yeu-to-nuoc-tho-khac-nhau-post31711.html