Hà Nội âm thầm thay đổi tiêu chuẩn sữa chỉ Thủ đô mới có?

Phản ứng mới nhất từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ngày 28/9 là cách 'chơi chữ' của thầy Phạm Xuân Tiến, theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế là tiêu chuẩn nào?

Ngày 1/10, Báo Kinh tế & Đô thị có bài "Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải: Chương trình “Sữa học đường” là chủ trương đúng đắn". Bài báo cho biết:

Liên quan đến những ý kiến trái chiều về Chương trình “Sữa học đường” sẽ được áp dụng vào năm học 2018 - 2019 trên địa bàn Hà Nội, chiều 1/10 phát biểu kết luận tại Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho biết, đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải kết luận hội nghị lần thứ 15 Ban chấp hành Đảng bộ thành phố, ảnh: Báo Kinh tế & Đô thị.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải kết luận hội nghị lần thứ 15 Ban chấp hành Đảng bộ thành phố, ảnh: Báo Kinh tế & Đô thị.

Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy lưu ý, vấn đề là phải làm thế nào để tổ chức triển khai, đấu thầu công khai, minh bạch và đảm bảo an toàn thực phẩm. Bởi, chỉ cần một trường triển khai có vấn đề thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín của cả thành phố.

Cũng trong bài báo này, Báo Kinh tế & Đô thị cho hay, chiều 28/9, tại buổi làm việc với báo chí về Chương trình "Sữa học đường", Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, thành phần sữa sẽ theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. [1]

Âm thầm bỏ tiêu chuẩn "chỉ Hà Nội mới có" hay vẫn tiếp tục bổ sung vi chất?

Chính Báo Kinh tế & Đô thị ngày 25/9 có bài "Sữa học đường nhiều vi chất hơn sữa thông thường", bài báo dẫn lời thầy Phạm Xuân Tiến nói với báo giới chiều 25/9 khẳng định:

"Sữa này được bổ sung thêm một số vi chất theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng Quốc gia để tăng chiều cao và phát triển thể lực cho trẻ, lượng bổ sung phù hợp với từng lứa tuổi trong học đường." [2]

Ngày 28/9, Báo Kinh tế & Đô thị cho biết, trong khi nhiều tỉnh thành khác đã triển khai chương trình Sữa học đường từ cách đây vài năm và nhận được sự hưởng ứng của người dân, thì Hà Nội lại đang nhận nhiều ý kiến trái chiều khi thực hiện đề án này.

Bài báo dẫn lời thầy Phạm Xuân Tiến khẳng định:

"Đơn vị xây dựng các tiêu chuẩn vi chất để bổ sung vào Sữa học đường cho học sinh Hà Nội là Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

Cục vệ sinh An toàn thực phẩm, các chi cục của thành phố chịu trách nhiệm tiền kiểm, hậu kiểm và quản lý việc triển khai cung ứng sữa."

Bộ Y tế chưa hề cấp phép công thức sữa học đường "chuyên biệt" nào cho Hà Nội

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có loạt bài phân tích các thông tin về một công thức sữa học đường chuyên biệt được quảng cáo là:

Hà Nội đặt hàng riêng cho học sinh Thủ đô, có tác dụng tăng trưởng chiều cao, phát triển trí tuệ, không bán ra ngoài...

Những thông tin này có dấu hiệu quảng cáo không đúng sự thật và thiếu cơ sở pháp lý.

Chúng tôi cũng đã liên hệ với đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội để xin bản sao văn bản của Bộ Y tế phê chuẩn công thức sữa "chỉ Hà Nội mới có";

Nhưng ngoài 2 công văn trả lời Hà Nội của Cục An toàn thực phẩm và Viện Dinh dưỡng, không có bất kỳ quyết định nào của Bộ Y tế về việc này.

Sau loạt bài này, không còn thấy Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Báo Kinh tế & Đô thị cũng như truyền thông nhắc gì đến loại sữa "chỉ Hà Nội mới có", mà quay sang phân tích tính ưu việt của sữa học đường.

Mặc dù ngày 1/10 Báo Kinh tế & Đô thị có bài "Chính sách “Sữa học đường” của Hà Nội là công khai và minh bạch", nhưng không nói gì đến việc công khai văn bản chấp thuận / phê chuẩn của Bộ Y tế về sản phẩm sữa học đường "Hà Nội đặt hàng làm riêng cho học sinh Thủ đô".

Phản ứng mới nhất từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ngày 28/9 là cách "chơi chữ" của thầy Phạm Xuân Tiến mà Báo Kinh tế & Đô thị đã dẫn, thành phần sữa sẽ theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

"Sữa học đường theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế" là tiêu chuẩn nào?

Nếu là Quyết định 5450/QĐ-BYT ngày 28/09/2016 của Bộ Y tế, thì sữa tươi phục vụ chương trình sữa học đường Hà Nội chính là sữa tươi tiệt trùng của các hãng vẫn bán ở cửa hàng, siêu thị.

Thầy Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Ảnh: Lại Cường.

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, thầy Nguyễn Viết Cẩn - Trưởng phòng Kế hoạch tài chính Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết:

Việc tổ chức đấu thầu nhà cung cấp sữa học đường cũng như việc lùi thời hạn đấu thầu từ 1/10 sang 10/10 tuân thủ đúng Luật Đấu thầu cũng như chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố về việc giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo làm đầu mối triển khai thực hiện.

Trên quan điểm cá nhân, thầy Nguyễn Viết Cẩn cho rằng sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình sữa học đường phải tuân thủ Quyết định 5450/QĐ-BYT ngày 28/09/2016 của Bộ Y tế;

Ngoài ra không nên đặt ra tiêu chuẩn chuyên biệt, riêng có nào hết. Nếu tỉnh nào cũng đòi làm sữa riêng cho tỉnh mình, làm gì có mặt bằng chung kĩ thuật quốc gia?

Chủ trương đúng, nhưng cách làm nếu thiếu thận trọng, khoa học và minh bạch sẽ dễ nảy sinh bất cập

Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ và tán thành ý kiến của Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, sữa học đường là một chủ trương đúng đắn, thậm chí rất nhân văn;

Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy lưu ý, vấn đề là phải làm thế nào để tổ chức triển khai, đấu thầu công khai, minh bạch và đảm bảo an toàn thực phẩm.

Cũng chính vì để góp phần triền khai chương trình sữa học đường đạt được mục đích nhân văn và hiệu quả, ngăn ngừa những nguy cơ không đáng có và có thể dự báo trước, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có loạt bài phân tích và phản biện về cách làm của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Sữa học đường, không tính kỹ sẽ thành của người phúc ta, mượn hoa dâng Phật

Đấu thầu nhà cung cấp phải công khai, minh bạch và đảm bảo an toàn thực phẩm là yêu cầu cần phải đạt được, nhưng theo chúng tôi như vậy vẫn chưa đủ.

Bởi Hà Nội xác định mục tiêu phấn đấu là trên 90% học sinh mẫu giáo và tiểu học sử dụng sữa học đường, tức là hơn 1 triệu em uống sữa tươi 5 ngày / tuần.

Đây là một thị trường lớn, nên chia nhỏ gói thầu để tạo cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà cung cấp, tránh độc quyền và giảm thiểu tối đa rủi ro, kích thích lĩnh vực chăn nuôi bò của chính Thủ đô phát triển.

Tuy nhiên, Hà Nội đấu thầu thành 1 gói, chọn 1 nhà cung cấp và tiêu chí hàng đầu là nhà thầu phải đủ năng lực tài chính, kỹ thuật và sản xuất để đảm bảo cho 1 triệu đến 1,3 triệu học sinh Hà Nội sử dụng sữa tươi hàng ngày.

Có thể nói, tiêu chí này vô hình trung trở thành công cụ gạt các doanh nghiệp vừa và nhỏ ra khỏi cuộc chơi.

Thậm chí ngay cả 1 nhà thầu duy nhất, lớn nhất trúng thầu cũng chưa chắc đảm đương nổi, mà phải liên doanh liên kết với các nhà thầu phụ.

Thứ hai là vấn đề quảng cáo, truyền thông của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã khiến cha mẹ học sinh đang băn khoăn lại càng thêm thắc mắc về một công thức sữa "chỉ Hà Nội mới có", nhưng không đưa ra được cơ sở pháp lý của nó.

Thứ ba là vấn đề triển khai, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vẫn khẳng định chắc chắn rằng, sữa học đường là chương trình hoàn toàn tự nguyện, cha mẹ học sinh thấy có ích thì đăng ký, không tính vào thi đua.

Tuy nhiên, với gợi ý các trường cho trẻ em uống sữa học đường đồng loạt vào một giờ, dẫn đến những tình huống trớ trêu như "lớp có 40 cháu, 30 cháu uống còn 10 cháu ngồi nhìn".

Hà Nội pha thêm những chất gì vào sữa học đường mà sữa ngoài không có?

Ngoài ra, chúng tôi còn tìm thấy công văn số 3613/SGDĐT-GDMN về việc hướng dẫn thực hiện quy chế chuyên môn cấp học mầm non năm học 2018-2019 ngày 28/8 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, do Giám đốc Sở, thầy Chử Xuân Dũng ký.

Nội dung chỉ đạo đảm bảo chất lượng bữa ăn của các trường, lớp mẫu giáo
yêu cầu:

- Thực đơn: Xây dựng thực đơn, khẩu phần ăn cho trẻ ở các độ tuổi theo quy định của chương trình giáo dục mầm non.

- Thực hiện Đề án sữa học đường đối với trẻ mẫu giáo:

+ Các đơn vị tuyên truyền với cha mẹ trẻ về Đề án và kiến thức nuôi dạy trẻ theo khoa học theo Tháp dinh dưỡng hợp lý cho trẻ em 3-5 tuổi (giai đoạn 2016-2020), mức tiêu thụ trung bình cho một trẻ trong một ngày của Viện Dinh dưỡng.

+ Tiền sữa không tính vào tiền ăn hàng ngày của trẻ.

+ Thời điểm cho trẻ uống sữa (gợi ý): Cơ sở giáo dục mầm non thống nhất với cha mẹ trẻ việc phát và uống sữa học đường vào bữa sáng hàng ngày.

Trong cơ cấu bữa ăn và khẩu phần ăn của rất nhiều cơ sở giáo dục mầm non hiện nay đã có sữa tươi, thậm chí có trường đảm bảo 2 bữa sữa tươi / ngày.

Nếu nay Sở chỉ đạo "tiền sữa không tính vào tiền ăn hàng ngày của trẻ", phải chăng là muốn thay các sản phẩm sữa tươi này bằng sữa học đường vốn không khác mấy về mặt bằng kỹ thuật?

Hơn nữa, nhiều trẻ đã định hình khẩu vị và có thể chỉ uống được loại sữa tươi hãng này mà không hợp sữa tươi hãng khác, nay có buộc phải thay đổi theo sản phẩm duy nhất của sữa học đường?

Đây cũng là điều chúng tôi băn khoăn khi Hà Nội đấu thầu chọn 1 doanh nghiệp cung cấp sữa học đường cho 1,3 triệu học sinh, liệu có có khiến các em định hình khẩu vị, bất công với các doanh nghiệp còn lại vì mất đi một thị trường lớn?

Chúng tôi đã đem những thắc mắc này trao đổi với thầy Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở kiêm Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo đề án sữa học đường Hà Nội, tuy nhiên chúng tôi chưa nhận được câu trả lời.

Nguồn:

[1]http://kinhtedothi.vn/bi-thu-thanh-uy-hoang-trung-hai-chuong-trinh-sua-hoc-duong-la-chu-truong-dung-dan-326465.html

[2]http://kinhtedothi.vn/sua-hoc-duong-nhieu-vi-chat-hon-sua-thong-thuong-325983.html

[3]http://kinhtedothi.vn/chuong-trinh-sua-hoc-duong-vi-the-luc-va-tam-voc-the-he-tuong-lai-326267.html

Nhật Quang

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/ha-noi-am-tham-thay-doi-tieu-chuan-sua-chi-thu-do-moi-co-post191377.gd