Hà Nam: Cần kiểm soát chặt tình trạng xe quá khổ quá tải

Lực lượng CSGT của tỉnh đã tổ chức nhiều đợt ra quân xử lý xe quá tải, tổ chức cắm chốt thường xuyên ở những tuyến trọng điểm để xử lý vi phạm....

Song song với hoạt động tuyên truyền, thời gian qua công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT cũng được lực lượng chức năng liên tục tăng cường.

Lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) tăng cường phương tiện kỹ thuật tổ chức tuần tra, kiểm soát trên các tuyến để kịp thời phát hiện, xử lý những hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn, ùn tắc giao thông như: nồng độ cồn quá mức cho phép, chạy quá tốc độ, xe chở quá tải...

Đồng thời, phối hợp với chính quyền cơ sở giải quyết vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi buôn bán, xây dựng công trình nhà ở, lều quán... hạn chế tầm nhìn, cản trở giao thông hoặc vi phạm hành lang bảo vệ công trình giao thông. Tại trung tâm thành phố Phủ Lý, vào giờ cao điểm hằng ngày Công an thành phố phân công cán bộ, chiến sĩ ứng trực thường xuyên nơi ngã tư, cổng trường học, hướng dẫn, chỉ huy giao thông, xử lý những trường hợp không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, đi ngược chiều, chở hàng cồng kềnh, không chấp hành tín hiệu, hiệu lệnh điều khiển giao thông...

Lực lượng CSGT cũng đã tổ chức nhiều đợt ra quân xử lý xe quá tải, tổ chức cắm chốt 24/24h ở những tuyến trọng điểm để xử lý vi phạm. Trong 3 tháng đầu năm đã phát hiện, xử lý hàng trăm trường hợp chở quá tải, nhiều trường hợp lái xe vi phạm bị tước giấy phép lái xe... Tuy hoạt động này có được tăng cường, nhưng tình trạng xe quá tải, quá khổ trên địa bàn vẫn còn tiềm ẩn nhiều phức tạp, nên cần lực lượng chức năng liên tục ra quân, tăng cường nhân lực và phương tiện kỹ thuật để phát hiện, xử lý kịp thời.

Một trong những yếu tố quan trọng trong bảo đảm TTATGT chính là hạ tầng giao thông. Từ nhận thức đó, Sở Giao thông vận tải phối hợp ngành chức năng khảo sát, nắm tình hình, thường xuyên kiểm tra điều kiện bảo đảm TTATGT trên các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, kịp thời phát hiện, kiến nghị khắc phục bất hợp lý về tổ chức giao thông. Nhờ đó, nhiều vị trí nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến TNGT đã được xử lý, giải quyết kịp thời. Hệ thống biển báo, đèn tín hiệu, gờ giảm tốc được bổ sung.

Với những công trình thi công dở dang, lực lượng liên ngành yêu cầu chủ công trình phải thu dọn nguyên vật liệu, hoàn trả mặt đường thông thoáng nhằm bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn. Đồng thời, yêu cầu đơn vị thi công bố trí lực lượng thường xuyên ứng trực tại nơi thi công để kịp thời khắc phục sự cố gây mất ATGT.

Mặc dù vậy, theo nhận định của Ban ATGT tỉnh, tình hình TNGT vẫn tiềm ẩn yếu tố phức tạp. TNGT tuy giảm so với cùng kỳ năm 2017 nhưng chưa đạt yêu cầu đề ra (giảm tối thiểu 5% với cả 3 tiêu chí), thiệt hại vẫn ở mức cao, TNGT đường sắt tăng. Công tác xử lý xe quá tải tuy đã có sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng nhưng vẫn còn một số chốt kiểm soát có hiện tượng để sót lọt xe vi phạm.

Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu vận tải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu đi lại của nhân dân. Mặt cắt ngang nhiều tuyến còn hẹp, các nút giao thông chủ yếu đồng mức, phương tiện tham gia giao thông hỗn hợp. Giao thông nông thôn mặc dù được đầu tư bê tông hóa nhưng mặt đường hẹp, quanh co, tầm nhìn bị che khuất, chưa trang bị đầy đủ hệ thống biển báo, chỉ dẫn, mật độ phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng cao.

Ngoài ra, ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của một bộ phận người tham gia giao thông còn yếu kém, thiếu tự giác, nhất là đối tượng thanh, thiếu niên với các vi phạm chủ yếu: chạy quá tốc độ quy định, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, không đi đúng phần đường, làn đường, sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Một số tổ chức, cá nhân làm ăn, sinh sống dọc hai bên tuyến giao thông cố tình lấn chiếm hành lang, lòng đường để sản xuất, kinh doanh. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT chưa đi vào chiều sâu, chưa thực sự tạo được chuyển biến rõ nét trong ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Từ những tồn tại, hạn chế trên, thời gian tới, các cấp, ngành trong tỉnh cần tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật về TTATGT, trật tự công cộng đến các tầng lớp nhân dân. Lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý triệt để hành vi vi phạm TTATGT, đặc biệt là một số hành vi có tần suất vi phạm cao, phổ biến như: Vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện cơ giới, vi phạm quy định tốc độ, không đội mũ bảo hiểm.

Cùng với đó, tăng cường quản lý nhà nước trên lĩnh vực giao thông vận tải, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm cuối năm đưa vào sử dụng một số dự án trọng điểm: Đường nối hai cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với Hà Nội - Hải Phòng; hạng mục cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 38 đoạn Nhật Tựu - Chợ Dầu; dự án mở rộng Quốc lộ 38B...

PV

Nguồn NĐ&ĐS: http://baonhandao.vn/ban-doc/ha-nam-can-kiem-soat-chat-tinh-trang-xe-qua-kho-qua-tai-19687