Hà Nam nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử

Để nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền, thời gian qua, tỉnh Hà Nam đã nỗ lực triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trong xây dựng chính quyền điện tử.

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Trung tâm hành chính công huyện Duy Tiên.

Trong đó, tỉnh kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cải cách hành chính (CCHC), thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để các tổ chức, doanh nghiệp và công dân tiếp cận, thực hiện.

Rà soát cắt giảm thủ tục hành chính

Điểm nổi bật trong triển khai xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh Hà Nam là, những nỗ lực trong công tác CCHC, tạo sự chuyển biến rõ rệt theo hướng tinh giản, thuận tiện hơn cho người dân, tổ chức, cơ quan và doanh nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh đã có tất cả 19 sở, ban, ngành, 100% số huyện, thành phố và xã, phường thành lập bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ.

Toàn bộ các sở, ban, ngành trong tỉnh đã rà soát, thống kê, công bố công khai thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết của mình tại bộ phận một cửa, trên Trang Thông tin kinh tế - xã hội của tỉnh. Từng bước hiện đại hóa nền hành chính, tổng số TTHC được công bố thực hiện dịch vụ công trực tuyến là: 1.937 thủ tục, trong đó gần 80% số thủ tục đã đạt mức độ 3. Số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành được đơn giản hóa, cắt giảm thời gian giải quyết là 6.354 ngày, tương đương 39,01%. Số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện đã cắt giảm thời gian giải quyết là 421 ngày, tương đương 59,73%.

Đề cập vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hà Nam Đào Đình Tùng cho biết: Để đạt được kết quả bước đầu khả quan nêu trên, Sở Tư pháp đã tham mưu cho tỉnh toàn bộ các TTHC có liên quan đến các sở, ban, ngành trước khi trình UBND tỉnh công bố và đã yêu cầu cắt giảm 50%. Tuy nhiên, trong quá trình cắt giảm TTHC của các đơn vị hiện nay, có đơn vị đã tiết giảm được 50% theo yêu cầu của tỉnh, có đơn vị chưa đạt. Do vậy, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành rà soát lại và tiếp tục cắt giảm các TTHC theo yêu cầu.

Cùng với đó, tỉnh Hà Nam quyết liệt chỉ đạo và triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Nhờ vậy, đã từng bước khắc phục tình trạng chậm trễ, đùn đẩy, né tránh; giảm bớt phiền hà, tiêu cực, nhũng nhiễu trong quá trình giải quyết công việc cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân; rút ngắn thời gian, chi phí và thúc đẩy nhanh quá trình gia nhập thị trường, tham gia sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; góp phần bảo đảm môi trường đầu tư ngày càng tốt hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh... Kết quả đạt được trong việc đẩy mạnh CCHC, TTHC là những nhân tố quan trọng tác động đến kết quả xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh trong những năm qua, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao về môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực CCHC của tỉnh.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam Nguyễn Văn Oang cho biết: Thực hiện Nghị quyết 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch 2323 của UBND tỉnh về xây dựng nền hành chính công, Sở đã rút ngắn thời gian làm TTHC. Trong đó, Sở đã tham mưu cho tỉnh xây dựng nền hành chính bảo đảm cho các tổ chức, công dân và nhà đầu tư đến một địa điểm, một nơi là có thể thực hiện được các TTHC; gắn kết giữa nhà đầu tư, tổ chức, công dân với cơ quan nhà nước. Đồng thời, kiểm soát được các vấn đề, những chi phí không chính thức về thời gian, về thủ tục; tinh thần, thái độ phục vụ của công chức, viên chức và nơi giao dịch văn minh, lịch sự..., tạo môi trường đầu tư của tỉnh tốt hơn.

Cải cách chế độ công vụ

Trong xây dựng chính quyền điện tử, tỉnh Hà Nam tập trung chỉ đạo hiện đại hóa quy trình tiếp nhận, xử lý, giải quyết các TTHC bằng các ứng dụng trang, thiết bị công nghệ thông tin hiện đại, đồng bộ với quy trình liên thông từ tiếp nhận đến trả kết quả TTHC. Thực hiện vận hành cơ chế tiếp nhận, thẩm định tại chỗ các hồ sơ, TTHC; tạo thuận lợi, sự hài lòng nhất cho tổ chức, doanh nghiệp và công dân. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức xử lý TTHC được nâng lên một bước; hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp có nhiều tiến bộ, cùng với việc tăng cường đầu tư trang, thiết bị, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ công, giải quyết TTHC nhanh chóng, công khai, minh bạch, không qua khâu trung gian, rút ngắn thời gian giải quyết theo quy định. Vì thế khi người dân đến liên hệ, làm TTHC tại các trung tâm hành chính công của tỉnh đều hài lòng với thái độ phục vụ và phong cách làm việc của các cán bộ.

Ông Nguyễn Văn Đức, xã Tiên Hiệp, TP Phủ Lý chia sẻ: Mới đây, đến làm thủ tục cấp quyền sử dụng đất cho công ty ở bộ phận một cửa tại TP Phủ Lý, tôi thấy cách làm của cán bộ, nhân viên ở đây rất văn minh, thuận tiện. Nhiều thủ tục tôi có thể kê khai trên mạng và trao đổi với cán bộ, nhân viên tại bộ phận một cửa mà không cần phải đến trực tiếp như trước đây. Do vậy, tôi và nhiều người dân đỡ tốn công đi lại, chủ động được thời gian và công việc của mình. Điều quan trọng hơn là, các TTHC được tiến hành nhanh, gọn, không phiền hà, nhũng nhiễu; cán bộ hẹn ngày trả hồ sơ rất chính xác.

Bên cạnh đó, để xây dựng chính quyền điện tử chuyên nghiệp, đồng bộ, đi đôi cải cách TTHC, tỉnh Hà Nam đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức bằng nhiều giải pháp như: Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp, văn hóa ứng xử cho công chức phụ trách bộ phận một cửa và công chức chuyên môn giải quyết TTHC. Thường xuyên tiến hành kiểm tra, thanh tra công vụ để kịp thời chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ, bảo đảm chấp hành giờ giấc làm việc và văn hóa ứng xử nơi công sở.

Tuy nhiên, việc xây dựng chính quyền điện tử của Hà Nam thời gian qua vẫn còn một số hạn chế cần sớm được khắc phục. Đó là, tính liên thông trong xử lý công việc còn chưa tốt; thực hiện liên thông giữa các cấp hành chính còn gặp khó khăn, nhất là giữa cơ quan hành chính nhà nước với cơ quan ngành dọc đóng trên địa bàn. Một số lĩnh vực có khối lượng công việc, hồ sơ nhiều, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực (đầu tư, đất đai, khoáng sản, đấu giá...), mất nhiều thời gian cho khâu tiếp nhận, hướng dẫn thủ tục, do đó tiến độ xử lý chậm...

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Xuân Đông cho biết: Hướng đến xây dựng chính quyền điện tử, thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo một số nội dung cụ thể như: Tập trung rà soát, đơn giản hóa các TTHC, cắt bỏ những thủ tục rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi nhất để phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC. Đồng thời ban hành các quy chế phối hợp giữa Trung tâm hành chính công của tỉnh với các sở, ngành trong giải quyết và trả kết quả TTHC; xây dựng quy trình giải quyết các thủ tục liên thông; giao trách nhiệm và xác định rõ thời gian cho từng cơ quan, đơn vị để thuận lợi cho việc hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các TTHC.

Tỉnh Hà Nam xác định, thước đo hiệu quả hoạt động của chính quyền điện tử chính là sự hài lòng của người dân đối với các cơ quan nhà nước. Mục tiêu là công dân được thụ hưởng thái độ và văn hóa phục vụ chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ công chức; quy trình giải quyết thủ tục, hồ sơ được giám sát bằng công nghệ thông tin, vừa hiệu quả vừa bảo đảm tính công khai, minh bạch trong các hoạt động của cơ quan nhà nước, hạn chế sự phiền hà, nhũng nhiễu cho công dân.

Bài và ảnh: ĐÀO PHƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/34357002-ha-nam-no-luc-xay-dung-chinh-quyen-dien-tu.html