Hạ màn (phần 2)

Vợ lão Lũy tuy chỉ là một diễn viên chuyên đóng vai phụ nhưng lại có ảnh hưởng trong đoàn chèo vì là con ông lớn cấp tỉnh. Một dạo rộ lên tin đồn tỉnh không 'nuôi' nổi, đoàn chèo sẽ phải giải tán. Cô diễn viên chuyên đóng vai phụ xin nghỉ chạy về hỏi bố rồi lên đoàn tuyên bố xanh rờn: 'May mà tôi kịp thời can thiệp không thì diễn viên trong đoàn chỉ còn nước ra đứng đường mà kéo nhị, gẩy đàn xin ăn!'. Không biết lời cô ta thật giả ra sao và chính xác đến mức nào nhưng một thời gian sau thì có tin thông báo chính thức là đoàn được tiếp tục đầu tư phát triển để góp phần gìn giữ vốn dân ca truyền thống quý báu cho quê nhà.

Ảnh minh họa do tác giả tuyển chọn.

Cũng chính nhờ hơi vợ mà sau một thời gian làm nhân viên kéo phông màn, chuyên đi trước về sau nhận sân bãi, dựng rạp, lão Lũy được đề bạt lên chức phó phòng rồi trưởng phòng hậu cần kỹ thuật của đoàn chèo. Thực ra chức phó phòng của lão cũng chỉ là một người chuyên lo chuyện nhận sân, dựng rạp, khuân vác đạo cụ và chuyện ăn ở, nước uống cho cả đoàn, nhất là khi đi diễn ở cơ sở. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của lão là đảm bảo nồi cháo gà ăn đêm bồi dưỡng cho diễn viên sau buổi diễn. Tưởng là đơn giản nhưng cũng không dễ dàng chút nào. Thời bao cấp có được nồi cháo gà cho ngon cũng vất vả. Diễn viên mỗi người một tính. Người ăn nhạt, kẻ thích ăn mặn, vừa miệng người này thì hỏng khẩu vị của người khác. Lão đã suýt đánh nhau với một thằng diễn viên chuyên đóng vai quan tể tướng vì nó dám hất bát cháo gà ngay trước mặt lão chê nhạt. Thằng này vợ đẻ ba con vịt trời nó nghe ai nói phải ăn mặn mới có con trai. Chỉ có nó là thằng đã lừa lúc lão không chú ý lén đổ cả gói muối hơn một cân vào nồi làm cháo mặn chát khiến không ai nuốt nổi.

Khi vị phó đoàn trưởng đoàn chèo chuyển công tác khác thì lão được kế nhiệm luôn chân chức vụ ấy. Cũng chả phải học hành, nghiên cứu khó nhọc gì. Chân cấp phó của lão cũng vẫn là chỉ chuyên lo công tác hậu cần kỹ thuật, chạy xin kinh phí, xăng dầu, mua sắm trang thiết bị, vá vứu phông màn, đảm bảo cho đoàn tồn tại và biểu diễn.

Khi tay đoàn trưởng đã mất hết quyền lực và uy tín, lại bị phó chủ tịch tỉnh để bụng ghen ghét sau vụ dám cả gan vuốt râu hùm xơi tái cô con gái út yêu quý của ông ta. Thế là số phận của hắn đã được định đoạt. Chuẩn bị đại hội nhiệm kỳ mới, vợ lão Lũy liền bảo:

- Anh chuẩn bị mà lên làm đoàn trưởng đoàn chèo nhé!

Lúc đó lão ngạc nhiên:

- Tôi biết gì về chuyên môn mà làm đoàn trưởng?

- Thì cần gì phải biết! Anh chỉ cần biết “chỉ đạo” thôi là được!

- Chỉ đạo thế nào?

- Thì... "cố gắng", "tích cực", "ra sức", "đổi mới", "tiến lên". Chỉ cần có thế thôi! Chuyên môn thì đã có hội đồng nghệ thuật rồi, lo gì...

- Hừ... ừ... - Lão Lũy ậm ừ. Trong lòng lão hơi phân vân. Lão chưa làm lãnh đạo bao giờ nên cũng thấy ngài ngại. Nhưng đã có vợ lão trợ giúp việc chỉ đạo, bố vợ chống lưng thì còn lo gì nữa chứ.

Thế là lão Lũy lên làm đoàn trưởng đoàn chèo tỉnh.

Cầm tờ quyết định bổ nhiệm đóng dấu đỏ chói lão Lũy không tin là sự thật. Anh em đạo diễn, diễn viên trong đoàn lúc đầu cũng có người phản ứng không đồng tình. Nhưng sau đó thì họ hiểu. Lãnh đạo thì cần gì cứ phải giỏi về chuyên môn. Lãnh đạo thì chỉ cần “chỉ đạo” và “định hướng” thôi là được. Hơn nữa chỉ sau một thời gian lão lên lãnh đạo đoàn chèo tỉnh được đầu tư lớn để mua sắm, nâng cấp đạo cụ, trang thiết bị máy nổ, phông màn, hệ thống âm thanh, ánh sáng đều mới tinh. Kinh phí dựng vở mới cũng khá hơn, lương bổng đầy đủ, đời sống anh chị em diễn viên có khá hơn. Tất cả đều do công lao của vợ ông đoàn trưởng và xuất phát từ chỗ ông phó chủ tịch tỉnh phụ trách văn-xã. Lão Lũy trở thành người quan trọng, có uy tín trong đoàn chèo. Nhất nhất anh chị em diễn viên đều phục tùng mệnh lệnh của lão. Mặc dù lão chả có một ti ti gì trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Nhưng lão có quyền. Quyền lực nhiều khi cao hơn tất cả, quyết định tất cả. Biên kịch, đạo diễn muốn dựng vở mới cầm kịch bản lên báo cáo lão chỉ cần hỏi:

- Định hướng chính trị thế nào?

- Hoàn toàn đúng định hướng ạ!

- Tính đảng, tính cách mạng, tính nhân dân, tính chiến đấu ra sao?

- Có đầy đủ hết rồi ạ!

- Thế có đảm bảo yêu cầu “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” không?

- Đảm bảo… đảm bảo rất tốt, rất đậm đà ạ!

Thế là vở mới được đầu tư và dàn dựng. Lúc duyệt vở để công diễn lão Lũy cũng chê chỗ này, khen chỗ kia, yêu cầu sửa chữa nâng cấp đoạn này, cắt bỏ đoạn khác. Quan điểm thống nhất trong công tác chỉ đạo của lão trong các vở diễn là “ta nhất định thắng-địch nhất định thua”, kết thúc có hậu, cái ác phải bị trả giá, cái thiện, cái tốt phải thăng hoa. Biên kịch, đạo diễn vâng vâng, dạ dạ rồi mặc kệ đấy chẳng làm gì cũng xong, lão không quan tâm nhiều đến nữa. Có một tác giả trẻ cố gắng mãi mới viết được một vở chèo, nội dung khá hay đưa lên cho đoàn trưởng. Nhưng mãi không thấy động tĩnh gì việc thông qua nội dung và dàn dựng. Anh này buồn lắm. Ông đạo diễn già xem lướt kịch bản rồi vỗ vai anh ta bảo:

- Vở này hay đấy! Lâu lắm tao mới lại thấy có một kịch bản khá thế! Nhưng không có “đồng tác giả” thì vở không dựng được đâu!

- Thế nghĩa là thế nào ạ?

- Nghĩa là phải cho đoàn trưỏng “đồng tác giả” kịch bản là xong xuôi luôn thôi!

Anh biên kịch viên trẻ ngơ ngác như bò đội nón. Ông đạo diễn già ghé tai:

- Đoàn trưởng cũ thì ham mê đóng vai chính trong các vở diễn để có nhiều tiền thù lao, còn đoàn trưởng mới thì ham thích “đồng tác giả” trong các kịch bản để có nhiều danh tiếng! Cậu đã hiểu chưa?

Vốn là người thông minh, anh này hiểu rõ ngay nguyên nhân vì sao kịch bản của mình cứ bị gác lại mãi. Anh ta liền xé bỏ trang đầu kịch bản vở chèo chỉ ghi mỗi tên mình là tác giả, đánh vi tính thêm cái tên “Lê Chiến Lũy” vào sau dòng chữ “đồng tác giả” rồi nộp lại kịch bản lên cho trưởng đoàn. Quả nhiên, vở diễn được thông qua rất nhanh và đầu tư dàn dựng ngay. Vở diễn hay, đem đi dự liên hoan chèo toàn quốc đoạt luôn huy chương vàng. Khi nhận giải thưởng anh chàng biên kịch trẻ lấy phong bì, ông đoàn trưởng là “đồng tác giả” thì lấy bằng chứng nhận huy chương vàng về treo. Anh chàng tác giả biên kịch trẻ nghĩ: “Thế cũng tốt, mình đang thiếu tiền thì danh cũng chả để làm gì”. Các vở sau này ngay từ khi hình thành đề cương anh chàng chuyên biên soạn kịch bản trẻ đều vờ vịt lên xin ý kiến đoàn trưởng. Sau khi ngồi im làm bộ chú ý lắng nghe ý kiến hết sức vớ vẩn về nghệ thuật của đoàn trưởng, anh xin lão cùng đứng tên “đồng tác giả” trong vở mới. Lão đồng ý luôn. Thế là mọi chuyện đều êm xuôi ngay từ khi duyệt nội dung kịch bản cho đến lúc dàn dựng và công diễn…

(còn nữa) Hà Nội, cuối 2012

Truyện ngắn của Trọng Bảo

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/ha-man-phan-2-76452