Hạ nhiệt căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước phương Tây

Cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước phương Tây đã được 'tháo ngòi' kịp thời, không nhà ngoại giao nước ngoài nào bị trục xuất như đe dọa của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Ðộng thái 'rút củi đáy nồi' nhằm hạ nhiệt căng thẳng được xem là vì lợi ích của hai phía và của cả NATO.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. (Ảnh: Reuters)

Căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước phương Tây bùng nổ ngay khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho biết, ông đã chỉ thị Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố “không hoan nghênh” và nhanh chóng trục xuất 10 đại sứ các nước. Lý do liên quan đến tuyên bố chung kêu gọi trả tự do cho doanh nhân Thổ Nhĩ Kỳ Osman Kavala, nhân vật đang bị giam giữ ở Thổ Nhĩ Kỳ với cáo buộc hậu thuẫn tài chính cho các cuộc biểu tình chống chính phủ năm 2013 và tham gia âm mưu đảo chính năm 2016.

Trong tuyên bố chung, các đại sứ của 10 nước, gồm Mỹ, Canada, Pháp, Phần Lan, Ðan Mạch, Ðức, Hà Lan, New Zealand, Na Uy và Thụy Ðiển, kêu gọi có “giải pháp công bằng và nhanh chóng” đối với trường hợp doanh nhân Kavala, phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như luật pháp nước này. Các đại sứ cũng kêu gọi lập tức trả tự do cho nhân vật này.

Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu các đại sứ nêu trên tới phản đối và gọi tuyên bố chung của họ là “vô trách nhiệm”. Ðộng thái của các nhà ngoại giao phương Tây đã khiến nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ “nổi đóa”. Tổng thống Erdogan cáo buộc họ can thiệp công việc nội bộ của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ðáng chú ý, trong số 10 nhà ngoại giao bị Thổ Nhĩ Kỳ dọa trục xuất, có tới 7 đại sứ của các thành viên NATO, vì thế, cảnh báo từ Ankara ngay lập tức gây bất đồng sâu sắc giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các đồng minh, với mức độ nghiêm trọng nhất trong 19 năm cầm quyền của ông Erdogan vừa qua, thậm chí có nguy cơ gây rạn nứt liên minh quân sự.

Thị trường hối đoái Thổ Nhĩ Kỳ đã có phản ứng ngay tức thì, với việc đồng nội tệ lira rớt giá xuống mức thấp kỷ lục. Giới chuyên gia nhận định, việc thiếu vắng các đại diện ngoại giao phương Tây tại Ankara sẽ gây bất lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ và khiến giới đầu tư không mặn mà với quốc gia này.

Tuy nhiên, căng thẳng đã hạ nhiệt, sau khi các đại sứ quán 10 nước khẳng định luôn tuân thủ quy ước ngoại giao về không can thiệp. Tổng thống Erdogan đã có những lời nói mềm mỏng hơn và không trục xuất các nhà ngoại giao như lời đe dọa. Ông Erdogan khẳng định, mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ không nhằm tạo ra khủng hoảng, mà để bảo vệ chủ quyền và luật pháp quốc gia.

Lợi ích chiến lược đang có giữa Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây được cho là yếu tố dẫn tới thỏa hiệp từ cả hai phía.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/binh-luan-quoc-te/ha-nhiet-cang-thang-giua-tho-nhi-ky-va-cac-nuoc-phuong-tay-671422/