Hà Nội 4.0 không vội không xong

Nhiều kỳ vọng đang đặt lên vai Hà Nội, trung tâm kinh tế-chính trị-văn hóa. Phải chăng, để đáp ứng niềm tin yêu ấy, Hà Nội không vội cũng không xong?

Hẳn không phải ngẫu nhiên, cách nói có phần trào tiếu ‘Hà Nội không vội được đâu’ dần dần được công nhận tại nhiều diễn đàn chính thức.

Thực trạng đáng buồn này đương nhiên không phải đặc sản của riêng Hà Nội và nó vẫn bị coi là điểm nghẽn cản trở sự phát triển nói chung. Thiệt hại khó đo đếm nhưng người ta đã phải đối diện với nhiều bài học thấm thía.

Xin phép được nhắc lại một câu chuyện rất cũ. Vào năm 2013, Bí thư Hà Nội khi đó là ông Phạm Quang Nghị đã nêu lên một ví dụ điển hình về tình trạng trì trệ trong bộ máy công quyền.

Bức thư cảm ơn mang tính chất ngoại giao mất đúng 1 tháng đi từ Văn phòng UBND thành phố tới bàn làm việc của Bí thư, trong đó, Văn phòng UBND chậm 22 ngày, Sở Ngoại vụ chậm 8 ngày.

Sự đủng đỉnh mang tính chất quan liêu nói trên lẽ ra phải là hồi chuông cảnh báo, khiến từng mắt xích trong bộ máy công quyền phải nhìn lại mình mà vận hành trơn tru, hiệu lực hơn. Thế nhưng, thực tế lại đi theo một con đường không ai mong muốn.

Không phải là sự chậm trễ một phúc đáp ngoại giao, nhiều công trình chậm tiến độ, đội vốn đang tồn tại như những vết sẹo làm xấu đi gương mặt đẹp của thành phố hơn 1000 năm tuổi. Trong số đó, phải kể đến dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông.

Khởi công năm 2011, dự kiến hoàn thành năm 2015 nhưng tới thời điểm này, dự án đã chậm tiến độ 3 năm, 4 lần “hứa nhầm” chuyện vận hành thương mại. Đáng nói hơn, từ mức đầu tư 8.770 tỷ đồng, dự án đã đội vốn 10.000 tỷ, lên tới mức 18.792 tỷ đồng.

Do chậm vận hành thương mại, từ năm 2016, Việt Nam phải trả nợ đúng hạn cả gốc lẫn lãi 650 tỉ đồng/năm cho khoản vay bổ sung 250 triệu USD từ Ngân hàng Xuất khẩu Trung Quốc.

Dù lạc quan và chia sẻ với vướng mắc quy trình đến đâu, người dân Hà Nội cũng không khỏi xót xa cho từng đồng tiền thấm đẫm mồ hôi bị phung phí một cách vô nghĩa. Lỗi không thuộc về tài kinh doanh, thậm chí cả các thủ thuật không trong sáng của người Trung Quốc.

Dự án xe buýt nhanh BRT với nguồn vốn do Ngân hàng Thế giới (World Bank) tài trợ cũng về đích sau 10 năm. Theo đánh giá của phía World Bank, lỗi do Hà Nội chưa chủ động về cơ sở pháp lý, thể chế cho BRT dẫn đến dự án chậm trễ, phải thay đổi thiết kế và càng chậm hơn.

Bỏ qua tranh luận về tính hiệu quả của loại hình vận tải công cộng này, rõ ràng Hà Nội không vội và người dân nghèo đành quệt nhanh giọt nước mắt mà tiếp tục cuộc mưu sinh. Những Cát Linh – Hà Đông hay BRT không phải là cá biệt.

Tại Hội nghị Hà Nội 2018 – Hợp tác và phát triển, vấn đề này đã được đề cập một cách nghiêm túc. Cả hội trường đã vỗ tay tán thưởng khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói thẳng: “Hà Nội rất hay nói “Hà Nội không vội được đâu”, sẽ đổi thành câu “Hà Nội không vội không xong”.

Dù không phải là chỉ đạo chính thức, nhưng đó cũng không phải là câu nói cho vui. Và trong phần phát biểu, người đứng đầu chính phủ đã chỉ rõ nhiều khó khăn, thách thức mà Hà Nội đang phải đối mặt.

Theo đó, chỉ số tiếp cận đất đai của Hà Nội cải thiện 4 bậc so với năm 2017 nhưng vẫn thấp, nộp thuế tại đây còn phiền hà, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công của Hà Nội còn thấp, chỉ số công khai minh bạch còn nhiều dư địa để cố gắng hơn. Chỉ khi đó, môi trường kinh doanh tại Hà Nội mới được cải thiện từ… gốc.

Đó sẽ không chỉ là những lợi thế về mặt thể chế chính sách hay vị trí có một không hai, mà còn là nguồn lực đến từ sự nỗ lực của từng người dân Hà Nội, đặc biệt là những vị công bộc đang được giao trọng trách lớn trong bộ máy hành chính Thủ đô.

Và thành tích thu hút đầu tư đứng thứ hai cả nước, chỉ sau Bình Dương, với quy mô vốn gần 400.000 tỷ đồng, tương đương 17 tỷ USD không chỉ dừng lại ở con số đẹp. Nó sẽ đơm hoa kết trái, biến Hà Nội thành một đầu tàu kinh tế vững mạnh của đất nước.

Có thể thấy, con đường đi tới thành công đã được chỉ hướng. Một nửa tấm huân chương đã nằm trong tay, vấn đề còn lại chỉ là Hà Nội sẽ không vội như thế nào? Dường như, đây là câu hỏi không dễ trả lời.

Đầu tiên, phải khẳng định rằng, khó là điều tốt đẹp nếu thay thế sự ‘không vội’ là những dự án được duyệt nhanh thần tốc, điều đã được ghi nhận ở gói thầu Toàn bộ phần xây lắp, di dời, lắp đặt mới đèn tín hiệu giao thông thuộc Dự án đường Nguyễn Chí Thanh.

Theo thông tin trên báo chí, một doanh nghiệp được duyệt trúng thầu chỉ một ngày sau khi đóng thầu. Doanh nghiệp được lựa chọn đã từng may mắn trúng 5 gói thầu (4 gói thầu với tư cách là thành viên liên danh, 1 gói thầu với tư cách nhà thầu độc lập) do Sở GTVT Hà Nội làm chủ đầu tư trong vòng 3 năm tính từ tháng 11/2015. Dù không ưu ái, nhưng không khó hiểu khi hiện tượng “lạ” này khiến nhiều nhà thầu đặt câu hỏi.

Sự khẩn trương, có thể không cẩu thả nói trên, nếu tiếp tục diễn ra, đặc biệt với việc khai thác quỹ đất vàng ở Hà Nội sẽ còn gây nhiều tâm tư hơn nữa.

Bởi lẽ, không còn là chuyện một doanh nghiệp được hưởng phần bánh quá nhiều, thất thoát nguồn lực từ đất, vốn tài sản hữu hình lớn nhất của Hà Nội hiện nay là khó có thể đo đếm. Người dân lại buộc phải lắc đầu ngán ngẩm, chậm hay nhanh đều dẫn tới… túi riêng.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/binh-luan/ha-noi-40-khong-voi-khong-xong-3360731/