Hà Nam nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, tỉnh Hà Nam đã công nhận đạt chuẩn NTM cho 100% xã, trong đó có một xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và tất cả sáu huyện, thị xã, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được cải tạo, xây mới khang trang, hiện đại.

Hội viên Hội Phụ nữ xã Xuân Khê, huyện Lý Nhân trồng hoa trên tuyến đường giao thông liên thôn.

Hội viên Hội Phụ nữ xã Xuân Khê, huyện Lý Nhân trồng hoa trên tuyến đường giao thông liên thôn.

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, tỉnh Hà Nam đã công nhận đạt chuẩn NTM cho 100% xã, trong đó có một xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và tất cả sáu huyện, thị xã, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được cải tạo, xây mới khang trang, hiện đại.

Toàn dân chung sức xây dựng NTM

Là huyện có thế mạnh phát triển toàn diện, khi mới triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, huyện Kim Bảng được giao lựa chọn một xã làm điểm của tỉnh Hà Nam. Xã Thi Sơn được huyện chọn và đã đạt chuẩn NTM vào năm 2013. Rút kinh nghiệm từ công tác chỉ đạo và thực hiện tại xã điểm Thi Sơn, từ năm 2014 đến 2017, mỗi năm huyện Kim Bảng hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu từ hai đến sáu xã hoàn thành xây dựng NTM. Khi bắt tay vào xây dựng NTM ở Kim Bảng, nhiều xã mới đạt 5 trong số 19 tiêu chí, song từ sự đồng thuận và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong huyện, Kim Bảng đã đạt mục tiêu huyện NTM. Về Kim Bảng hôm nay, chúng tôi cảm nhận rõ sự đổi thay từ các tuyến đường trục liên xã, liên thôn đến ngõ xóm. Toàn bộ các tuyến đường có chiều rộng nền đường đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Giao thông vận tải. Phấn khởi trước những thành quả xây dựng NTM ở quê mình, ông Trần Văn Thanh, người dân thôn 2, xã Tân Sơn cho rằng: "Thước đo để đánh giá hiệu quả của chương trình xây dựng NTM chính là chất lượng cuộc sống của người dân. So với những năm trước, đời sống của người dân chúng tôi được nâng cao rõ rệt, được hưởng lợi từ phát triển kinh tế đem lại, hệ thống hạ tầng giao thông, điện, trường học và trạm y tế đều rất đầy đủ và thuận tiện. Cảnh quan, môi trường sống ở các thôn, xóm cũng được cải thiện. Lao động trong độ tuổi đều có việc làm. Các cháu học sinh được học tập trong môi trường giáo dục tốt hơn…". Chủ tịch UBND huyện Kim Bảng Lưu Trần Sơn cho biết: Mục tiêu xây dựng NTM của huyện là thiết thực, hiệu quả, phấn đấu kinh tế phát triển toàn diện, bền vững, cho nên sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM, huyện Kim Bảng vẫn quan tâm huy động các nguồn lực để nâng cao chất lượng tiêu chí đạt được, tập trung vào củng cố, hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất; giải quyết việc làm cho lao động; xóa nghèo và giữ vững tình hình an ninh trật tự ở cơ sở...

Ðến nay, 100% số tuyến đường trục xã, đường trục thôn, xóm và đường trục chính nội đồng trên địa bàn tỉnh được đầu tư làm mới, nâng cấp đồng bộ đạt tiêu chuẩn và bảo đảm kết nối giữa các địa phương trong tỉnh phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Nếp sống văn minh, ý thức vệ sinh môi trường trong thu gom rác thải, môi trường nông thôn được chú trọng. Phong trào trồng hoa, cây xanh tạo cảnh quan môi trường ngày càng được nhân rộng.

Ðánh giá về công tác xây dựng NTM trên địa bàn, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam Nguyễn Quang Nghiệp cho biết: Chương trình đã làm thay đổi nhận thức của cán bộ và nhân dân trong tỉnh, từ chỗ đa số tư tưởng còn trông chờ vào đầu tư của Nhà nước đã chuyển sang chủ động, tự tin tham gia tích cực vào phong trào xây dựng NTM. Phong trào đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đồng lòng, hưởng ứng của người dân. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội các cấp triển khai hiệu quả vai trò giám sát và phản biện xã hội, phát huy vai trò dân chủ, vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM. Thông qua kết quả lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng NTM ở 100% khu dân cư trên địa bàn tỉnh cho thấy, hầu hết các ý kiến người dân đều hài lòng và đồng tình, phấn khởi về kết quả xây dựng NTM của các huyện, thị xã, thành phố.

Khi bắt đầu xây dựng NTM, Hà Nam cũng gặp nhiều khó khăn: cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn; công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ có phát triển nhưng chưa cao; tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, không đồng đều giữa các địa phương; lực lượng lao động chất lượng cao còn thấp... Thực hiện phương châm chọn điểm mang tính đột phá theo hướng dễ làm trước, khó làm sau và có lộ trình cụ thể, tạo động lực thực hiện, trong giai đoạn 2010 - 2020, tỉnh Hà Nam đã huy động đầu tư tới 30.935 tỷ đồng cho xây dựng các tiêu chí NTM từ xã đến huyện. Bình quân huy động nguồn lực đạt hơn 2.812 tỷ đồng/năm. Việc sử dụng nguồn vốn trong xây dựng NTM được tỉnh triển khai bảo đảm công khai, dân chủ và minh bạch, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Nguồn vốn do ngân sách nhà nước đầu tư chương trình xây dựng NTM được phân bổ, quản lý, sử dụng bảo đảm đúng nguyên tắc, đúng mục đích, đúng đối tượng là nguồn lực chủ yếu trong đầu tư, hỗ trợ các xã. Nguồn vốn của nhân dân đóng góp được thực hiện đúng quy định, bảo đảm công khai, dân chủ, do người dân tự bàn bạc, quyết định. Nhân dân trực tiếp quản lý, quyết định đầu tư theo các hạng mục đề án xây dựng NTM đã được phê duyệt, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn do mình đóng góp thông qua Ban giám sát cộng đồng, đã tạo sự đồng thuận trong nhân dân, đáp ứng được yêu cầu tiến độ và chất lượng xây dựng công trình phúc lợi ở các địa phương.

Xây dựng NTM nâng cao, bền vững

Năm 2020, xã Xuân Khê, huyện Lý Nhân là xã đầu tiên của tỉnh Hà Nam hoàn thành kế hoạch đạt xã NTM kiểu mẫu nổi trội về văn hóa. Nhìn trên nhiều phương diện, xã Xuân Khê có điều kiện thuận lợi để trở thành xã NTM kiểu mẫu hơn so với nhiều địa phương khác của huyện, nhất là xuất phát điểm khá cao và hạ tầng cơ sở khá hoàn thiện. Chính vì vậy, việc khai thác thế mạnh và huy động các nguồn lực dành cho xây dựng NTM kiểu mẫu ở Xuân Khê có phần dễ dàng hơn so với nhiều xã. Khi được chọn xây dựng xã NTM kiểu mẫu, Xuân Khê lựa chọn tiêu chí văn hóa là tiêu chí nổi trội. Theo đó, vấn đề chăm lo xây dựng thiết chế và đời sống văn hóa ở cơ sở được Ðảng ủy, chính quyền xã đặc biệt quan tâm. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được phát triển rộng rãi. Hằng năm, UBND xã tổ chức giải thể thao, khuyến khích người dân tham gia tập và rèn luyện sức khỏe thông qua các câu lạc bộ cầu lông, bóng đá, bóng chuyền, cờ vua, nhất là các câu lạc bộ hát dân ca của xã hoạt động sôi nổi, thu hút đông đảo người dân tham gia. Ông Nguyễn Thành Thăng, Chủ tịch UBND huyện Lý Nhân cho biết: Lý Nhân là huyện cuối cùng của tỉnh Hà Nam được công nhận huyện đạt chuẩn NTM, nhưng trong quá trình thực hiện, huyện đã chú trọng xây dựng NTM theo hướng nâng cao, bền vững. Huyện luôn bám sát cơ sở để chỉ đạo và hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc, kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, đồng thời động viên khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

Ðến nay, cơ cấu kinh tế của tỉnh Hà Nam đã có chuyển dịch mạnh từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Cùng với việc đầu tư xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, liên kết sản xuất và tiêu thụ với sản phẩm chủ lực là lúa chất lượng cao, các vùng trồng cây ăn quả, lúa, rau củ quả tham gia chuỗi liên kết sản xuất nông sản sạch..., Hà Nam còn có bảy khu, cụm công nghiệp, thu hút hàng nghìn doanh nghiệp, là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển công nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất, đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng nhanh. Ðây cũng là yếu tố quan trọng đẩy mạnh phát triển công nghiệp và đầu tư xây dựng cơ bản gắn với sự phát triển của các ngành dịch vụ đi kèm, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho lao động địa phương. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 tăng gần gấp 3,7 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm còn khoảng 2,2% năm 2020; khoảng cách phát triển giữa nông thôn - đô thị từng bước được thu hẹp.

Ðể hướng tới xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu bền vững, tỉnh Hà Nam phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất một huyện đạt chuẩn huyện NTM kiểu mẫu; 35 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao và 12 - 15 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 68 triệu đồng/năm trở lên; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo tiêu chí NTM còn dưới 0,5%. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Ðức Vượng cho biết: Xác định xây dựng NTM là quá trình thường xuyên, liên tục, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn, tỉnh Hà Nam tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động các nguồn lực để nâng cao chất lượng tiêu chí NTM cấp xã, cấp huyện, hướng tới xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; đề xuất các giải pháp phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong suốt quá trình thực hiện xây dựng NTM; đẩy mạnh việc tập trung đất đai để phát triển nông sản sạch làm vệ tinh liên kết chuỗi với các cơ sở, các doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ nông sản và tốc độ chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, tạo thêm nhiều việc làm mới, ổn định, có thu nhập cao cho người dân.

Bài và ảnh: ĐÀO PHƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/dang-va-cuoc-song/ha-nam-nang-cao-chat-luong-xay-dung-nong-thon-moi-629105/