Hạ mạnh một loạt lãi suất điều hành lúc này sẽ tác động thế nào lên tỷ giá, lạm phát?

Chỉ số CPI bình quân 2 tháng đầu năm 2020 đã tăng 5,91% so với cùng kỳ năm trước, là mức cao nhất trong 7 năm (cách xa mục tiêu 4%). Vậy, việc giảm mạnh lãi suất điều hành của NHNN vào lúc này có gây thêm áp lực cho lạm phát?

Ngày 16/3/2020, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định hạ một loạt lãi suất điều hành, theo đó lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6% xuống 5%; lãi suất OMO giảm từ 4% xuống 3,5%; trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5% xuống 4,75%; lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên từ 6% xuống 5,5%; lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc là 1%...

Trước động thái "mạnh tay" của NHNN, chúng tôi có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện tài chính để hiểu rõ tác động của chính sách này tới nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát cao.

PV: Theo ông, việc NHNN hạ lãi suất điều hành từ ngày 17/3 sẽ có tác động thế nào đến lạm phát trong thời gian tới?

TS. Nguyễn Đức Độ: Hiện tại, lạm phát so với cùng kỳ năm trước tương đối cao, ở mức 5,4%. Nguyên nhân CPI tăng cao chủ yếu là do các cú sốc từ phía cung. Điển hình nhất là việc giá thịt lợn tăng mạnh trong nửa năm qua đã khiến cho giá thực phẩm tăng tới 12% so với cùng kỳ năm trước và là yếu tố quan trọng nhất khiến lạm phát vượt mức 4%. Nhưng nếu lấy lạm phát cơ bản làm thước đo, thì giá cả mới tăng khoảng 3% trong vòng một năm qua.

Tác động của các cú sốc từ phía cung như giá thịt lợn, giá xăng dầu, giá dịch vụ y tế và giáo dục sẽ giảm dần trong thời gian tới và lạm phát CPI so với cùng kỳ năm trước sẽ dần tiệm cận mức lạm phát cơ bản. Nếu dự báo tốc độ tăng CPI trung bình năm 2020 xoay quanh mức 4%, thì một số lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn, trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn sau khi điều chỉnh vẫn ở mức thực dương. Đó là chưa kể các lãi suất huy động và cho vay trung-dài hạn vẫn được neo ở mức cao, nên quyết định hạ lãi suất điều hành của NHNN sẽ không ảnh hưởng nhiều đến lạm phát trong thời gian tới.

Điều đáng quan tâm hiện nay là lạm phát cơ bản đang có xu hướng tăng. Một mặt, sự gia tăng của lạm phát cơ bản có thể do giá thịt lợn tác động chéo hay do kinh tế trong vài năm gần đây tăng trưởng cao hơn mức tiềm năng - khoảng 6,5%. Tuy nhiên, mặt khác, cũng không thể bỏ qua yếu tố tiền tệ, khi cung tiền và tín dụng những năm gần đây tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng GDP danh nghĩa. Khi các thị trường tài sản chững lại, khả năng hấp thụ tiền kém hơn, nguồn tiền gia tăng này có thể đi vào thị trường hàng hóa và gây áp lực lên giá cả.

Trong năm nay, khi kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, thậm chí khả năng cao sẽ rơi vào suy thoái, áp lực lạm phát sẽ không quá lớn, mặc dù lạm phát trung bình có thể vẫn cao hơn mức mục tiêu là 4%, nếu giá thịt lợn giảm chậm. Tuy nhiên, sang năm 2021-2022 khi kinh tế phục hồi, giá dầu tăng trở lại, áp lực lạm phát sẽ không nhỏ nếu lạm phát cơ bản vẫn duy trì ở mức 3% hoặc cao hơn. Trong bối cảnh hiện nay, để đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô NHNN nhiều khả năng sẽ giữ tốc độ tăng trưởng cung tiền và tín dụng ở mức ít nhất là không cao hơn mức tăng trưởng GDP danh nghĩa.

Còn tỷ giá sẽ biến động thế nào sau động thái hạ lãi suất của NHNN, thưa ông?

Về tổng thể, tỷ giá trong năm 2020 sẽ vẫn ổn định cho dù các đồng tiền trên thế giới có thể dao động mạnh. Lý do chính là Việt Nam vẫn nằm trong danh sách các nước cần theo dõi về chính sách tiền tệ và ngoại hối của Bộ Tài chính Mỹ, nên NHNN sẽ rất thận trọng trong việc sử dụng chính sách tỷ giá để hỗ trợ nền kinh tế. Lượng dự trữ ngoại hối khoảng 80 tỷ USD sẽ giúp NHNN đảm bảo mục tiêu ổn định tỷ giá này.

Bên cạnh đó, các yếu tố về cung - cầu ngoại tệ nhiều khả năng cũng sẽ không bất lợi. Cán cân thương mại hiện vẫn cân bằng. Mặc dù xuất khẩu tăng chậm lại do dịch covid-19 cũng như kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, nhưng nhu cầu nhập khẩu cũng tăng trưởng chậm lại tương ứng với xuất khẩu. Các nguồn ngoại tệ khác như kiều hối, FDI trong năm nay có thể không cao như năm 2019, nhưng khả năng vẫn ổn. Việc Fed hạ lãi suất, bơm tiền vào nền kinh tế có thể khiến các dòng vốn đầu tư gián tiếp dồi dào hơn trong năm nay và năm sau.

Như vậy, tổng quan ông đánh giá thế nào về quyết định giảm một loại lãi suất điều hành của NHNN thời điểm này?

Mặc dù việc hạ lãi suất điều hành có thể không tác động nhiều đến lãi suất thị trường, nhất là lãi suất trung - dài hạn cũng như nền kinh tế, nhưng về tổng thể, chính sách này, theo tôi, cũng sẽ không gây tác động tiêu cực đến mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.

Ngọc Bích (ghi)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/ha-manh-mot-loat-lai-suat-dieu-hanh-luc-nay-se-tac-dong-the-nao-len-ty-gia-lam-phat-4202017364431600.htm