Hà Nội: Các chợ đầu mối chưa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm

Theo báo cáo của Sở Công thương Hà Nội về việc thực hiện xây dựng mạng lưới chợ đầu mối nông sản trên địa bàn TP giai đoạn 2012-2017, hiện nay các chợ đầu mối mới chỉ đáp ứng khoảng 14% nhu cầu tiêu thụ sản phẩm.

Theo Sở Công thương, nhu cầu tiêu thụ nông sản thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay khoảng 400 tấn thịt lợn/ngày, 170 tấn thịt gà, vịt/ngày, 1.000 tấn thủy, hải sản/ngày, 2.800 tấn rau, củ, quả/ngày.

Trong khi đó, lượng hàng hóa lưu thông qua 2 chợ đầu mối chỉ đạt khoảng 80 tấn thịt lợn/ngày, 30 tấn thịt gà, vịt/ngày; 70 tấn thủy, hải sản/ngày, 420 tấn rau, củ, quả/ngày, đảm bảo khoảng 14% nhu cầu tiêu thụ toàn thành phố.

Hoạt động mua bán rau, củ, quả tại chợ đầu mối Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: Thế Duyệt.

Hoạt động mua bán rau, củ, quả tại chợ đầu mối Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: Thế Duyệt.

Ngoài 2 chợ đầu mối (Chợ đầu mối phía Nam và Minh Khai) đang hoạt động, trên địa bàn thành phố Hà Nội còn có 4 chợ kinh doanh bán buôn nông sản, thủy sản đang hoạt động có tính chất đầu mối gồm: Chợ Long Biên kinh doanh hoa quả và rau các loại; chợ cá Yên Sở kinh doanh thủy sản; chợ gia cầm Hà Vỹ kinh doanh gia cầm, thủy cầm; chợ hoa Quảng An kinh doanh hoa.

Các chợ đầu mối được sở, ngành liên quan, UBND quận Hoàng Mai và Bắc Từ Liêm thường xuyên hướng dẫn doanh nghiệp quản lý, kinh doanh, khai thác chợ thực hiện các quy định của pháp luật liên quan như sắp xếp ngành hàng; giá dịch vụ cho thuê địa điểm kinh doanh; an ninh trật tự; phòng cháy và chữa cháy; giao thông đô thị; vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát thị trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tại 5 khu vực có quy hoạch chợ đầu mối đã được các sở, ngành liên quan, UBND các huyện xác định vị trí cụ thể, đưa vào quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch chung của huyện và các quy hoạch khác có liên quan để tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện dự án khi có nhà đầu tư đề xuất dự án.

Thực tế các chợ đầu mối trên địa bàn thành phố Hà Nội đảm nhận 3 chức năng, tuy nhiên, theo Sở Công thương Hà Nội, việc kết nối giữa chợ đầu mối và chợ dân sinh còn hạn chế. Đặc biệt, đối với loại hàng hóa là rau, củ, quả, vì các loại này phần lớn được người dân từ các tỉnh chở trực tiếp đến bán tại các chợ.

Bên cạnh đó, do còn hạn chế trong công tác khai thác thị trường, quảng bá sản phẩm nên hàng hóa tại chợ đầu mối chưa cung cấp được cho các siêu thị. Phần lớn hàng hóa tại siêu thị được chủ siêu thị mua trực tiếp của các nhà sản xuất có thương hiệu.

Được biết, cùng với nhiều nhiệm vụ trọng tâm, từ nay đến cuối năm, Sở Công thương Hà Nội sẽ triển khai Đề án "Phát triển thương mại - dịch vụ văn minh, hiện đại trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025"; nâng cấp Bản đồ mua sắm thành phố Hà Nội; xây dựng phương án định hướng phát triển các trung tâm logistics trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Triển khai Kế hoạch điều tra, khảo sát hoạt động thương mại - dịch vụ trên địa bàn TP năm 2018… nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, xã hội hóa đầu tư, quản lý các chợ trên địa bàn, giải tỏa và sắp xếp chợ cóc, chợ tạm; đồng thời tổ chức có hiệu quả các chương trình liên kết vùng, kết nối giao thương giữa Hà Nội với các tỉnh, thành trên cả nước.

Theo Chinhphu.vn

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/doi-song-xa-hoi/dia-phuong/ha-noi-cac-cho-dau-moi-chua-dap-ung-nhu-cau-tieu-thu-san-pham-35378