Hà Nội: Cải thiện năng lực dự báo để ứng phó với biến đổi khí hậu

Đó là một trong những thành tựu nổi bật của thành phố Hà Nội sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TƯ về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Hà Nội duy trì công khai chất lượng không khí tới người dân

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 24, 5 năm qua, Thành ủy Hà Nội đã ban hành 1 nghị quyết về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và các năm tiếp theo, 1 chương trình và 1 kế hoạch triển khai Nghị quyết 24; HĐND thành phố đã ban hành 2 nghị quyết về quy hoạch đê điều và bảo tồn đa dạng sinh học; UBND thành phố đã ban hành 8 quyết định và 10 kế hoạch nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương trong nghị quyết.

TP Hà Nội đã hoàn thành việc nâng cao năng lực dự báo; chủ động phòng, chống thiên tai; ứng phó và thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu để giảm nhẹ các thiệt hại do thiên tai gây ra. Triển khai có hiệu quả các hoạt động nâng cao nhận thức, gắn kết lồng ghép các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Giảm mức phát thải khí nhà kính, hoàn thành mục tiêu từ 8 đến 10% trên đơn vị GDP so với năm 2010. Về quản lý tài nguyên, thành phố đã sử dụng đất đúng quy hoạch, kế hoạch; bảo đảm tỷ lệ che phủ rừng đạt 7,5%; quản lý theo quy hoạch 92.000 ha đất trồng lúa. Hoàn thành công tác lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai theo hướng hiện đại.

Song song đó, Hà Nội quản lý chặt chẽ vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước ngầm; hạn chế ô nhiễm chất lượng nguồn nước mặt, khai thác hợp lý để phục vụ cấp nước sạch. Hoàn thành quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản; lập bản đồ trữ lượng khoáng sản trên địa bàn thành phố. Về công tác bảo vệ môi trường, thành phố đã hoàn thành việc xử lý ô nhiễm 25/25 cơ sở theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ; thu gom và xử lý 90% chất thải nguy hại, 100% chất thải y tế; tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị của 12 quận và thị xã Sơn Tây đạt 98%, của 17 huyện ngoại thành đạt 89%. 100% dân cư đô thị, gần 55% dân cư nông thôn trên địa bàn thành phố được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh; tăng diện tích cây xanh đô thị đạt 10-12 m2/người theo quy hoạch. Bên cạnh đó, TP Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 94/KH-UB về việc triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng và triển khai đề án “Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh trên địa bàn thành phố giai đoạn 2014 - 2020”, trong đó đã lồng ghép việc tái cơ cấu theo hướng tăng trưởng xanh.

Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện kiểm kê khí nhà kính tập trung vào 2 lĩnh vực: Chất thải và năng lượng. Đối với chất thải, ước tính đến năm 2020 phát thải trung bình của Thủ đô là 4,053 triệu tấn CO2. Đối với lĩnh vực năng lượng, dự tính đến năm 2020, phát thải KNK trên toàn TP tăng lên đến 18,2 triệu tấn CO2 tương đương và đến năm 2030 con số này tăng lên đến 42,7 triệu tấn (tăng lên hơn 3 lần so với mức phát thải năm 2015).Hiện tại, TP Hà Nội đã cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu theo kết quả kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.

Về các giải pháp quản lý môi trường bền vững trong giai đoạn tiếp theo, lãnh đạo Thành phố Hà Nội nhấn mạnh, sẽ chỉ đạo quyết liệt, đầu tư và triển khai các dự án về môi trường; Duy tu, duy trì 104 hồ điều hòa. Duy trì và đầu tư xây dựng thêm các nhà máy xử lý nước thải. Phấn đấu đến năm 2019, toàn bộ nước thải các quận nội thành cơ bản được xử lý, nhằm cải thiện nước sông Tô Lịch và sông Nhuệ; Đầu tư và vận hành hiệu quả nhà máy đốt rác phát điện; Triển khai chương trình trồng một triệu cây xanh; Thống kê, đánh giá và đề xuất giải pháp quản lý phát thải khí nhà kính trên địa bàn Thành phố đối với lĩnh vực chất thải và năng lượng; Đến năm 2020, Hà Nội phấn đấu lắp đặt và vận hành 38 trạm quan trắc không khí theo qui hoạch đã được duyệt nhằm đánh giá chất lượng không khí của Thành phố, đề xuất các giải pháp cải thiện chất lượng không khí.

Khánh Anh

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/moi-truong/ha-noi-cai-thien-nang-luc-du-bao-de-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-1262256.html