Hà Nam hiện đại hóa nền hành chính

* Đắk Lắk chú trọng chất lượng kiểm tra, giám sát

Giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp tại Cục Thuế tỉnh Hà Nam. Ảnh: TUẤN NGUYỄN

Giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp tại Cục Thuế tỉnh Hà Nam. Ảnh: TUẤN NGUYỄN

* Đắk Lắk chú trọng chất lượng kiểm tra, giám sát

Năm 2020, tỉnh Hà Nam triển khai và tổ chức thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả công tác cải cách hành chính. Nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu trong thực hiện cải cách hành chính được nâng lên. Các cấp, ngành, cơ quan huy động nhiều nguồn lực để củng cố, bổ sung trang thiết bị thực hiện Đề án chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin. Thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp, ngành tiếp tục được đơn giản hóa, cắt giảm thời gian, quy trình giải quyết. Tỉnh đã ban hành 19 quyết định công bố thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã. Trong tổng số 1.980 bộ thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 có 595 bộ, chiếm 30,1%; dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là 1.226 bộ, chiếm 61,9%; dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 là 159 bộ, chiếm 8%. Trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên, cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn. Tính đến hết tháng 10-2020, tỉnh đã thực hiện tinh giản biên chế 76 trường hợp.

Tỉnh Hà Nam xác định phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 là tiếp tục thực hiện cải cách hành chính trên tất cả các lĩnh vực, chú trọng hiện đại hóa nền hành chính, siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính; nâng cao chất lượng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có đủ phẩm chất chính trị, năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu công tác và phục vụ sự phát triển của tỉnh. Hà Nam phấn đấu các chỉ số: Năng lực cạnh tranh (PCI), hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), cải cách hành chính (PAR INDEX), sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) của tỉnh đứng ở nhóm từ 20 - 25 tỉnh, thành phố có thứ hạng cao trong cả nước. Trước mắt, các sở, ngành, địa phương tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập trong cải cách hành chính, chú trọng rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giải quyết tình trạng chồng chéo trong quy trình giải quyết thủ tục hành chính liên thông giữa các sở, ngành, địa phương, bảo đảm thông thoáng, tinh gọn, nhanh chóng. Sở Nội vụ phối hợp cùng các ngành liên quan tăng cường tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức tại 109 xã, phường, thị trấn về ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm quản lý văn bản điều hành trong xử lý công việc; tiếp tục nâng cấp phần mềm quản lý văn bản điều hành để triển khai liên thông bốn cấp, bảo đảm theo dõi được quá trình xử lý văn bản và tăng cường tích hợp ứng dụng chữ ký số trên phần mềm. Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát, kiểm tra đột xuất công tác cải cách hành chính tại các cấp, ngành; tiến hành thanh tra công vụ, đánh giá hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công, bộ phận tiếp nhận, trả kết quả ở xã, phường, thị trấn.

* Theo Tỉnh ủy Đắk Lắk, trong năm 2020, cấp ủy các cấp trong tỉnh đã tiến hành kiểm tra 961 tổ chức đảng và hơn 33 nghìn đảng viên, giám sát 269 tổ chức đảng và hơn 3.000 đảng viên; qua đó đã thi hành kỷ luật một tổ chức đảng và 230 đảng viên. Chất lượng công tác kiểm tra, giám sát được nâng cao. Việc xem xét xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên được thực hiện nghiêm minh, chính xác, kịp thời, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Để khắc phục một số hạn chế trong công tác kiểm tra, giám sát, trong năm 2021, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp tỉnh Đắk Lắk tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nghiên cứu, quán triệt và triển khai kịp thời, có hiệu quả các văn bản của Trung ương liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng. Bên cạnh đó, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng; phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị và của nhân dân trong giám sát để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; tập trung giải quyết kịp thời các trường hợp đơn thư tố cáo, khiếu nại, phục vụ tốt công tác chuẩn bị nhân sự bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Để thực hiện nhiệm vụ đó, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm về tư tưởng chính trị và hành động; làm tốt công tác giám sát thường xuyên, phát huy vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị và của nhân dân trong giám sát để chủ động phòng ngừa. Đồng thời, tăng cường giám sát thường xuyên đối với lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, dễ phát sinh vi phạm, dư luận có nhiều bức xúc; thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin theo quy chế phối hợp, kết hợp nhiều kênh thông tin phát hiện kịp thời, chính xác dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên; xem xét kết luận, xử lý công minh, chính xác, kịp thời đối với các trường hợp vi phạm.

PV và TTXVN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/ha-nam-hien-dai-hoa-nen-hanh-chinh-632792/