Hà Nam hướng tới đổi mới toàn diện ngành giáo dục

Sau 5 năm triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW 'Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế' trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã nhận được sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, các ngành và đạt được kết quả tích cực.

Một tiết học của học sinh Trường mầm non Thanh Thủy, huyện Thanh Liêm (Hà Nam).Ảnh: THANH HÀ

Một tiết học của học sinh Trường mầm non Thanh Thủy, huyện Thanh Liêm (Hà Nam).Ảnh: THANH HÀ

Đến nay, toàn tỉnh có 384 đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập, gồm: 116 trường mầm non, 121 trường tiểu học, 118 trường THCS, 23 trường THPT, sáu trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, 350 trường đạt chuẩn quốc gia; hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi mức độ ba, đạt chuẩn phổ cập THCS mức độ hai.

Chất lượng giáo dục toàn diện có nhiều bứt phá, nhất là trên một số lĩnh vực như: giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn và thi THPT quốc gia. Hiện nay, toàn bộ giáo viên các cấp đều đạt chuẩn chuyên môn đào tạo, có khả năng tiếp cận và đáp ứng các yêu cầu về đổi mới giáo dục.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 29-NQ/TW, tỉnh Hà Nam tập trung phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về tính tất yếu phải đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Riêng ngành giáo dục - đào tạo chú trọng thực hiện có hiệu quả, thực chất việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá, triển khai một số mô hình học mới. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường học thông minh, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mẫu giáo 5 tuổi, tiểu học đúng độ tuổi và THCS, từng bước phổ cập mẫu giáo 4 tuổi, đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau trung học, nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục trong hội nhập quốc tế.

* Kon Tum tăng cường quản lý và bảo vệ rừng

Trong ba tháng đầu năm 2019, tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum có chiều hướng gia tăng. Tỉnh tập trung triển khai nhiều giải pháp quản lý và bảo vệ rừng. Các ban, ngành chức năng tập trung đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng, nhất là những điểm nóng về khai thác rừng trái phép, các khu vực thường xảy ra vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng; ngăn chặn kịp thời các điểm nóng mới phát sinh, nhất là các điểm nóng về khai thác rừng làm nương rẫy.

Tại các khu vực biên giới, tỉnh tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng tại địa phương với lực lượng biên phòng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện ra vào khu vực biên giới; tập trung xây dựng, triển khai phương án bảo vệ và phát triển rừng bền vững, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho dân cư các xã biên giới và phương án thí điểm giao lực lượng bộ đội thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng…

PV và TTXVN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/tin-tuc/item/39900502-ha-nam-huong-toi-doi-moi-toan-dien-nganh-giao-duc.html