Hạ màn ngoại giao?

Trong bối cảnh nội bộ nước Mỹ hết sức rối ren, nhất là khi tương lai của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn còn u ám, quan hệ Mỹ - Triều tiếp tục leo thang căng thẳng, gây lo ngại trong cộng đồng quốc tế. Dù mới đây, Triều Tiên thêm một lần nữa khẳng định không tiếp tục đối thoại với Mỹ, nhưng nhiều quan điểm cho rằng, quan hệ ngoại giao Mỹ - Triều vẫn chưa 'hạ màn'.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (bên trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tháng 2-2019. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump (bên trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tháng 2-2019. Ảnh: Reuters

Ngày 7-7, hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, Tổng vụ trưởng các vấn đề Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên Kwon Jong-gun tuyên bố, nước này không có ý định tiến hành đàm phán với Mỹ thêm một lần nữa. Bởi lẽ, các cuộc gặp trực tiếp giữa Triều Tiên và Mỹ chỉ có 2 “đáp số” là thành công hoặc hứng chịu thêm mất mát và sự chế giễu. Tuyên bố được đưa ra trước thềm chuyến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm nối lại đàm phán hạt nhân của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun, Đặc phái viên về hạt nhân của Washington.

Trong tuyên bố ngày 7-7, ông Kwon Jong-gun cũng kêu gọi Hàn Quốc ngừng ngay việc can thiệp vào vấn đề của Triều Tiên. Thậm chí, tuyên bố còn gay gắt chỉ trích việc Hàn Quốc can thiệp vào các vấn đề của Triều Tiên là một “thói xấu khó chữa”. Trong khi đó, ngày 1-7, giữa bối cảnh Hàn Quốc và Triều Tiên leo thang căng thẳng, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vẫn kêu gọi 2 nhà lãnh đạo của Triều Tiên và Mỹ tổ chức hội nghị thượng đỉnh nhằm phá vỡ thế bế tắc trong các cuộc đàm phán hạt nhân.

Giới chuyên gia quốc tế cho rằng, trong khi Tổng thống Moon Jae-in thể hiện nỗ lực rất lớn thực hiện vai trò “cầu nối” trong quan hệ Mỹ - Triều, thì đáp lại, Triều Tiên không đón nhận thiện chí này và nhiều lần cho rằng đó là những việc làm vô nghĩa.

Theo giới chuyên gia quốc tế, lập trường của phía Triều Tiên đưa ra trong những ngày gần đây chỉ ra rằng, quan hệ Mỹ - Triều không cần tiến hành đàm phán thêm nữa, bởi không thực chất, không hiệu quả. Đồng thời, Triều Tiên chỉ trích Mỹ chỉ coi các cuộc đối thoại giữa 2 nước là “công cụ” để chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump giải quyết khủng hoảng chính trị trong nước.

Triều Tiên và Mỹ đã từng đạt được bước tiến lịch sử trong quan hệ ngoại giao, cũng như mở ra triển vọng lớn trong vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên kể từ tháng 6-2018. Theo đó, Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã gặp nhau 3 lần và đạt được một thỏa thuận về chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, quan hệ Mỹ - Triều lâm vào tình cảnh bế tắc khi rất ít bước tiến tiếp theo đạt được do bất đồng giữa 2 bên, chủ yếu là về mức độ phi hạt nhân hóa và các biện pháp nới lỏng các lệnh trừng phạt Triều Tiên của Mỹ.

Giới chuyên gia chính trị quốc tế cho rằng, dù quan hệ Mỹ - Triều tiếp tục có những diễn biến tiêu cực cho thấy bế tắc đỉnh điểm, song, mối quan hệ này vẫn chưa hẳn là không còn lối thoát, nhất là đang có một dấu hiệu tích cực cho thấy sẽ có những bất ngờ ở “phút chót”. Nhiều nhà phân tích quan hệ Mỹ - Triều gồm cả cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đều khẳng định rằng, Tổng thống Trump đang “dồn lực” cho việc tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ và bước tiến trong quan hệ Mỹ - Triều sẽ là một trong những “quân át chủ bài” cho tham vọng này. Đó cũng là lý giải cho nỗ lực tạo dựng hình ảnh tốt đẹp giữa Mỹ và Triều Tiên trong 4 năm qua, khi ông Trump nắm quyền điều hành nước Mỹ.

Dự báo về quan hệ Mỹ - Triều, nhiều quan điểm trong giới chuyên gia quốc tế cho rằng, từ nay đến tháng 11 khi nước Mỹ bước vào cuộc bầu cử Tổng thống, nhiều khả năng Tổng thống Trump sẽ có cuộc gặp gỡ với ông Kim Jong Un. Đây sẽ là bước đột phá của ông Trump để gây dựng sự ủng hộ trong nước. Đồng thời, cánh cửa ngoại giao Mỹ - Triều sẽ được mở rộng hơn, mang tới lợi ích cho cả 2 nước.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ha-man-ngoai-giao-post430679.html