Hà Nội: Bài toán 'cố thủ' của người dân tại các khu chung cư xuống cấp

Hà Nội hiện còn rất nhiều chung cư cũ xuống cấp đang chờ được xây mới… Một số nơi, tính mạng cư dân luôn bị rình rập bởi các sự cố sụt lún, chập điện, gió giật… Đâu mới là nguyên do dẫn đến việc nhiều hộ gia đình chưa chịu di dời khỏi 'miệng tử thần'?

Được biết, Hà Nội hiện có gần 1.500 chung cư cũ tại 76 khu và 306 nhà chung cư độc lập có quy mô từ 2 đến 5 tầng. Hầu hết các chung cư được xây dựng từ những năm 70-80 của thế kỷ trước và đang bị xuống cấp. Trong đó, hàng chục chung cư xuống cấp ở mức độ D, mức rất nghiêm trọng.

Khu tập thể G6A (Thành Công, quận Ba Đình) được Hà Nội xác định mức độ xuống cấp ở cấp độ D, cấp độ rất nguy hiểm và phải di dời 49 hộ dân ra khỏi chung cư này. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm thực hiện công tác di dời, vẫn còn 20 hộ dân không chịu chuyển đi; 29 hộ khác đã được chuyển đến lô E, khu đô thị Yên Hòa cách đó không xa.

Khu chung cư G6A cũ ở phường Thành Công (quận Ba Đình) xuống cấp mức độ D – cấp nguy hiểm cao nhất.

Không chỉ khu G6A, 4 khu chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D đang được các quận của Hà Nội tổ chức di dời, nhưng chưa có phương án xây dựng lại. Từ hơn 10 năm trước, thành phố đã đưa ra chương trình cải tạo, nâng cấp, xây mới các chung cư cũ xuống cấp trên địa bàn với nhiều chính sách ưu tiên để kêu gọi doanh nghiệp tham gia. Tuy nhiên, có rất nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện. Sau hơn 10 năm triển khai, chương trình này gần như dậm chân tại chỗ khi mới chỉ có hơn 20 chung cư cũ đã và đang được xây dựng mới, chiếm khoảng hơn 1%.

Theo ông Nguyễn Chí Dũng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, do thiếu quy định cụ thể hệ số bồi thường tái định cư tại chỗ, không quy định phân cấp cho cấp quận, nên không phát huy được sức mạnh tự chủ của các cấp trong việc cải tạo, xây dựng mới nhà chung cư cũ.

Nghị định 101 của Chính phủ ban hành ngày 20/10/2015 quy định quy trình về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ phải được tiên hành cụ thể như: sau 12 tháng khi Sở Xây dựng tỉnh, thành phố đăng kết quả kiểm định các chung cư cần xây dựng lại, cư dân trong các khu chung cư đó tiến hành họp để lựa chọn nhà đầu tư. Phải có trên 51% các chủ sở hữu căn hộ đồng ý thì thỏa thuận giữa hai bên mới được tiến hành. Sau đó 12 tháng, chủ đầu tư không thỏa thuận được với các chủ sở hữu căn hộ thì Sở Xây dựng mới thay mặt cư dân để thẩm định năng lực của nhà đầu tư và cho phép chủ đầu tư tiến hành bước tiếp theo.

Nhà E4 khu tập thể Đại học Y Hà Nội xuống cấp nghiêm trọng.

Như vậy, khâu tiếp cận của doanh nghiệp với dự án đã mất 2 năm. Đó là chưa kể những vướng mắc khác về giấy tờ nhà, giá đền bù và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật khi tiến hành giải tỏa, đền bù.

Tuy nhiên, do những chính sách mà Hà Nội đưa ra chưa hợp lý nên nhiều hộ gia đình vẫn kiên quyết bám trụ ở những khu chung cư, khu tập thể ọp ẹp, xuống cấp nghiêm trọng. Điển hình, việc Hà Nội tạm cư cho các hộ dân ở khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp năm 2014 được cho là quá xa so với nơi học tập và làm việc của người thân trong gia đình.

Ông Hoàng Văn Kiên, một người dân sống tại khu tập thể Giảng Võ (quận Ba Đình) cho biết: "Thành phố có kế hoạch di dời chúng tôi ra ngoài nhưng từ đó đến nay cũng chẳng ai ngó ngàng hay yêu cầu gì nên vẫn ở lại. Hơn nữa, nếu thành phố muốn chúng tôi đi thì phải có kế hoạch cụ thể như bao giờ chung cư xây xong để người dân được quay lại, con cháu chúng tôi đang học tập ở Giảng Võ giờ chuyển đi xa thì phải tính thế nào…".

Nhiều người dân băn khoăn về thời điểm họ được trở về nơi ở cũ sau khi các dự án xây mới, khu tập thể, chung cư hoàn thiện. Bất chấp nguy hiểm khi ở trong dãy nhà sắp sập, nhiều người dân vẫn "thi gan với tử thần" - không chịu di dời ra ngoài. Những khu vực được Sở Xây dựng cho là nguy hiểm trước đây đã được gia cố bằng khung thép và dùng xi măng, cát vá víu các lỗ thủng.

TBCK

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/ha-noi-bai-toan-co-thu-cua-nguoi-dan-tai-cac-khu-chung-cu-xuong-cap-515295.html