Hà Nội bắt đầu phá dỡ tiếp tòa 8B Lê Trực

Giai đoạn 2 phá dỡ phần sai phạm tòa nhà 8B Lê Trực sẽ được tiến hành trong nửa cuối năm 2020.

Sáng ngày 23/4/2020, ông Tạ Nam Chiến - Chủ tịch UBND Q. Ba Đình, TP. Hà Nội xác nhận, đơn vị đang giao cho các cơ quan chuyên môn chuẩn bị công tác phá dỡ giai đoạn 2 phần sai phạm tòa nhà 8B Lê Trực.

Hiện tại, cơ quan chức năng đang tiến hành phong tỏa khu vực tòa nhà 8B Lê Trực để lắp cẩu tháp, vận thăng để phục vụ quá trình tháo dỡ trong thời gian tới đây.

Dự kiến, thời gian lắp dựng cẩu tháp, vận thăng kéo dài từ ngày 22/4 tới 12/5 và tổ chức tháo dỡ từ ngày 15/5/2020.

Giai đoạn 2 sẽ tiến hành hạ độ cao tầng 17, 18 của tòa nhà và thực hiện các phần giật cấp như trong giấy phép đã được cấp.

Lực lượng chức năng phong tỏa xung quanh tòa nhà 8B Lê Trực, chuẩn bị phá dỡ giai đoạn 2.

Lực lượng chức năng phong tỏa xung quanh tòa nhà 8B Lê Trực, chuẩn bị phá dỡ giai đoạn 2.

UBND quận Ba Đình kiến nghị UBND TP Hà Nội cho phép chỉ định thầu đơn vị thi công tháo dỡ là Công ty CP Đầu tư xây dựng dân dụng Bắc Nam; giao công an thành phố phối hợp, hỗ trợ công tác cưỡng chế; giao các Sở Xây dựng, Tài chính, LĐ-TB&XH phối hợp, hướng dẫn quận Ba Đình trong quá trình thi công tháo dỡ, thanh quyết toán chi phí…

Nói về việc hạ độ cao tầng 17, 18 tòa nhà 8B Lê Trực, PGS. TS. Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định chất lượng Nhà nước về chất lượng xây dựng (Bộ Xây dựng) cũng cho rằng, việc phá dỡ tòa nhà 8B Lê Trực không quá khó nếu như đơn vị phá dỡ hiểu hết về kết cấu tòa nhà và được cấp kinh phí đầy đủ theo cam kết.

“Theo tôi được biết sơ đồ kết cấu của tòa nhà này can thiệp vào tầng 17, 18 là can thiệp trực tiếp vào thay đổi của kết cấu. Vì bản thân ở sàn 17 cũng có hệ thống kết cấu dầm treo rất lớn.

Ở tầng 3 có dầm cao 2,5m và tầng 17 có dầm cao 1,8m. Bỏ dầm đó đi thì phải xem xét thiết kế của những dầm treo ấy như thế nào. Tất cả đều phải làm những giải pháp về kỹ thuật chứ không phải cứ cắt bỏ là cắt bỏ.

Đây là vấn đề kỹ thuật phức tạp bởi nếu can thiệp tầng 17, 18 dầm chuyển ở tầng 3 còn lại không đủ để gánh các tầng còn lại.

Có thể hiểu như thế này, giả sử tải trọng dầm chuyển ở tầng 3 gánh 60% còn 40% là phần dầm ở tầng 17 bây giờ phá bỏ tầng 17 thì phải nghiên cứu phương pháp thay thế phần dầm đó ra sao.

Muốn có giải pháp thì phải hiểu kết cấu ban đầu, kết cấu hiện trạng ra sao, hồ sơ gốc, hoàn công của công trình như thế nào. Hoàn toàn chúng ta có thể làm được để tòa nhà bền vững dù sẽ rất khó khăn và cũng tốn kém về kinh phí” - PGS.TS Trần Chủng bày tỏ.

Các ngả đường đi qua tòa nhà 8B Lê Trực đang bị chặn lại.

Chính vì thế, ông Chủng cho rằng, việc chậm trễ phá dỡ tòa nhà 8B Lê Trực không phải do yếu tố khách quan, trình độ kỹ thuật mà là do cơ quan chức năng TP. Hà Nội chưa quyết liệt trong việc chỉ đạo thực hiện xử lý sai phạm.

Tòa nhà 8B Lê Trực nổi tiếng và tốn nhiều giấy mực vì có quá nhiều sai phạm so với giấy phép xây dựng như xây vượt tầng, không tuân thủ những quy định trong giấy phép.

Cụ thể từ tầng 8 trở lên (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi 3,36 m so với khối đế, phần giật cấp đầu hồi phía Đông theo thiết kế từ độ cao 44 m công trình giật cấp vào 15 m và tại độ cao 50 m giật cấp tiếp 5,3 m về phía Tây, nhưng chủ đầu tư không xây dựng giật cấp mà xây thẳng đến mái để tăng diện tích sàn.

Trước đó, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ngày 20/4, nhắc tới việc xử lý công trình 8B Lê Trực, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, cần bảo đảm quy hoạch chi tiết khu vực này; an toàn công trình; bảo đảm quyền lợi đúng mức, đúng đắn cho nhà đầu tư và cần phải làm ngay phương án cụ thể vì công trình này kéo dài gần 10 năm mà chưa xử lý xong.

Tòa nhà 8B Lê Trực được phát hiện nhiều vi phạm về độ cao, kết cấu xây dựng vào năm 2015. Khi đó, TP. Hà Nội đã yêu cầu chủ đầu tư dự án là Công ty CP May Lê Trực thực hiện trả lại hiện trạng công trình như trong giấy phép nhưng sau đó doanh nghiệp này không thực hiện.

Trước tình trạng này, cơ quan chức năng đã phải thực hiện cưỡng chế. Giai đoạn 1 của việc cưỡng chế là cắt tầng 19 của tòa nhà. Sau đó, chủ đầu tư lấy nhiều lý do khác nhau để trì hoãn việc tháo dỡ giai đoạn 2.

Giữa năm 2019, trong cuộc tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, tòa nhà 8B Lê Trực không phải vi phạm phía trên mà vi phạm ngay từ móng, vi phạm từ tầng hầm lấn ra cả vỉa hè.

"Để đảm bảo kỷ cương phép nước thì cả tòa nhà này cũng phải đập vì sai từ móng, còn chủ đầu tư rất cùn", ông Chung khẳng định.

Ngọc Khánh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/ha-noi-bat-dau-pha-do-tiep-toa-8b-le-truc-3400889/