Hà Nam xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến nông sản

Thực hiện chủ trương xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư Ðảng (khóa X), tỉnh Hà Nam có nhiều giải pháp về cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân; bảo vệ môi trường canh tác nông nghiệp; đổi mới phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp và kinh doanh nông sản. Cùng với đó, tỉnh tích cực xây dựng, nhân rộng mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp, hình thành chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.

Mô hình trồng nấm rơm trong nhà xốp cách nhiệt theo hướng công nghiệp của người dân xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân (Hà Nam). Ảnh: MẠNH HÙNG

Mô hình trồng nấm rơm trong nhà xốp cách nhiệt theo hướng công nghiệp của người dân xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân (Hà Nam). Ảnh: MẠNH HÙNG

Tỉnh Hà Nam hiện có hơn 160 mô hình sản xuất lúa, rau củ quả và dược liệu tham gia chuỗi liên kết sản xuất nông sản sạch; trong đó, 33 mô hình có quy mô từ 3 ha/mô hình trở lên. Ðã thành lập mới 15 hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới ít thành viên chuyên sản xuất rau, củ, quả an toàn. Toàn tỉnh có 24 cửa hàng giới thiệu, bán nông sản sạch. Mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn của tỉnh đem lại hiệu quả kinh tế cao, bảo đảm thu nhập ổn định cho người sản xuất; tạo sự chủ động liên kết đối tác giữa doanh nghiệp và nông dân; thống nhất cơ chế quản lý, chuyển giao kỹ thuật, cung ứng vật tư và giá cả. Ngoài ra, tỉnh đã phát triển được vùng nguyên liệu với hệ thống nhà lưới; vùng chuyên canh trồng nông sản đáp ứng các điều kiện về quy trình an toàn thực phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu ra thị trường thế giới.

* Nhằm đạt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020, tỉnh Ðồng Nai tập trung vào việc thực hiện hơn 180 dự án đầu tư công với nguồn vốn dự kiến hơn 14 nghìn tỷ đồng (tăng hơn ba nghìn tỷ đồng so với năm 2019). Những dự án này chủ yếu trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật như: mở rộng nâng cấp đường; làm hồ, hệ thống thủy lợi; xây dựng hệ thống thoát nước, chống ngập. Khắc phục tình trạng dự án đầu tư công chậm tiến độ của năm trước, tỉnh chỉ đạo các địa phương tích cực giải quyết vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ giải ngân ngân sách; ưu tiên bố trí vốn cho các dự án hạ tầng, giao thông và những dự án đã có mặt bằng sạch; rà soát, loại bỏ những nhà thầu năng lực yếu kém.

Tỉnh yêu cầu các ban, ngành, đơn vị, địa phương phải quyết liệt hơn nữa trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án lớn, như: Ðường ven sông Ðồng Nai, nâng cấp đường ÐT.763, dự án thoát nước khu vực suối Nước Trong, hệ thống thủy lợi phục vụ tưới mía, dự án hồ chứa nước Cầu Dầu... Các ban, ngành liên quan khẩn trương hỗ trợ người dân tái định cư sớm ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, tỉnh giao một số dự án đầu tư công cho cấp huyện triển khai nhằm giúp địa phương chủ động trong việc đưa ra giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án, bảo đảm đúng lộ trình, sớm đưa các công trình vào khai thác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân.

PV và TTXVN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/43203802-ha-nam-xay-dung-vung-nguyen-lieu-phuc-vu-che-bien-nong-san.html