Hà Nội: 533 viên chức ngành giáo dục xin thôi việc trong năm 2022

Từ ngày 01/01/2022 đến ngày 31/10/2022, có 533 viên chức thuộc lĩnh vực giáo dục đào tạo ở Hà Nội xin thôi việc.

Theo Báo cáo 437/BC-UBND bổ sung, giải trình "Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023" của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, từ ngày 01/01/2022 đến ngày 31/10/2022, toàn thành phố Hà Nội có 1.059 công chức, viên chức xin thôi việc theo nguyện vọng, xin chấm dứt hợp đồng làm việc.

Trong đó có 43 công chức/ 7935 biên chế công chức, chiếm tỉ lệ 0,54%, và 1.016 viên chức/135.948 biên chế viên chức, chiếm tỉ lệ 0,75%.

Đặc biệt, trong số 1.016 viên chức thôi việc, có 533 viên chức thuộc lĩnh vực giáo dục đào tạo, chiếm tỉ lệ 52,4%.

Biểu đồ thể hiện tỷ lệ viên chức xin thôi việc từ ngày 01/01/2022 đến ngày 31/10/2022 của thành phố Hà Nội. Ảnh: Trần Lý

Biểu đồ thể hiện tỷ lệ viên chức xin thôi việc từ ngày 01/01/2022 đến ngày 31/10/2022 của thành phố Hà Nội. Ảnh: Trần Lý

Nguyên nhân của việc nghỉ việc, thôi việc của công chức, viên chức có nhiều, tuy nhiên tập trung vào ba nhóm:

Thứ nhất, do dịch bệnh kéo dài, kinh tế gia đình khó khăn, tiền lương không đủ đảm bảo nhu cầu cơ bản của cuộc sống.

Thứ hai, do việc cạnh tranh, thu hút nguồn lao động từ khu vực tư nhân. Khi chế độ đãi ngộ trong khu vực công còn chưa đảm bảo, người lao động có thể lựa chọn chuyển sang khu vực tư với tiền lương và thu nhập cao hơn, môi trường làm việc chuyên nghiệp và có tính cạnh tranh cao.

Cụ thể, khu vực tư nhân sẵn sàng tuyển chọn người làm việc trong khu vực công với mức lương hấp dẫn, đãi ngộ về vật chất, cơ hội học tập.

Thứ ba, các lý do cá nhân khác như tình hình sức khỏe, hoàn cảnh gia đình, mong muốn thay đổi công việc của cán bộ, công chức, viên chức.

Từ những thực tế trên, cần có những giải pháp để khắc phục đến từ Ủy ban nhân dân thành phố, các cơ quan trung ương.

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cần tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị khẩn trương thực hiện việc tuyển dụng công chức, viên chức theo thẩm quyền và phân cấp. Có chính sách cải thiện cơ chế tiền lương, chế độ đãi ngộ phù hợp đối với công chức, viên chức. Thực hiện tăng định mức phân bổ dự toán chi hoạt động thường xuyên đối với biên chế công chức theo chỉ đạo của Thành ủy.

Ngoài ra, tiếp tục đổi mới lề lối làm việc, cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công vụ và cung ứng dịch vụ sự nghiệp công; tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc, giảm sức lao động thô sơ... Đổi mới công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức theo hướng đúng thực chất, công bằng. Quan tâm, tạo điều kiện để phát triển đối với cán bộ, công chức, viên chức có trình độ, năng lực.

Đề xuất, kiến nghị với các cơ quan trung ương về việc thực hiện hoàn thiện quy định của pháp luật về vị trí việc làm của công chức, viên chức theo hướng phân công đan xen các lĩnh vực, nhiệm vụ để tăng thêm sức hút đối với công chức, viên chức.

Đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu cấp có thẩm quyền xây dựng, triển khai chính sách cải cách tiền lương mới đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao mức thu nhập, tạo sự cân bằng giữa mức lương tối thiểu và mức lương tối thiểu vùng của khu vực doanh nghiệp.

Các bộ quản lý ngành, lĩnh vực sớm tham mưu, hoàn thiện các quy định về xã hội hóa, định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí làm cơ sở để ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước... làm cơ sở để Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành chủ động nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Trần Lý

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/ha-noi-533-vien-chuc-nganh-giao-duc-xin-thoi-viec-trong-nam-2022-post231695.gd