Hạ Lang (Cao Bằng): Tỉ lệ hộ nghèo giảm hơn 5% mỗi năm

Là 1 trong 5 địa phương nghèo nhất tỉnh và nằm trong số 61 huyện nghèo nhất của cả nước, huyện Hạ Lang (Cao Bằng) đang tập trung nguồn lực và triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ để nâng cao mức sống cho người dân.

Trường Mầm non Thị Hoa (Hạ Lang - Cao Bằng).

Trường Mầm non Thị Hoa (Hạ Lang - Cao Bằng).

Hạ Lang là huyện miền núi, vùng cao biên giới nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Cao Bằng, với tổng dân số hơn 26.000 người, chủ yếu gồm 3 dân tộc Kinh, Tày, Nùng sinh sống. Toàn huyện được chia tách thành 14 xã/ thị trấn, 148 xóm, với tổng số hơn 6.000 hộ gia đình.

Với điều kiện tự nhiên vùng núi cao, địa bàn chia cắt phức tạp, hệ thống giao thông chưa thuận lợi, khí hậu, thời tiết, dịch bệnh diễn biến bất thường; điều kiện xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế nhiều mặt, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng kiểm tra tiến độ thực hiện đường tránh Đèo Khau Mòn, thăm và tặng quà Trung tâm cách ly dịch Covid-19 và có buổi làm việc với UBND huyện về kết quả thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển KT – XH năm 2020.

Đồng bào ở đây sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt với các loại cây trồng chính như lúa, ngô, đậu tương và một số cây hoa màu khác. Với đặc điểm sản xuất nông nghiệp còn thấp, chưa chuyên canh, sản phẩm chưa trở thành hàng hóa, chủ yếu là tự cung, tự cấp, cho nên thu nhập còn thấp, thiếu ổn định.

Sau 4 năm thực hiện của giai đoạn 2016 - 2020, với những chính sách trợ giúp chung theo quy định và các chính sách hỗ trợ đặc thù, huyện đã tập trung triển khai đồng bộ có hiệu quả, giúp cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm bớt thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, thu nhập được nâng cao, mức sống được cải thiện, vượt qua chuẩn nghèo về thu nhập.

Năm 2016, toàn huyện có đến 3.476 hộ nghèo, tương đương tỉ lệ 59,25%. Bằng những nỗ lực vượt bậc, đến năm 2019, số hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 2.610 hộ, tương đương tỉ lệ 37,03%. Như vậy, trung bình mỗi năm, tỉ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm được hơn 5%.

Bên cạnh việc đầu tư xây dựng, duy tu, phát triển cơ sở hạ tầng, Hạ Lang đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế cho người dân. Việc hỗ trợ tập trung vào giống cây trồng và phân bón; máy móc, công cụ sản xuất; giống vật nuôi và thức ăn chăn nuôi; chuồng trại…

Giai đoạn 2016 - 2020, huyện đã hỗ trợ 90 dự án, với 11.802 hộ tham gia, tổng kinh phí đã thực hiện là hơn 34 tỷ.

Phong trào xây dựng NTM xóm Bản Nưa, xã Cô Ngân, huyện Hạ Lang đã góp phần vào sự thay da đổi thịt của một miên quê.

Đặc biệt, huyện đã có những chương trình riêng để hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, như: Đầu tư cơ sở hạ tầng; phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở… Tổng mức đầu tư cho các chương trình này là trên 80 tỷ.

Việc xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn huyện như điện, trạm y tế, đường giao thông, trường học, nước sinh hoạt, thủy lợi phục vụ tưới tiêu… đã đem lại hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại giao thương hàng hóa, tạo việc làm, nâng cao dân trí, cải thiện việc tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản.

Với những chính sách trợ giúp chung theo quy định và các chính sách hỗ trợ đặc thù huyện đã tập trung triển khai đồng bộ có hiệu quả, giúp cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm bớt thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, thu nhập được nâng cao, mức sống được cải thiện, vượt qua chuẩn nghèo về thu nhập.

Kết quả là các hộ nghèo, hộ cận nghèo “cải thiện sinh kế nâng cao chất lượng cuộc sống”, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cuối năm 2020 tăng lên gấp 1,5 đến 2 lần, đời sống dân cư trong huyện tăng gấp 5-6 lần so với hiện nay.

Hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế qua đầu tư tại các xã dần mang lại hiệu quả rõ nét.

“Trong quá trình triển khai thực hiện tại các xã, xóm, cộng đồng người dân được tham gia từ khâu lập kế hoạch, lựa chọn công trình theo thứ tự ưu tiên, tham gia xây dựng, giám sát việc thực hiện đến nhận bàn giao, quản lý, khai thác sử dụng nên các công trình được đầu tư cơ bản phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng được nguyện vọng của người dân” - ông Hoàng Minh Nhất, Phó Chủ tịch UBND huyện Hạ Lang cho biết.

Ông Hoàng Minh Nhất đánh giá, các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo của Hạ Lang đã thực sự đi vào cuộc sống của người dân và được nhân dân phấn khởi đón nhận và tham gia ủng hộ. Nhận thức trong nhân dân, người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục có chuyển biến mạnh dẫn đến chuyển đổi hành vi để tự vươn lên thoát khỏi nghèo.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dia-phuong/ha-lang-cao-bang-ti-le-ho-ngheo-giam-hon-5-moi-nam-uaD8R8dGg.html