Hà Minh Quang và những chiếc lá thu rơi

Một câu chuyện tình cùng những câu chuyện về đời sống, thông điệp cốt lõi vẫn là sự chân thành, yêu với tất cả trái tim, biết quên mình để những người mình yêu được hạnh phúc.

Một chàng trai Việt Nam 20 tuổi, một cô gái đến từ Đài Loan, 25 tuổi. Cả hai đều đang là sinh viên tại Tokyo, Nhật Bản. Chênh lệch tuổi tác, khác biệt quốc gia, dân tộc. Nhưng dường như trong thời toàn cầu hóa này, nhiều ranh giới đã bị xóa nhòa. Những khác biệt đó đôi khi chẳng làm bận tâm những công dân trẻ toàn cầu. Hơn nữa, đây lại là tình yêu, thì nhân loại, từ hàng ngàn năm trước đã từng có những tình sử về những lứa đôi vượt qua bao tường thành để đến với nhau.

Nhưng chừng đó chưa phải là tất cả, đó chỉ là một phần quan trọng trong đời sống của Gia Tường, chàng du học sinh Việt Nam trong tiểu thuyết "Và từ hôm ấy, lá thu vẫn tiếp tục rơi" của Hà Minh Quang (NXB Hội Nhà văn, 2020). Tác giả sinh năm 1994 tại TP Hồ Chí Minh, từng du học Canada và Nhật Bản, và đây là tiểu thuyết đầu tay.

Tác giả trẻ Hà Minh Quang và bìa cuốn sách "Và từ hôm ấy, lá thu vẫn tiếp tục rơi".

Tác giả trẻ Hà Minh Quang và bìa cuốn sách "Và từ hôm ấy, lá thu vẫn tiếp tục rơi".

Với lời bộc bạch đầu cuốn sách: "Bạn đã sẵn sàng đánh đổi điều gì để tìm thấy điều quý giá của một đời người", tác giả nói đến tình yêu với những tự sự chân thành của người trẻ, cả lúc "chưa sẵn sàng để chữa lành trái tim mình".

Nhưng từ đó, những trang viết của anh đã dắt đưa người đọc vào một đoạn đời đã sống, lúc nhân vật chính rời Việt Nam trên chuyến bay đêm, đến Tokyo du học. Trước đó, Gia Tường đã du học ở Pháp và một tai nạn giao thông đã lấy đi trí nhớ của anh. Lúc vượt qua ải tử thần, trí nhớ dần hồi phục, anh trở lại với học hành và lần này là nước Nhật, nơi anh từng ao ước đến học từ những ngày thiếu thời.

Bên cạnh anh, một tuyến tính khác mở ra, một hồi ức đầy ám ảnh trong anh, về một cậu bé, lớn dần từng ngày trong những giấc mơ của anh. Cậu bé sinh ra trong một gia đình có ông nội là doanh nhân đầy quyền lực, buộc cả đại gia đình phải phục tùng theo mệnh lệnh của ông ta.

Không chấp nhận sự áp đặt của ông nội, chị cậu bé đã phải rời nhà. Cậu bé, sau những phản kháng, đã phải nhận những trận đòn khắc nghiệt. Đến một ngày, cậu nhận ra sự thật, nhờ cô chị mách bảo để tự cậu đi tìm. Cậu không phải là con ruột, cha mẹ cậu đã chết trong một tai nạn, cậu chỉ là con nuôi trong gia đình ấy.

Cũng từ đây, một sự thật khác được phơi bày. Nhân vật chính cũng là cậu bé trong từng giấc mơ ám ảnh kia. Gia Tường đã được bạn bè nhắc lại quá khứ lúc họ qua Paris thăm anh khi anh bị tai nạn thập tử nhất sinh. Hình ảnh mẹ anh lúc đó, câu nói phản kháng của mẹ với ông nội, bức màn sự thật mở ra dần. Điều đó lý giải những giằng xé nội tâm, cũng là nhân tố tạo nên tính cách ưa suy tưởng, luôn cố gắng tiến về phía trước.

Những điều đó càng làm cho Gia Tường thêm yêu quý mẹ và chị, dù lúc này họ không phải là ruột thịt, nhưng đó là những tình cảm thật, rất đỗi thiêng liêng, họ thương yêu anh hết mình những ngày phép ngắn ngủi ở Việt Nam và là nơi anh về sống sau những ngày du học ở Tokyo hoa mộng.

Tác giả dành những trang viết đẹp về thành phố này, với sự am hiểu của một người yêu mến Tokyo, qua từng địa danh nổi tiếng: Shinjuku, Shibuya, Ikebukuro, Ueno…, những ngôi chùa, công viên Inokashira… Ở đó là từng góc giảng đường, những con phố quen, quán ăn, quán cà phê thân thuộc với những du học sinh sau giờ học…

Cũng như những người trẻ Việt Nam khác, trong các câu chuyện của họ luôn có tình yêu, hoặc mượn chuyện tình yêu để nói về những câu chuyện khác của đời sống, nhất là đời sống ở các đô thị lớn, các quốc gia nơi họ đến: Hà Kin với "Chuyện tình New York", Linh Lê với "Không khóc ở Kuala Lumpur"…

Với "Và từ hôm ấy, lá thu vẫn tiếp tục rơi", Hà Minh Quang kể với thủ pháp đan xen, đồng hiện, với những tuyến nhân vật đơn sơ và trong đó là chuyện tình Tokyo của hai nhân vật chính. Những dòng anh viết thể hiện sự bộn bề của tâm tưởng, những suy tư sâu sắc của tuổi trẻ, những câu hỏi cần được thế hệ của họ và chính họ trả lời. Đó là chuyện học hành, băn khoăn lựa chọn tương lai qua những lối rẽ vào đời. Và chuyện tình yêu.

Nhưng với tình yêu, lại là định mệnh. Chính tình yêu đã chọn họ, Gia Tường và Tiểu Di; để họ có với nhau những tháng ngày dù khổ đau hay hạnh phúc đều là những tháng ngày diễm tuyệt. "Tình trong như đã, mặt ngoài còn e", người đọc cứ hồi hộp, thấp thỏm theo diễn biến sống và yêu, lặng người trước từng biến cố, vui buồn theo từng trang sách, cứ chờ một lời tỏ tình, một nụ hôn xác thực tình yêu. Nhưng không, chỉ có bàn tay nắm vào nhau trong một lần hai người đi chơi.

Sau bao ngại ngần, Gia Tường nắm lấy bàn tay Tiểu Di, được Tiểu Di đón nhận và hai người dắt nhau đi trong một ngày hạnh phúc ngập tràn. Tác giả cứ dẫn đưa người đọc đi đến 265 trang sách, đến dòng cuối cùng mới được thốt ra:

"Tôi nắm lấy bàn tay nhỏ bé của chị và đây có thể là lần cuối. Lấy toàn bộ quyết tâm lẫn can đảm ra để nhìn thẳng vào đôi mắt đang nhòe đi bởi nước mắt của người mình yêu và bộc bạch lời tôi luôn giấu kín trong lòng suốt bao lâu nay.

- Cám ơn… vì đã cho em được yêu chị.

Tạm biệt chị. Em cầu nguyện cho chị được hạnh phúc".

Đến phút chót mới nói được lời yêu, nhưng điều đó có hề gì khi tình yêu đã rộn ràng lúc Gia Tường ngất ngây trong mùi thơm hoa hồng trên tóc, trên cổ Tiểu Di những ngày hai người thân thiết; khi giọt nước mắt trào tuôn lúc Gia Tường bộc lộ hết thân phận và Tiểu Di ôm chàng vào lòng, san sẻ, cảm thông... Tình yêu là lúc hờn giận vô cớ, chủ yếu là giận mình vì sự bất lực, không dám bước đến vì những cách ngăn của Gia Tường, trong khi Tiểu Di sống là để hy sinh cho những người thương yêu. Tiểu Di rời Tokyo qua London, để giúp em gái Tiểu Băng, nhưng cũng là để "trốn chạy" (hiểu theo nghĩa nào đó, điều này có vẻ đúng, dù tình yêu không cần sự biện giải).

Đã không có lời tỏ tình để níu kéo lúc chia tay khi Gia Tường tiễn Tiểu Di ra sân bay Haneda. Khi cô gái bước lên con tàu, sự phân vân của chàng trai đã không thể giữ được tình yêu, không thể ngăn cô rời nước Nhật trong nước mắt. "Vậy mà khi nhìn thấy gương mặt đang cố gắng che đi mây đen trong lòng mình của em, chị đã không thể kìm nén giọt nước mắt muộn màng"… "Tay tôi tì chặt vào kiếng tàu đan lạnh buốt mà khóc nấc"… Còn với chàng trai: "Đoàn tàu lạnh lùng lăn bánh đi, mang người con gái tôi yêu rời xa dần. Tôi với cánh tay muộn màng của mình về phía chị. Đừng đi mà... Tôi đã đánh mất người con gái mình yêu"…

Một câu chuyện tình, đan xen trong đó là những câu chuyện về đời sống của các nhân vật, tác giả chuyển tải nhuần nhuyễn và khéo léo tạo cao trào, xử lý mâu thuẫn. Cũng không tuyên ngôn những điều cao siêu, thông điệp về tình yêu - cuộc sống vẫn là sự chân thành, những nỗ lực đều được ghi nhận; điều quý giá nhất của đời người vẫn là sống đời sống có ý nghĩa, biết yêu với tất cả trái tim, biết quên mình để những người mình yêu mến được hạnh phúc.

Và những cầu mong đó đã ít nhiều thành hiện thực. Cái kết có hậu của người viết trẻ cho thấy một trái tim nhân hậu của chàng trai, cũng hợp lẽ với những ai yêu nhân vật của cuốn tiểu thuyết này. Gia Tường nhận lời mời dự đám cưới, sang Đài Bắc gặp lại Tiểu Di, lúc này đang mặc áo cô dâu. Trong căn phòng thoảng mùi hoa hồng của quá khứ, nụ cười ấm áp tỏa rạng. "Thật tuyệt vời khi dõi theo những người mình yêu mến được bình an trong cuộc sống, phải không?"… "Có một điều em luôn muốn nói với chị, em đã rất hạnh phúc rồi"…

Chờ một người trong vô vọng

Có lẽ trong sâu thẳm, tình yêu đã an trú. Nhưng những chiếc lá thu vẫn rơi, mặt đất phủ đầy lá cây. 4 năm sinh viên đại học, năm nào Gia Tường cũng trở lại công viên Inokashira, nơi anh đã rơi nước mắt, nơi Tiểu Di ôm anh vào lòng. "Tôi biết rõ mình đang chờ ai, mong ai đến ngồi ở bên… Chờ một người đã không còn ở bên cạnh tôi trở về trong vô vọng… Tôi đã không còn được nghe người ấy gọi tên mình được nữa rồi".

Nguyễn Hoàng Hoa

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/ha-minh-quang-va-nhung-chiec-la-thu-roi-588506/