Hà Nội: Cần dựa vào chứng cứ khi làm rõ sai phạm tại Chi cục thuế Thanh Xuân

Đánh tráo hồ sơ hoàn thuế; ký quyết định bãi bỏ quyết định kiểm tra thuế sau khi đã kiểm tra; xuất hiện nhiều User (tài khoản) lạ nhằm làm dịch vụ cho doanh nghiệp; phân quyền sử dụng User sai để nhập khống tiền thuế; … là những nội dung tố cáo của bà Bùi Thu Hương, nhưng chưa được Cục thuế Hà Nội dựa vào chứng cứ làm rõ.

Đánh tráo hồ sơ hoàn thuế?

Bà Bùi Thu Hương đang công tác tại Chi cục thuế (CCT) quận Thanh Xuân cho hay: Tháng 7/2016, CCT quận Thanh Xuân làm hồ sơ hoàn lại số tiền do Công ty CP Phát triển Đầu tư Hà Nội Sunrise (Công ty Sunrise) nộp thừa vào ngân sách và gửi sang cơ quan Kho bạc quận Thanh Xuân.

Cụ thể, cùng ngày 07/7/2016, tại các Sổ giao chứng từ giữa CCT quận Thanh xuân và Kho bạc Thanh Xuân đều thể hiện số tiền hoàn nộp thừa trong bộ hồ sơ hoàn cho Công ty Sunrise là 21.819.941 đồng. Đến ngày 11/7/2016, xuất hiện chữ ký của cán bộ Đinh Thị Hòa nhận lại hồ sơ và bàn giao sang Kho bạc Thanh Xuân 01 bộ hồ sơ và các bộ hồ sơ còn lại.

Tại Công văn số 24185/CT-KTNB của Cục thuế Hà Nội ngày 27/4/2018 trả lời người tố cáo khẳng định: Bà Hòa sang Kho bạc Thanh Xuân lấy lại 03 bộ hồ sơ. Tại sổ giao nhận hồ sơ giữa CCT Thanh Xuân với Kho bạc Thanh Xuân chỉ thể hiện số tiền thuế được hoàn 21.819.941.261 đồng của Công ty Sunrise là do cán bộ giao hồ sơ đã không ghi đầy đủ, chi tiết số tiền đến hàng đơn vị. Việc này dẫn đến sự hiểu lầm việc gian lận hồ sơ hoàn tiền nộp thừa vào NSNN của Công ty Sunrise từ 21.819.941 đồng lên thành 21.819.941.261 đồng.

Tuy nhiên, bà Hương cho rằng: Từ tháng 11/2015, người tố cáo bắt đầu chuyển công tác về Đội Tổng hợp Nghiệp vụ dự toán - Kê khai Kế toán thuế và Tin học. Do phát hiện sổ giao/nhận không có cột ghi số tiền nên đã yêu cầu các cán bộ bổ sung thêm cột “số tiền” vào sổ giao/nhận. Do vậy, không thể có chuyện sơ xuất ghi thiếu hàng đơn vị.

Bà Hương cũng khẳng định hồ sơ đã bị bà Hòa “tráo” bởi: Nếu theo Quyết định số 2552/QĐ-CCT ngày 06/7/2016 của CCT Thanh Xuân thì Công ty Sunrise được hoàn 21.819.941 đồng. Tuy nhiên, Công ty này còn nợ cũ là 2.667.024.653 đồng. Do đó, Cty Sunrine chỉ được hoàn 19.152.196.608 đồng. Khi cơ quan thuế giao hồ sơ cho Kho bạc, Kho bạc sẽ nhận thu số tiền thực tế được hoàn (19.152.196.608 đồng), chứ không phải nhận lại 21.819.941. 261 đồng để Cục thuế kết luận rằng: Người tố cáo ghi thiếu hàng đơn vị. Hơn nữa, bà Hòa sang Kho bạc Thanh Xuân nhận hồ sơ khi không có chức năng giao nhận hồ sơ là nhằm vào động cơ, mục đích gì? Cục Thuế Hà Nội đã làm rõ và đã xử lý kỷ luật hành vi của bà Hòa hay chưa?

Điều đặc biệt, bà Hương phát hiện trên hệ thống quản lý thuế (TMS) của CCT Thanh Xuân xuất hiện tin trái ngược nhau khi cùng User NTMANH01.HAN nhập trên TMS ngày 06/9/2016 Công ty Sunsire được hoàn thuế, nhưng ngày 07/9/2016 lại thể hiện việc Công ty này không được hoàn thuế(!?).

Như vậy, việc Công ty Sunrise có được hoàn thuế hay không, đã hoàn thuế chưa, vì sao được hoàn thuế và hoàn thuế bao nhiêu lại không được Cục thuế Hà Nội quan tâm làm rõ?

Bãi bỏ kiểm tra thuế sau khi phát hiện sai phạm

Cũng theo bà Hương, ngày 26/7/2011, ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng CCT Thanh Xuân ký Quyết định 978 QĐ/CCT-KTNB về việc kiểm tra tình hình tuân thủ pháp luật về thuế trong năm 2010 của hộ kinh doanh do bà B.T.S làm chủ. Đoàn kiểm tra (ĐKT) do ông Nguyễn Xuân Long Đức làm trưởng đoàn.

Tại biên bản làm việc ngày 09/8/2011 giữa ĐKT và bà B.T.S. đã ghi nhận: “Trong năm 2010, bà B.T.S. đã để ngoài sổ sách kế toán với số tiền: 1.015.804.960 đồng”. Ngày 10/8/2011, ĐKT đã chốt biên bản kiểm tra với bà B.T. S., xác nhận số liệu chênh lệch 1.015.804.960 đồng là đúng. Bà B.T.S. đã ký biên bản xác nhận. Đồng thời, đoàn cũng kết thúc kiểm tra.

Căn cứ vào Quyết định 528/QĐ-TCT ngày 29/5/2008 của Tổng Cục thuế thì sau 5 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc kiểm tra (ngày 10/8/2011), Trưởng ĐKT phải công bố Biên bản kiểm tra; sau 10 ngày làm việc, Thủ trưởng cơ quan Thuế phải ký quyết định xử lý truy thu về thuế; xử phạt vi phạm hành chính về thuế và giao cho người nộp thuế.

Vậy vì lẽ gì, ngày 27/9/2011, ông Nguyễn Trường Giang lại ban hành quyết định bãi bỏ việc kiểm tra tại hộ bà S. Lí do hủy bãi bỏ kiểm tra không được nêu trong văn bản. Sau này, người tố cáo được biết: Ngày 21/9/2011, hộ kinh này có đơn xin tạm dừng kiểm tra do bà S. bị u màng não?!

Quyết định số 2552/QĐ-CCT của Chi Cục thuế quận Thanh Xuân về việc hoàn thuế kiêm bù trừ thu ngân sách nhà nước.

Quyết định số 2552/QĐ-CCT của Chi Cục thuế quận Thanh Xuân về việc hoàn thuế kiêm bù trừ thu ngân sách nhà nước.

Điều khó hiểu ở đây, ĐKT đã chốt biên bản và kết thúc kiểm tra. Trong cả quá trình kiểm tra, bà S. vẫn khỏe mạnh và hợp tác với ĐKT. Vậy, điều gì khiến gần 2 tháng sau, bà S. mới có đơn xin tạm dừng kiểm tra do bị u màng não? Tại sao ông Giang phải đợi ngần ấy thời gian mới ban hành quyết định bãi bỏ việc kiểm tra?

Dư luận đặt ra câu hỏi: Liệu ông Nguyễn Trường Giang có “bảo kê” cho sai phạm trong việc chấp hành pháp luật về thuế tại hộ kinh doanh do bà B.T.S. làm chủ? Việc này, chưa được Cục thuế làm rõ.

Nhiều User lạ, nhập khống, loạn phân quyền User

Theo bạn đọc này, từ 2011 – 2016, trên hệ thống quản lý thuế (TMS) luôn có các User lạ như: TMS_TXU.HAN; DKT03; FPT_TXU.HAN nhập chứng từ số liệu từ Kho bạc chuyển sang. Các User không được phân quyền đúng như: NTMai04.HAN; TTHANG.HAN; DTTHOAI.HAN. Trong đó, chủ nhân hai User NTMai04.HAN và TTHANG.HAN là cán bộ thu lệ phí trước bạ nhưng cũng được phân quyền nhập chứng từ số liệu từ Kho bạc chuyển sang (có chức năng 8.6.2: Xử lý chứng từ điện tử).

Thông báo kết quả giải quyết tố cáo của Cục thuế TP Hà Nội

Việc loạn phân quyền User tiềm ẩn nguy cơ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho cả ngành thuế nói chung và CCT Thanh Xuân nói riêng. Một điển hình có thể chỉ ra như: Trên TMS cho thấy Cty CP sản xuất hàng thể thao nộp thuế TNDN năm 2015 bằng 4 chứng từ nhập tay vào hệ thống là: HAN 210420160000003 và HAN 210420160000003 nhập ngày 21/4/2016; HAN 16052016000001 và HAN 16052016000002 nhập ngày 16/5/2016, với tổng số tiền trên 28 tỷ đồng. Số tiền này cũng được Cty Thể thao nộp tại CCT Nam Định. Cty thể thao nộp tại CCT Nam Định, nhưng lại được nhập tay ở CCT Thanh Xuân nhằm mục đích gì? Điều này có nghĩa, Cty thể thao đã nộp tiền ở cả 2 nơi và vì sao lại nộp ở 2 nơi, đã được hoàn lại hay chưa?

Bà Hương cho rằng, việc nhập khống thuế TNDN từ 2012 – 2016, từ User DTTHOAI.HAN đã làm lợi cho Công ty Thể thao trên 50 tỉ. Nội dung này chưa được Cục thuế Hà Nội làm sáng tỏ.

Mặc dù bà Hương đã cung cấp đầy đủ chứng cứ của User lạ và các hoạt động làm dịch vụ cho doanh nghiệp nhưng Cục thuế Hà Nội lại cho rằng: Các tài khoản USER này được cơ quan thuế cấp cho các CBCC của ngành thuế bởi cán bộ này nghỉ phải có cán bộ khác làm thay hoặc khi khối lượng hồ sơ phải xử lý lớn,… để đảm bảo cho hoạt động của cơ quan thuế được diễn ra liên tục, thông suốt, công việc không bị gián đoạn. Điều này vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của bà Hương, bởi User NTMAI04.HAN là cán bộ thu lệ phí trước bạ nhưng được phân quyền nhập chứng từ số liệu từ Kho bạc chuyển sang cơ quan thuế hàng ngày.

Biên bản làm việc giữa bà Bùi Thu Hương với Cục thuế TP Hà Nội.

Bà Hương cũng tố cáo User của mình bị ăn cắp, sử dụng trái phép để hủy chứng từ nhiều lần. Điển hình là việc bị hủy chứng từ 145 triệu của Công ty CP nguồn nhân lực NIC. Nhưng, Cục thuế Hà Nội lại bỏ qua không truy xét, không điều tra làm rõ User được sử dụng tại địa chỉ IP nào, ai sử dụng và sử dụng vào mục đích gì?

Ngoài ra, trong hoạt động nghiệp vụ, phát hiện thấy Công ty TNHH Tissue Linh An có dấu hiệu không hoạt động sản xuất thật mà sinh ra chỉ để hoàn thuế GTGT. Công ty này không xuất hóa đơn bán hàng, xuất thấp hơn thực tế bán hàng, tập hợp thật nhiều hóa đơn đầu vào để báo lỗ, thành lập nhiều cty để xuất hóa đơn cho một công ty xin hoàn thuế GTGT,… Do người tố cáo nhất quyết không hoàn thuế cho Công ty Linh An nên bị ép rời khỏi Đội thuế số 2. Người tố cáo buộc lựa chọn xin chuyển khỏi Đội thuế số 2 nhưng bị đánh giá là không làm được việc và chuẩn bị cho kế hoạch khác…

Trước kết quả giải quyết trên, bà Hương cho rằng: Cục thuế Hà Nội, giải quyết đơn tố cáo không khách quan, chưa đúng sự thật, hoàn toàn không sử dụng những chứng cứ do bà Hương cung cấp nên tiếp tục gửi đơn đến Tổng Cục thuế. Đặc biệt, trong khi bà không đồng ý với giải quyết của Cục thuế Hà Nội và tiếp tục khiếu nại tới Tổng cục thuế thì bà Lương Thị Nụ - Đội trưởng đội Nghiệp vụ dự toán kê khai kế toán thuế và Tin học đã căn cứ vào kết quả giải quyết tố cáo của Cục thuế Hà Nội để đánh giá thi đua 2 tháng cuối năm 2018 của bà là không hoàn thành nhiệm vụ. Mặc dù, khối lượng và chất lượng công việc của bà Hương từ khi về nhận công tác tới nay không thay đổi.

Phóng viên đã liên hệ với Chi cục thuế Thanh Xuân, nhưng bà Nguyễn Thị Bình, phó Chi cục thuế Thanh Xuân từ chối làm việc và nói “Các anh cứ lên Cục Thuế Hà Nội làm việc”. Còn phía Cục thuế TP Hà Nội chưa phản hồi phản hồi thông tin.

Đề nghị Tổng Cục thuế và các cơ quan chức năng xem xét thấu đáo, khách quan sự việc, dựa trên những chứng cứ cụ thể do người tố cáo cung cấp. Từ đó, chấm dứt tình trạng tố cáo, khiếu nại kéo dài và tạo sự yên tâm công tác cho cán bộ công chức, tránh nguy cơ thất thu cho ngân sách nhà nước.

Thế Thực - Nguyễn Hải/Ngày Mới Online

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/ha-noi-can-dua-vao-chung-cu-khi-lam-ro-sai-pham-tai-chi-cuc-thue-thanh-xuan-59017.htm