'Hạ nhiệt' từ 200.000 đến 400.000 đồng/lượng vàng, dự báo giá SJC năm 2022 ra sao?

Cuối giờ chiều 29/11, giá vàng SJC giảm từ 200.000 đến 400.000 đồng/lượng so với phiên trước nhưng vẫn duy trì giá bán khá cao, từ 60,60 – 61,10 triệu đồng/lượng.

Những lo ngại mới về đại dịch COVID-19 kích thích nhu cầu về kênh giữ tài sản an toàn của các nhà đầu tư.

Những lo ngại mới về đại dịch COVID-19 kích thích nhu cầu về kênh giữ tài sản an toàn của các nhà đầu tư.

Cụ thể tại hệ thống SJC Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng SJC mua vào – bán ra là 59,95 – 60,67 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng mua vào và 200.000 đồng/lượng bán ra so với phiên trước; SJC giao dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh 59,95 – 60,65 triệu đồng/lượng, mức giảm tương tự như trên.

Tại Doji Hà Nội và Thành phồ Hồ Chí Minh, giá vàng SJC bán ra 60,60 triệu đồng/lượng, giảm 200.000 đồng/lượng so với trước. Nếu như tại Phú Quý, giá vàng SJC giao dịch 59,95 – 60,6 triệu đồng/lượng, giảm 150.000 đồng/lượng mua vào và 250.000 đồng/lượng bán ra thì tại VietinBank Gold, giá vàng giảm mạnh 300.000 đồng/lượng mua vào và 400.000 đồng/lượng bán ra, giao dịch 59,95 – 60,67 triệu đồng/lượng.

Riêng tại MaritimeBank, giá vàng tăng 300.000 đồng/lượng mua vào và 100.000 đồng/lượng bán ra so với phiên trước, giao dịch 59,70 – 61,1 triệu đồng/lượng.

Ngày 29/11, giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.794,7 USD/ounce. Vàng giao tháng 12 trên sàn Comex New York ở mức 1.796,5 USD/ounce. Giá vàng giao ngay tăng hơn 1% lên 1.815,26 USD/ounce trong khi vàng kỳ hạn tháng 12 tăng 1,7% lên 1.813,80 USD.

Theo khảo sát của Kitco News về triển vọng giá vàng trong tuần này, các chuyên gia của Wall Street có quan điểm cân bằng ngang nhau giữa giảm, đi ngang và tăng giá, tỷ lệ 33%. Trong khi đó khảo sát trực tuyến của Main Street, 67% nhà đầu tư nhận định vàng sẽ tăng, còn 20% dự báo giảm.

Theo TS Nguyễn Minh Phong, dự báo ngắn hạn, giá vàng sẽ có nhiều yếu tố đi xuống, biểu hiện sau khi lập đỉnh tuần qua, những phiên gần đây vàng đã quay đầu "lao dốc". Tuy nhiên, về trung hạn, dài hạn, giá vàng có thể đi lên. Việc điều chỉnh này có khi phải chờ cả chục năm mới có thể cân bằng trở lại.

Sự xuất hiện của biến thể mới COVID-19 (Omicron) đã làm náo động các nhà đầu tư, gây ra dòng vốn chảy vào các thiên đường truyền thống như vàng. Giá dầu thô và đồng USD đang lao dốc, vì vậy lạm phát hàng hóa có thể giảm bớt. Theo PGS TS Đinh Trọng Thịnh (Giảng viên cao cấp Học viện Tài Chính), để kích thích nền kinh tế tăng trưởng và phục hồi, năm 2021, Chính phủ các nước đã "bơm" ra một lượng tiền tệ rất lớn (khoảng 10.400 tỷ USD). Việc này đã làm cho giá trị của các đồng tiền, kể cả các đồng USD giảm sút so với vàng. Giá vàng tăng thời gian qua có nhân tố khác là bùng phát đại dịch lần thứ 4 tại nhiều quốc gia dẫn đến việc phải giãn cách một phần để phòng chống dịch, từ đó làm cho tăng trưởng của các quốc gia chậm lại.

Khi sản xuất đình trệ, nền kinh tế thế giới đều giảm sút, tình trạng lao động việc làm ở các quốc gia lớn như Mỹ hay liên minh châu Âu bị chững lại, tốc độ tăng trưởng giảm đi, chỉ số tiêu dùng giảm sút, lạm phát tăng cao… sẽ tạo ra áp lực tâm lý rất lớn cho các nhà đầu tư và điều nhận thấy rõ ràng là các nhà đầu tư phải tìm kiếm bến đỗ an toàn, đó là vàng.

“Xu hướng giá vàng sẽ giảm phụ thuộc vào thông tin về sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, chỉ số tiêu dùng của thế giới tăng. Trong ngắn hạn, giá vàng sẽ giữ ở mức giá hiện tại hoặc có thể tiếp tục đi xuống, nhưng sẽ không tăng qua mốc 1.900 USD/ounce. Tuy nhiên về lâu về dài, giá vàng sẽ có chiều hướng tăng và có thể, giữa năm 2022, giá vàng sẽ tăng 2.000 USD/ounce", chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho biết.

Tin, ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/tai-chinh-ngan-hang/ha-nhiet-tu-200000-den-400000-dongluong-vang-du-bao-gia-sjc-nam-2022-ra-sao-20211129183516750.htm