Hà Nam - Kỳ 1: Dân 'tố' UBND xã 'ém' tiền giải phóng mặt bằng, làm trái luật đất đai?

Hàng chục hộ dân được giao đất ở ổn định từ những năm 1990 ở Duy Minh, Duy Tiên không được cấp Giấy CNQSDĐ và 'ém' tiền giải phóng mặt bằng QL1A.

Người dân viết nhiều đơn gửi đến các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam nhưng chưa được giải quyết.

Người dân cũng tố cáo một số cán bộ cố ý làm trái luật đất đai, gây tổn thất hàng trăm triệu đồng của Nhà nước, số tiền này không biết đi đâu sau khi tiến hành mở rộng QL1A năm 2008.

Sao không cấp sổ đỏ, trả đủ tiền đền bù cho dân?

Trong đơn gửi các cơ quan chức năng và báo chí, ông Lê Hồng Phong (SN 1962); bà Vũ Thị Thoa (SN 1964); ông Nguyễn Văn Lực (SN 1960); ông Vũ Văn Cảm (SN 1961); ông Đỗ Văn Lai (SN 1957); ông Lê Xuân Liêm (SN 1963) - các hộ này đều trú tại thôn Tú, xã Duy Minh, huyện Duy Tiên (tỉnh Hà Nam) phản ánh việc UBND xã gây khó dễ, bỏ quên quyền, lợi ích hợp pháp trong cấp sổ đỏ và tiền đền bù giải phóng mặt bằng.

Ông Lê Hồng Phong, phản ánh: Gia đình ông được giao đất giãn cư năm 1987, đến năm 1991 được UBND xã thu tiền xử lý theo diện 367 (QĐ 367 của UBND tỉnh Hà Nam về xử lý diện tích đất tăng thêm sau giãn cư) và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với nhà nước.

Năm 1995, khi mở rộng QL1 gia đình được đền bù 1 triệu đồng tiền vượt lập, gia đình sinh sống ổn định đến năm 2008, QL1A mở rộng, ông Phong chỉ được hỗ trợ 60% giá trị đất và công trình, vật kiến trúc (tạm tính là hơn 32 triệu đồng, bàn giao mặt bằng để kịp tiến độ dự án).

Trong khi đó, nhiều hộ có vi phạm về đất đai lại được UBND xã kê khai báo cáo đưa vào diện đền bù 100% giá trị đất và tài sản trên đất. Rất nhiều đơn thư được ông Phong gửi đi suốt thời gian dài nhưng đến nay không được giải quyết.

Đơn cử như hộ ông Nguyễn Văn Quýnh, có vi phạm về đất đai, người dân phản đối, cơ quan chức năng có nhiều văn bản ngăn chặn nhưng xã vẫn cố ý đưa vào diện đền bù 100%; gây bức xúc dư luận nhân dân và thất thoát ngân sách Nhà nước?

Một phần tiện tích đất thu hồi của bà con để làm đường quốc lộ 1A.

Tương tự, năm 1989, hộ ông Nguyễn Văn Lực được giao đất. Năm 1991, UBND xã Duy Minh mời hộ ông Lực tới họp xử lý hợp pháp hóa diện tích đất tăng thêm theo diện 367 gia đình ăn ở ổn định cho đến năm 2008 QL1A mở rộng, gia đình ông Lực cũng bị thu hồi đất song chỉ được hỗ trợ 60% giá trị đất và công trình, vật kiến trúc. Và đến nay cũng không cấp sổ đỏ cho gia đình đối với diện tích còn lại.

Cũng như vậy, ông Lê Xuân Liêm cùng hiện trạng giao đất giãn cư và sau đó được xử lý diện tích biến động theo QĐ 367 của UBND tỉnh Hà Nam nhưng đến nay cũng không được UBND xã Duy Minh đưa vào diện kê khai cấp sổ đỏ.

Cùng đó, hộ bà Vũ Thị Thoa, ngày 16/9/2008, bà Dương Thị Hoài (Chủ tịch UBND xã Duy Minh, nay đã nghỉ hưu) cùng các ông Vũ Minh Đông (Trưởng Công an xã) và ông Phạm Minh Sơn (cán bộ địa chính) cùng một số công an viên đến thu giữ một số tài sản là sắt thép, xi măng, sau đó cho xe công nông chở các tài sản này đi mà không có bất cứ biên bản hay quyết định nào.

Hành vi này của các cán bộ xã bị bà Thoa tố cáo, sau đó vào năm 2008 bà Thoa làm đơn khởi kiện đến TAND huyện Duy Tiên.

Cho đến nay, diện tích đất sinh sống hợp pháp của gia đình cũng chưa được UBND xã lập danh sách đề nghị cấp sổ đỏ; ảnh hưởng rất lớn đến quyền, lợi ích hợp pháp của gia đình.

UBND xã có cố tình trì hoãn?

Ông Phạm Minh Sơn, cán bộ địa chính xã Duy Minh cho biết: Trong các trường hợp này, hộ ông Vũ Văn Cảm và Đỗ Văn Lai đã được cấp sổ đỏ. Hai ông này đang khiếu nại liên quan đến tiền đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng QL1A vào năm 2008.

Các hộ còn lại đều trong diện còn vướng mắc tiền đền bù giải phóng mặt bằng năm 2008 và trong diện đề nghị cấp sổ đỏ, song còn vướng về diện tích giữa thực tế sử dụng và hạn mức được cấp. Như hộ ông Nguyễn Văn Lực hạn mức 105m2 nhưng nay diện tích thực tế sử dụng hơn 576m2.

Theo ông Sơn, hạn mức đất thổ cư trên địa bàn xã được UBND tỉnh quy định 105m2/1 hộ (theo QĐ số 02/1992). Như hộ bà Vũ Thị Thoa sau thu hồi còn 120m2 đến nay chưa đến UBND xã kê khai.

Trường hợp ông Lê Hồng Phong theo QĐ của tỉnh hạn mức được cấp là 105m2 trong khi đó diện tích thực tế hiện nay là hơn 640m2.

Hộ ông Nguyễn Văn Lực có diện tích thực tế sử dụng 576m2. Ông Sơn sau đó lục tìm QĐ số 02 năm 1992 của UBND tỉnh Hà Nam và cho biết, trước đây vào năm 1991, xã, huyện đã tiến hành hợp pháp hóa diện tích tăng thêm cho các hộ gia đình.

Văn bản của Cục CSĐTTP về TN gửi Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam.

“Đã hợp pháp hóa 1 lần rồi thì không thể lấn chiếm rồi đòi hợp pháp hóa lần nữa” - ông Sơn nói và cho biết, từ QĐ số 02 phê duyệt mỗi hộ được cấp 105m2, với diện tích tăng thêm UBND xã đã có báo cáo nhưng chưa được chấp thuận. Câu hỏi đặt ra là QĐ hợp pháp hóa cho các hộ dân đâu? Thì ông Sơn không trả lời được.

Toàn bộ sự việc được ông Sơn cho biết, mới chỉ báo cáo bằng miệng tại một số cuộc họp, hội nghị liên quan đến quản lý đất đai.

Ông Sơn cho biết thêm, theo kế hoạch trong năm 2017 này, xã sẽ xây dựng phương án, có báo cáo đối với các trường hợp nằm trong 90 hộ còn tồn động cấp sổ để trình UBND huyện, tỉnh xem xét.

Vị cán bộ địa chính này cũng nói cho đến nay, sau QĐ 02, chưa có QĐ nào đối với việc hợp pháp hóa diện tích tăng thêm đối với các trường hợp trên địa bàn xã.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên được biết, vào năm 2003, UBND tỉnh Hà Nam có kế hoạch số 566. Kế hoạch này được ban hành để xử lý đối với các diện tích tăng thêm sau QĐ số 02/1992.

Nếu chiểu theo Kế hoạch này, đáng lẽ đến nay các hộ dân còn lại trong 90 hộ còn tồn đọng cấp sổ phải được UBND xã lập báo cáo, xác nhận hiện trạng nguồn gốc để đề xuất cấp sổ đỏ vào năm 2005 như ông Sơn cho biết, thời điểm đó xã có phương án đề xuất cấp sổ đối với các hộ có diện tích tăng thêm theo diện Kế hoạch 566 của UBND tỉnh Hà Nam.

Từ việc “bỏ quên” quyền, lợi ích hợp pháp của các hộ dân, trách nhiệm trước hết thuộc ban lãnh đạo xã thời kỳ bà Dương Thị Hoài còn là chủ tịch UBND xã Duy Minh và chính cá nhân ông Phạm Minh Sơn - cán bộ địa chính từ thời kỳ đó đến nay.

Trong đó phải kể đến phản ánh của 1 số hộ dân cho rằng ông Sơn chính là người gây khó dễ, có hành vi trục lợi; trì hoãn trong việc cấp sổ đỏ cho các hộ dân.

Liên quan đến sự việc, đại diện Phòng TNMT huyện Duy Tiên cho biết, hiện tại đang có Kế hoạch số 2329 xử lý cấp GCN cho những hộ còn tồn sót; hiện đang hướng dẫn các xã thực hiện. “Đến nay huyện chưa nhận được báo cáo nào từ xã” - vị đại diện này nói và cho biết thêm.

Việc này sau khi có báo cáo, đề xuất từ xã, huyện sẽ thẩm định lần đầu, sau đó trình Sở TNMT thẩm định, tiếp đó khi có phê duyệt của UBND tỉnh chuyển lại huyện ban hành quyết định phê duyệt chính thức rồi sẽ cấp sổ.

Trong quá trình tiếp xúc với các hộ dân và qua các tài liệu người dân cung cấp như: Hộ ông Nguyễn Văn Quýnh, nguồn gốc có 171m2 đất lấn chiếm năm 1995.

Nhà nước đã thu hồi 30,3m2 để làm đường, còn lại 140,7m2. Năm 1996, khi hộ này lấn chiếm đã được ông Phạm Minh Sơn (khi đó là chủ tịch xã) lập biên bản phạt hành chính, sau đó hộ ông Quýnh tiếp tục lấn chiếm và cũng đã bị lập nhiều biên bản.

Nhưng đến năm 2003, khi thực hiện Kế hoạch 566 của UBND tỉnh, chính ông Sơn lại đưa trường hợp này vào vào phương án hợp thức hóa với diện tích lên đến 892m2, trong khi đối chiếu với nguồn gốc chỉ có 171m2 + với 452m2 ao cũng chỉ có 623m2.

Trong quá trình đo đạc, hộ ông Lê Xuân Khai (hộ liền kề) được cấp đất và giao GCN tạm thời năm 1986. Nhưng năm 2004, xã khi đo đạc cấp sổ cho ông Quýnh đã lấy sang phần đất của hộ ông Khai. Ông Khai làm đơn tố cáo, khiếu nại nhiều năm nhưng không được giải quyết; gây khiếu kiện kéo dài.

Có hay không việc trục lợi của một số cá nhân, nguyên là cán bộ xã và một số cá nhân đang công tác tại xã Duy Minh.

Vào năm 2008, sau khi tiếp nhận đơn thư của người dân, Tổng cục Cảnh sát đã chuyển nội dung này về Công an tỉnh Hà Nam giải quyết theo thẩm quyền; sau đó vào năm 2012, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng (C48) đã chuyển đơn của hộ dân đến UBND tỉnh Hà Nam xem xét giải quyết.

Để chấn chỉnh, trong Chỉ thị số 01 ngày 5/9/2012 của UBND tỉnh Hà Nam “về tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai” đã chỉ rõ: “… Ở một số địa phương, việc xây dựng phương án và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai theo Kế hoạch số 566/KH-UBND ngày 5/8/2003 của UBND tỉnh ở một số nơi thực hiện không nghiêm túc, sai sót dẫn đến việc cấp GCNQSD đất còn nhiều tồn tại.

Một số địa phương chưa chấp hành nghiêm pháp luật đất đai, chưa phát hiện kịp thời và thiếu kiên quyết trong việc xử lý vi phạm pháp luật đất đai; cá biệt có nơi cán bộ cơ sở còn cố tình làm sai quy định, gây khó khăn trong công tác quản lý và bức xúc trong nhân dân.

Để kịp thời khắc phục những tồn tại, sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai, UBND tỉnh yêu cầu: Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan rà soát văn bản ban hành về đất đai: giá đất, tài sản gắn liền với đất; bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; cấp GCNQSD đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; xử lý các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai.

Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT rà soát văn bản ban hành về cơ chế tài chính liên quan sử dụng đất.

Đối với các trường hợp đang sử dụng đất chưa được cấp GCNQSDĐ, thực hiện cấp giấy GCNQSDĐ theo quy định của pháp luật hiện hành.

Lập hồ sơ chi tiết các trường hợp không đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ để theo dõi, quản lý theo quy định hiện hành…”.

Sơn Hùng

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/ha-nam--ky-1-dan-to-ubnd-xa-em-tien-giai-phong-mat-bang-lam-trai-luat-dat-dai-d56621.html