Cuộc chiến chống khủng bố chưa có hồi kết của nước Mỹ

Nước Mỹ đang phải thắt chặt các biện pháp an ninh sau khi có cảnh báo về nguy cơ khủng bố mới có thể xảy ra trong dịp tưởng niệm 20 năm sự kiện 11/9/2001.

“Cuộc chiến chống khủng bố của chúng tôi bắt đầu với al-Qaeda, nhưng không kết thúc ở đó. Nó sẽ không kết thúc cho đến khi mọi nhóm khủng bố toàn cầu được tìm thấy, ngăn chặn và đánh bại”.

Đó là tuyên bố của Tổng thống Mỹ George W. Bush tại Quốc hội vài ngày sau các cuộc tấn công khủng bố 11/9/2001 kinh hoàng, khai màn ‘cuộc chiến chống khủng bố’ kéo dài và gây tốn kém bậc nhất lịch sử của nước Mỹ.

Ảnh: AP

Ảnh: AP

Chiến dịch Tự do Bền vững bắt đầu ngày 7/10/2001 tại Afghanistan, đất nước mà Tổng thống George W. Bush khi đó tuyên bố là nơi bao che cho “kẻ chủ mưu”. Nhiều thủ lĩnh của al-Qaeda đã bị Mỹ tiêu diệt trong đó có trùm khủng bố Osama bin Laden. Tuy nhiên 20 năm sau cuộc chiến ở Afghanistan, khiến hàng chục nghìn dân thường thiệt mạng và tiêu tốn hàng nghìn tỷ USD, mối đe dọa tấn công vào nước Mỹ vẫn hiện hữu, với hình thức và chiến thuật khác nhau.

Các tổ chức có sức mạnh thực hiện một cuộc tấn công trên đất Mỹ như sự kiện ngày 11/9 có thể đã tan rã hoặc suy yếu, nhưng các nhóm có tư tưởng tương tự đã lan rộng đến các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là ở châu Phi, Trung Đông và Châu Á. Trùm khủng bố Osama bin Laden đã chết, nhưng al-Qaeda vẫn ẩn dật chờ cơ hội hồi sinh với các nhánh ở 17 quốc gia.

Cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ được nhiều chuyên gia nhận định như “cóc bỏ đĩa”, ngăn chặn và đẩy lùi tại khu vực này, nhưng vòi bạch tuộc lại vươn sang hay mọc ra ở các khu vực khác. Không tập trung chủ yếu tại một nơi, sự gia tăng mở rộng địa lý của các nhóm khủng bố khiến việc theo dõi và ngăn chặn trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Các sự kiện gần đây tại Afghanistan gần đây cũng tạo điều kiện hồi sinh cho các tổ chức khủng bố đang bị suy yếu. Bất chấp cam kết của Taliban không để Afghanistan trở thành mảnh đất dung dưỡng khủng bố nhưng có nhiều lo ngại quốc gia Nam Á này có thể trở thành nơi trú ẩn an toàn cho các nhóm cực đoan khác.

“Một bước ngoặt lịch sử đang diễn ra tại Afghanistan - rất xa biên giới của chúng ta. Tuy nhiên có thể là hậu quả lớn đối với toàn bộ cộng đồng quốc tế trong đó có châu Âu và Pháp”, Tổng thống Pháp Emanuel Macron cảnh báo.

Mặc dù vậy, với nước Mỹ trong năm 2021, mối quan tâm cấp bách hơn lại đến từ các mối đe dọa trong nước chứ không phải nước ngoài. Những người hiện sống ở Mỹ, vốn đã bị kích động bởi những tư tưởng cực đoan của al-Qaeda, IS hoặc các nhóm khủng bố khác, sẽ xem sự kiện ở Afghanistan là "cơ hội gây ra bạo lực trên đất Mỹ." Ngay trong dịp lễ tưởng niệm 20 năm sự kiện 11/9, nước Mỹ đang phải thắt chặt các biện pháp an ninh sau khi có các cảnh báo về nguy cơ khủng bố mới có thể xảy ra.

Có thể nói sự gia tăng các mối đe dọa trong nước, kết hợp với việc mở rộng quy mô của các nhóm có mối quan hệ với al-Qaeda và IS, sự bất ổn ở Afghanistan... đang chứng minh một thực tế rằng bất chấp hai thập kỷ hao tiền tốn của chống khủng bố, nước Mỹ vẫn đối mặt với những mối đe dọa hiện hữu./.

Phạm Hà/VOV1 Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/cuoc-chien-chong-khung-bo-chua-co-hoi-ket-cua-nuoc-my-889698.vov