Hạ nhiệt căng thẳng

Thượng viện Mỹ mới đây đã ngăn chặn nỗ lực của chính quyền Tổng thống Đ.Trăm hoàn tất thương vụ bán vũ khí cho ba nước A-rập, trong đó có đồng minh chiến lược A-rập Xê-út. Giới nghị sĩ Mỹ cũng hết sức thận trọng trước những bước leo thang giữa Mỹ và I-ran. Hạ nhiệt căng thẳng là giải pháp mà các nghị sĩ Mỹ lựa chọn, nhằm tránh cho Oa-sinh-tơn một cuộc đối đầu quân sự nguy hiểm với I-ran sau vụ Tê-hê-ran bắn hạ máy bay không người lái của Lầu năm góc tại vùng Vịnh.

Thượng viện Mỹ mới đây đã ngăn chặn nỗ lực của chính quyền Tổng thống Đ.Trăm hoàn tất thương vụ bán vũ khí cho ba nước A-rập, trong đó có đồng minh chiến lược A-rập Xê-út. Giới nghị sĩ Mỹ cũng hết sức thận trọng trước những bước leo thang giữa Mỹ và I-ran. Hạ nhiệt căng thẳng là giải pháp mà các nghị sĩ Mỹ lựa chọn, nhằm tránh cho Oa-sinh-tơn một cuộc đối đầu quân sự nguy hiểm với I-ran sau vụ Tê-hê-ran bắn hạ máy bay không người lái của Lầu năm góc tại vùng Vịnh.

Với sự ủng hộ của các nghị sĩ đảng Dân chủ và một số nghị sĩ đảng Cộng hòa, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua hai nghị quyết ngăn chặn hơn 20 thương vụ bán vũ khí trị giá 8,1 tỷ USD cho A-rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) và Gioóc-đa-ni do chính quyền của Tổng thống Đ.Trăm đưa ra trước đó mà bỏ qua sự xem xét của quốc hội. Các nghị sĩ Dân chủ tại Hạ viện cũng tuyên bố sẽ thông qua các nghị quyết ngăn chặn việc bán vũ khí. Động thái nêu trên thể hiện sự quan ngại đối với hàng loạt cuộc khủng hoảng ở khu vực Trung Đông có nguy cơ leo thang.

Giới lập pháp Mỹ cũng bày tỏ lo ngại việc gia tăng nguy cơ nổ ra cuộc xung đột với những hậu quả không thể lường trước giữa Mỹ và I-ran, trong bối cảnh Mỹ liên tục triển khai các khí tài quân sự tới Trung Đông với lý do nhằm đối phó “mối đe dọa từ I-ran”. Trong phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ mới đây, Chủ tịch Ủy ban E.En-gheo cảnh báo, gia tăng nguy cơ tính toán sai lầm có thể khiến nước Mỹ sa chân vào chiến tranh. Hạ nghị sĩ E.En-gheo cho rằng hành động quân sự chống I-ran mà không được quốc hội thông qua hoàn toàn không phải là một lựa chọn.

Những quan ngại của giới nghị sĩ Mỹ được đưa ra trong bối cảnh “sức nóng” của cuộc đối đầu giữa Mỹ và I-ran có những diễn biến đầy kịch tính và bất ngờ. I-ran tuyên bố đã bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ khi Tê-hê-ran phát hiện một máy bay do thám của Mỹ xuất hiện gần chiếc máy bay không người lái này. Tê-hê-ran khẳng định máy bay bị bắn hạ đã xâm phạm không phận quốc gia Hồi giáo. Tổng thống Mỹ Đ.Trăm cho rằng, đây là “sai lầm lớn của I-ran” và ra lệnh có hành động đáp trả, tuy nhiên sau đó ông đã rút lại quyết định vào phút chót. Các máy bay chiến đấu và tàu chiến của Mỹ đã vào vị trí chiến đấu, nhưng chưa có tên lửa nào được phóng đi khi lệnh tiến công bị hủy bỏ.

Tổng thống Đ.Trăm cho rằng, nếu quyết định tiến công trả đũa được thực hiện thì đó sẽ là sự đáp trả không tương xứng với việc I-ran bắn hạ một máy bay trinh sát không người lái của Mỹ, đồng thời cho biết các biện pháp trừng phạt bổ sung đã được áp đặt đối với Tê-hê-ran. Mặc dù người đứng đầu Nhà trắng kịp thời rút lại quyết định hành động quân sự trả đũa, song theo các chuyên gia, việc chiếc máy bay do thám không người lái hiệu RQ-4A Global Hawk bị I-ran bắn hạ sẽ khiến Mỹ bị “tổn thất rất nhiều”. Đây là trường hợp đầu tiên loại máy bay đáng tin cậy này bị bắn hạ trong lịch sử gần 18 năm hoạt động.

Lo ngại trước nguy cơ “tăng nhiệt” vượt quá tầm kiểm soát trong cuộc “so găng” Mỹ - I-ran, Chủ tịch Hạ viện Mỹ N.Pe-lô-xi cho rằng, nước Mỹ cần phản ứng một cách “chiến lược và thông minh”, có sự phối hợp với các đồng minh, trong việc đối phó vụ I-ran bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ tại eo biển Hoóc-mút. Bà Pe-lô-xi nhấn mạnh, căng thẳng gia tăng trong khu vực và Mỹ phải làm mọi việc có thể để tình hình không leo thang và phải bảo đảm an toàn cho nhân sự của Mỹ trong khu vực. Các lãnh đạo đảng Dân chủ cũng đã nói với Tổng thống Đ.Trăm rằng, Nhà trắng cần sự cho phép của Quốc hội trước khi phát động hành động quân sự chống I-ran.

Các hoạt động quân sự gia tăng và căng thẳng chính trị leo thang trong khu vực đã khiến Cơ quan Hàng không liên bang Mỹ (FAA) công bố một quy định khẩn cấp, theo đó tạm thời cấm các hãng hàng không của Mỹ thực hiện các chuyến bay qua không phận do I-ran kiểm soát ở eo biển Hoóc-mút và vịnh Ô-man. Các lực lượng Mỹ cũng đã lên kế hoạch sơ tán hàng trăm nhân viên thuộc các nhà thầu an ninh đang làm việc trong một căn cứ ở I-rắc.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Gu-tê-rét kêu gọi cả Mỹ và I-ran cần hết sức kiềm chế, đồng thời bày tỏ hết sức quan ngại về diễn biến mới nhất ở vùng Vịnh. Trong khi đó, Nga cáo buộc Mỹ cố tình châm ngòi căng thẳng nguy hiểm chung quanh vấn đề I-ran và đẩy tình hình đến bờ vực chiến tranh. Nga kêu gọi Oa-sinh-tơn cân nhắc hậu quả của cuộc xung đột với Tê-hê-ran và cho rằng tình hình đã trở nên cực kỳ nguy hiểm. I-ran cũng thông qua Đại sứ Thụy Sĩ tại Tê-hê-ran cảnh báo, Mỹ sẽ phải chịu trách nhiệm cho hậu quả của bất cứ hành động quân sự nào đối với quốc gia Hồi giáo.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Đ.Trăm đang tăng cường mối quan hệ chiến lược với các đồng minh ở Trung Đông, đồng thời tuyên bố để ngỏ mọi sự lựa chọn với I-ran. Trong khi đó, cộng đồng quốc tế và thậm chí cả giới nghị sĩ Mỹ đều kêu gọi sự kiềm chế, tránh các động thái làm leo thang căng thẳng, đồng thời nhấn mạnh các bên cần giải quyết mọi bất đồng thông qua đối thoại. Những diễn biến đáng quan ngại ở vùng Vịnh gần đây cần được hạ nhiệt để tránh cho khu vực lâm vào một cuộc chiến mới với những hậu quả khôn lường.

ĐAN ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/40623202-ha-nhiet-cang-thang.html