Hà Nội: Bao giờ xóa được chợ tạm, chợ cóc ven đường?

Để chấm dứt chợ cóc, chợ tạm, trả lại hành lang an toàn cho các tuyến đường của Thủ đô, thì cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, tích cực hơn nữa của các lực lượng, các cấp, các ngành cũng như ý thức của từng người dân.

Người dân bán hàng bất chấp nguy hiểm tại khu vực cầu vượt sông Đáy. (Ảnh: NP).

Người dân bán hàng bất chấp nguy hiểm tại khu vực cầu vượt sông Đáy. (Ảnh: NP).

Từ nhiều tháng nay, tại khu vực hành lang giao thông thuộc lòng đường Đại lộ Thăng Long, đặc biệt là đoạn qua cầu vượt sông Đáy thuộc địa bàn huyện Hoài Đức (Hà Nội) thường xuyên xuất hiện hàng chục trường hợp người dân tự ý bày bán các mặt hàng nông sản ở ven đường. Trong suốt đoạn đường dài khoảng gần 1 km, người dân đã để thúng mủng, xe thồ, xe bò, xe kéo, xô chậu... với nhiều mặt hàng phục vụ người đi đường. Rất nhiều người đã tùy tiện dừng, đỗ xe để xem, lựa chọn và mua các mặt hàng nông sản tại đây.

Tương tự, tại vị trí đầu trục đường Nam Hà Nội, đoạn thuộc địa bàn phường Kiến Hưng, quận Hà Đông (Hà Nội) cũng thường xuyên diễn ra tình trạng người dân bày hàng tại vỉa hè, lòng đường để buôn bán. Đáng nói đây là những đoạn tuyến đường thẳng, cho phép tốc độ cao. Vì vậy, khi các trường hợp đi xe máy hay là ô tô bất ngờ dừng xe, đậu, đỗ ngay dưới lòng đường để mua các sản phẩm nông sản thì đều có nguy cơ tạo ra tình huống bất ngờ, rất dễ xảy ra va chạm giữa các phương tiện. Không ít vụ tai nạn giao thông đã xảy ra tại những chợ cóc, chợ tự phát này.

Thực tế, không chỉ ở Hoài Đức, Hà Đông... mà tại nhiều địa phương khác ở Hà Nội vẫn đang diễn ra tình trạng người dân tự ý họp chợ dẫn đến việc hình thành các chợ tạm, chợ cóc bên các trục đường. Bất chấp các phương tiện giao thông lưu thông ngay bên cạnh nhưng nhiều người vẫn thản nhiên lựa chọn hàng hóa, mua bán hàng mà không hề nghi đến những tai nạn nguy hiểm đến tính mạng có thể xảy ra. Thậm chí có chợ tự phát lấn cả xuống lòng đường quốc lộ để buôn bán.

Việc họp chợ tự phát ven đường càng phổ biến ở các trục đường gần những khu công nghiệp, nơi tập trung nhiều người lao động. Người dân tập trung buôn bán, từ hoa quả, rau củ, thịt, cá, quần áo…Họ bày la liệt trên vỉa hè dưới lòng đường, rất khó khăn để có thể di chuyển qua đây, nhất là vào giờ tan ca. Có thời điểm, hàng trăm công nhân cùng tham gia mua bán đã ảnh hưởng lớn đến việc lưu thông của các phương tiện.

Không chỉ gây mất an toàn giao thông, các chợ tạm, chợ cóc ven đường còn gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm khi mỗi ngày lượng xe cộ đi qua mang theo lượng khói bụi lớn, bám vào thực phẩm bày bán trên vỉa hè. Bên cạnh đó, người dân buôn bán ở các khu này thường có “thói quen” xả luôn rác thải, thịt sống… ra ven đường ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và môi trường sống của người dân xung quanh.

Được biết, các xã, phường đã sử dụng nhiều biện pháp nhằm khắc phục việc người dân mua bán tại các chợ tạm, chợ cóc ven đường. Tuy nhiên, hiệu quả thu được còn khá hạn chế. Chị Nguyễn Thị Thảo ở Khu đô thị Thanh Hà (Hà Đông) chia sẻ: “Mặc dù đã có biển báo “Cấm họp chợ ” nhưng nhiều người dân vẫn mang rau củ, thịt, cá bày bán tràn lan trên vỉa hè. Người bán ngồi sát bên lề, người mua đỗ xe ngay dưới lòng đường, nguy cơ xảy ra tai nạn là rất cao. Tuy đã được cán bộ phường tuyên truyền nhắc nhở nhưng việc mua bán vẫn thường xuyên diễn ra, khiến bà con sống quanh khu vực vô cùng bức xúc, lo lắng”.

Theo các chuyên gia, việc các chợ tạm, chợ cóc ven đường vẫn tồn tại có nguyên nhân xuất phát từ chính nhu cầu và ý thức của cả người mua, người bán. Để khắc phục tình trạng này, cần kết hợp giữa tuyên truyền, giáo dục với những chế tài xử lý nghiêm khắc. Đồng thời, cũng cần nghiên cứu, bố trí quỹ đất xây dựng chợ dân sinh tập trung tại các vị trí phù hợp.

Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã quy định rất rõ mức xử phạt đối với hành vi lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán hàng hóa. Cụ thể, theo khoản 2, điều 12, Nghị định này, sẽ phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với cá nhân, từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi chiếm dụng dải phân cách giữa của đường đôi làm nơi: bày, bán hàng hóa; để vật liệu xây dựng; khoản 5, điều 12, Nghị định này cũng quy định, phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để: họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa.

Rõ ràng, chế tài xử lý những vi phạm tại các chợ tạm, chợ cóc ven đường đã được quy định cụ thể, đầy đủ. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, để chấm dứt chợ cóc, chợ tạm, trả lại hành lang an toàn cho các tuyến đường của Thủ đô, thì cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, tích cực hơn nữa của các lực lượng, các cấp, các ngành cũng như ý thức của từng người dân.

Theo đó, chính quyền địa phương cần có kế hoạch cụ thể. Trọng tâm là tăng cường truyền thông để người bán và người mua hiểu rõ về những nguy cơ tai nạn giao thông khi tổ chức họp chợ nơi giao thông đông đúc phương tiện qua lại. Một giải pháp khác cũng cần được tiến hành song song là bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ, không để tái lập các chợ cóc, chợ tạm, các tụ điểm buôn bán đã được giải tán. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, các lực lượng chức năng cần có thái độ và hành động cương quyết khi tổ chức xử lý những trường hợp cố tình vi phạm trên cơ sở các quy định của pháp luật. Việc kiểm tra, xử lý cần được thực hiện thường xuyên, quyết liệt; tránh biểu hiện xử lý thiếu nghiêm túc, xử lý theo kiểu phong trào...

Việc chợ tạm, chợ cóc ven đường tồn tại trong thời gian dài còn bắt nguồn từ chính những nhu cầu thực tế của người dân. Do đó, để giải quyết triệt để tình trạng này, thành phố Hà Nội cần tiến hành rà soát lại tổng thể mạng lưới chợ. Từ đó, bố trí quỹ đất hợp lý cho việc xây dựng các chợ dân sinh truyền thống, các cửa hàng tiện lợi... ngay từ khi quy hoạch để đáp ứng nhu cầu của người dân. Đây là biện pháp giải quyết vấn đề từ “gốc”, tránh tình trạng chợ cóc, chợ tạm mọc lên rồi mới tìm cách giải tỏa, khắc phục.

Thực tế cho thấy, nếu xảy ra tai nạn liên quan đến các chợ tạm, chợ cóc ven đường thì nạn nhân chủ yếu là chính những người dân tham gia mua bán hàng hóa. Do đó, để tự bảo vệ mình và tránh tai nạn thương tâm, mỗi người dân cần nêu cao ý thức tự giác trong thực hiện các quy định đảm bảo trật tự an toàn giao thông và có thói quen mua bán văn minh ở đúng nơi quy định./.

Nguyên Phương

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/ban-doc/ha-noi-bao-gio-xoa-duoc-cho-tam-cho-coc-ven-duong-578341.html