Hà Nội: 'Bám trụ' trong khu tập thể xuống cấp nguy hiểm

Được xác định là xuống cấp thuộc mức độ D – mức nguy hiểm nhất, nhưng Khu tập thể G6A Thành Công (Q. Ba Đình, Hà Nội) vẫn còn 28/49 hộ dân cố bám trụ ở lại không di dời, mặc cho nguy hiểm cận kề, tòa nhà có thể đổ sập bất cứ lúc nào.

Mới đây, người dân trong khu tập thể cũ G6A, thuộc phường Thành Công, quận Ba Đình – Hà Nội, phản ánh tới báo chí về việc không đồng thuận với việc xếp loại khu tập thể này thuộc mức độ D - mức xuống cấp nguy hiểm, có nguy cơ sụp đổ, cần di dời gấp.

Ông Phạm Công Đại, ở căn hộ 205, khu tập thể G6A, cho biết: Năm 2015, Viện Khoa học Công nghệ và Kinh tế Xây dựng Hà Nội, thuộc Sở Xây dựng Hà Nội, tiến hành kiểm định một số khu tập thể, trong đó khu tập thể G6A Thành Công là bị đánh giá thuộc mức độ D - mức nguy hiểm nhất.

Đến tháng 5/2016, UBND phường Thành Công đã treo biển cảnh báo 2 đơn nguyên 1 và 2 của khu tập thể G6A, nêu rõ: Nhà G6A Thành Công được “xác định mức độ nguy hiểm cấp D tại đơn nguyên 1 và 2, khả năng chịu lực kết cấu đã không thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường, nhà xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể”.

Sau đó, UBND phường Thành Công gửi tới các hộ dân khu tập thể G6A Thành Công quyết định số 2000 (ngày 25/4/2016 của UBND thành phố Hà Nội) về việc người dân cần di dời khẩn cấp.

Đến nay, sau 3 năm được cảnh báo mức “xuống cấp nguy hiểm” nhưng vẫn còn nhiều hộ dân ở lại khu tập thể này. Ông Phạm Công Đại dẫn chúng tôi đi khảo sát khu tập thể và giới thiệu: Nhà G6A được xây dựng từ năm 1987, đến nay đã qua 30 năm sử dụng, nhà được xây dựng bằng gạch, móng độc lập.

Tổng số có 49 hộ dân trong 2 đơn nguyên. Hiện tại vẫn còn 28 hộ gia đình tập trung chủ yếu là ở tầng 2 và tầng 1 có mặt tiền kinh doanh, vẫn tiếp tục ở lại, chưa đồng ý di dời.

Khu tập thể cũ G6A Thành Công - quận Ba Đình - Hà Nội. Ảnh H. Hòa

Khu tập thể cũ G6A Thành Công - quận Ba Đình - Hà Nội. Ảnh H. Hòa

Lý giải nguyên nhân không di dời, phần lớn các hộ dân nghi ngại “đi dễ, khó về” và bày tỏ nghi ngờ trong quá trình khảo sát, Viện Khoa học Công nghệ và Kinh tế Xây dựng Hà Nội không cho cư dân G6A Thành Công được tham gia giám sát, đồng thời cũng không đào một hố móng nào để khảo sát… nên người dân nghi ngờ kết quả kiểm định.

Cạnh đó, theo ông Đại, người dân trong khu tập thể cảm thấy vô lý khi nhà G6A có 3 đơn nguyên trong cùng một khu, xây dựng cùng một đợt, nhưng lại chỉ có đơn nguyên 1 và 2 bị xếp mức độ D, còn 1 đơn nguyên lại xếp mức độ C (ít nguy hiểm hơn).

Người dân nơi đầy thừa nhận, bằng cảm nhận cũng thấy được nền móng bị lún, tòa nhà bị nghiêng, nhưng vẫn ổn định và không bị lún thêm; “hệ thống sàn, tường không xuất hiện vết nứt, không phải chằng chống”(?!). Theo người dân, khu nhà bị xếp mức độ xuống cấp nguy hiểm nhất đã khiến cho cuộc sống của người dân bị đảo lộn, việc cho thuê, mua bán căn hộ nơi đây cũng bị ảnh hưởng.

Ông Phạm Công Đại cho biết: “Chúng tôi ủng hộ việc cải tạo khu tập thể cũ này”, nhưng người dân yêu cầu “rút lại kết quả kiểm định mức độ D và cho kiểm định lại bằng cơ quan chuyên môn uy tín”. Đồng thời người dân muốn có được sự minh bạch thông tin, phương án cải tạo, đồng thời đảm bảo quyền lợi của các hộ dân trên cơ sở “người dân là chủ sở hữu”.

Quan sát bằng mắt thường có thể thấy, độ nghiêng qua kẽ hở của tòa nhà G6A so với tòa nhà bên cạnh (G6B). Ảnh H. Hòa

Vẫn dậm chân tại chỗ

Trao đổi với PV Báo Phụ nữ Việt Nam, ông Nguyễn Huy Toản, Chủ tịch UBND phường Thành Công, xác nhận: Đến nay nhà G6A vẫn còn 28/49 hộ dân ở lại chưa chịu di dời sau 3 năm được cơ quan chuyên môn xác định khu tập thể này xuống cấp ở mức nguy hiểm.

Về phía chính quyền phường, ông Nguyễn Huy Toản khẳng định chính quyền địa phương đã nhanh chóng thông báo, vận động, tuyên truyền và thực hiện các chế độ chính sách theo quy định, đồng thời yêu cầu các hộ dân di dời đến khu tái định cư mới đã được bố trí ở Trung Hòa (Cầu Giấy).

Về ý kiến người dân không đồng thuận với kết quả kiểm định mức độ D, ông Nguyễn Huy Toản cho biết thành phố Hà Nội cũng đáp ứng cho kiểm định lại tòa nhà G6A. Phía người dân cũng đã cử 6 người giám sát, trong đó có các bước như quan trắc, lấy mẫu… đều công khai cho dân được biết. Nhưng sau đó, người dân lại có 13 đơn tiếp tục không chấp thuận. Đồng thời yêu cầu muốn được biết chủ đầu tư thực hiện cải tạo khu tập thể này để thương thảo về quyền lợi của các hộ dân.

Phần cơi nới thành "chuồng cọp" làm thay đổi kết cấu chịu lực, khiến khu tập thể nhếch nhác và mất an toàn hơn. Ảnh H. Hòa

Ông Toản ngao ngán nói: Nhiều lần đôn đốc, vận động suốt mấy năm qua mà vẫn vướng mắc, 28 hộ dân vẫn cố thủ không chịu di dời mà tiếp tục sống trong tòa nhà xuống cấp nguy hiểm. Nên việc cải tạo lại khu tập thể cũ này đến nay vẫn dậm chân tại chỗ.

UBND phường Thành Công cho biết trong năm nay sẽ tiến hành kiểm định lại nhà G6A; trên cơ sở kết quả kiểm định mức độ xuống cấp cần xử lý mới hướng dẫn các hộ dân lựa chọn chủ đầu tư cải tạo hoặc xây mới nhà G6A theo quyết định 2000/UBND-XDGT (25/4/2016) của UBND Hà Nội.

UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 2000/UBND-XDGT (25/4/2016) di dời các chủ sở hữu, sử dụng tại các đơn nguyên khu nhà tập thể cũ tại phường Thành Công, Ngọc Khánh, Cống Vị của quận Ba Đình.

Trong đó, TP Hà Nội giao UBND quận Ba Đình chủ trì xây dựng phương án di dời và phương án bồi thường, hỗ trợ, tạm cư, tái định cư cho các chủ sở hữu, sử dụng tại Đơn nguyên 1, 2 nhà G6A.

Sau khi phương án di dời được UBND Thành phố phê duyệt, trường hợp hết thời hạn quy định tại Khoản 5, 6 Điều 7 Nghị định số 101/2015/NĐ-CP, ngày 20-10-2015, của Chính phủ, nếu các chủ sở hữu không thực hiện việc lựa chọn doanh nghiệp kinh doanh bất động sản làm chủ đầu tư thực hiện việc phá dỡ để cải tạo xây dựng lại nhà chung cư thì quyết định các biện pháp hành chính tổ chức thực hiện cưỡng chế di dời các chủ sở hữu, chủ sử dụng ra nơi khác theo quy định của pháp luật.

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/ha-noi-bam-tru-trong-khu-tap-the-xuong-cap-nguy-hiem-post57349.html