'Hà Hương phong nguyệt' sống lại

Tiểu thuyết này nhắc nhở mỗi người trong chúng ta về dục vọng và một thói phê bình di hại

Những con - rối - của - dục - vọng vẫn thường có đâu đó giữa và trong chúng ta, theo ba kiểu chính mà Đức Phật đã đúc kết: "tham, sân, si" và văn học kịp ghi từ rất sớm. Quan sát văn học Quốc ngữ Nam Kỳ giai đoạn khởi đầu, sẽ thấy ít nhất hai tác phẩm văn xuôi hiện đại nổi bật khắc họa con người tham sân si: "Thầy Lazaro Phiền" của Nguyễn Trọng Quản (1887) với nhân vật người phụ nữ đã có chồng, mê trai đẹp, không được đáp trả tình yêu, lập mưu phá tan gia đình người mình mê đắm và "Hà Hương phong nguyệt" (1914) với nhân vật Hà Hương sinh ra đã sôi sục đam mê thân xác, chủ động lăn lóc qua những cuộc tình thoáng chốc, dù đã có gia đình và được chồng yêu thương hết mực.

Xuất hiện dưới dạng feuilleton (in từng kỳ) trên Nông cổ mín đàm, bắt đầu từ ngày 20-7-1912, dưới cái tên "Truyện nàng Hà Hương", năm 1914, Lê Hoằng Mưu cho in thành 6 tập, 284 trang (truyện chưa kết thúc) với cái tên mới rất gợi là "Hà Hương phong nguyệt", số lượng bản in lúc ấy lên đến 10.000. Bước vào làng văn lúc 33 tuổi, sống nhiều năm ở hai không gian Bến Tre, Sài Gòn, Lê Hoằng Mưu có những trải nghiệm nhất định và đủ táo bạo để cho ra tác phẩm đầu tay này, mở đầu cho những tiểu thuyết ngôn tình sau đó như "Oán hồng quần", "Oan kia theo mãi"… Và rồi năm 1923, một cuộc bút chiến văn học nổ ra trên báo chí Nam Kỳ, đưa đến kết quả tiểu thuyết "Hà Hương phong nguyệt" bị tịch thu và thiêu hủy. Nhà cầm quyền Pháp lúc bấy giờ đã thực thi theo áp lực công luận nhưng với chính sách lưu trữ (có từ năm 1922 ở Việt Nam), họ đã kịp giữ lại tác phẩm này trong thư viện của Pháp.

Ngày nay, tiểu thuyết được có mặt giữa công chúng Việt Nam là nhờ nhà nghiên cứu Võ Văn Nhơn đã cất công sao chụp từ Thư viện Quốc gia Pháp, chỉnh lý cẩn thận và viết lời giới thiệu. Tác phẩm được nhà NXB Văn hóa - Văn nghệ và Saigonbooks vừa ấn hành tháng 5-2018.

Nếu "Thầy Lazaro Phiền" được xây dựng từ cảm hứng và kỹ thuật hiện đại thì "Hà Hương phong nguyệt" là tiểu thuyết hoàn toàn triển khai theo mô thức tiểu thuyết cổ điển Tàu, chỉ có nội dung là gắn liền với con người và đời sống Nam Kỳ đương thời. Tiêu đề của từng chương: "Tráo con những tưởng con hưởng phước. Đổi trẻ nào hay trẻ bất lương"; "Trí sâu thuyết kế sâu Hữu Nghĩa. Lòng độc âm mưu hại Nguyệt Ba"… và hầu hết kiểu câu tự sự đăng đối, cũng như câu chuyện phong tình đã nói lên ảnh hưởng to lớn của văn học Trung Hoa đối với tiểu thuyết này.

Nếu "Hà Hương phong nguyệt" là tác phẩm nói về dục vọng tham sân si thì cuộc bút chiến về "Hà Hương phong nguyệt" thuở nào cũng cho thấy bóng dáng của dục vọng ấy nơi những người phê phán nó. Nhân danh đạo lý và xã hội, chống lại ảnh hưởng mạnh mẽ của tiểu thuyết ngôn tình, chọn lựa ấy có thể chấp nhận được trong một không gian văn học có nhiều xu hướng khác nhau nhưng sẽ không thể nào hiểu được vì sao là bạn văn, là đồng nghiệp với nhau mà người ta có thể ném vào Lê Hoằng Mưu những lời lẽ nặng nề, thô bạo, hằn học; người ta có thể truy bức Lê Hoằng Mưu đến thế.

Điều đáng chú ý là chính Nông cổ mín đàm - nơi đăng tải "Hà Hương phong nguyệt" lại là tờ báo đánh động trước về tác hại của tiểu thuyết "đồi phong bại tục" (Khuyết Danh, "Cách đọc sách báo", Nông cổ mín đàm số 178, 1920) và đề nghị nhà cầm quyền có biện pháp mạnh: "Tôi ước ao sao chánh phủ từ rày trở đi không cho những bổn tiểu thuyết phong tình vô vị ấy xuất bản nữa và thâu hết những bổn tiểu thuyết đã in rồi mà nhứt là chuyện tình đốt hết, ấy là trị chứng bệnh ngặt nghèo nguy hiểm của đoàn trẻ dại đến sau, ấy là cái ơn lớn vô cùng" (Trước Lâm, "Cái hại của tiểu thuyết tình", Nông cổ mín đàm số 64, 1923).

Sau đó, một cuộc bút chiến nảy lửa về "Hà Hương phong nguyệt" diễn ra trên Công luận báo và Lục tỉnh tân văn (nơi Lê Hoằng Mưu làm chủ bút). "Hà Hương phong nguyệt" bị gọi là "dâm thư" (Nguyễn Háo Đàng, Công luận báo ngày 18-9-1923), Lê Hoằng Mưu bị kết tội nặng nề: "đê tiện", "tội đồ", "đáng chết", "làm cho bại hoại phong tục, suy đồi luân lý"… ("Gỡ mặt nạ Lê Hoằng Mưu chủ bút L.T.T.V, tội nhơn lớn nhứt của xã hội Annam" - Hốt Tất Liệt; "Lê Hoằng Mưu đáng chết! Ai giết Lê Hoằng Mưu" - Trì Nam Tử).

Điều đáng quý là Lê Hoằng Mưu đã trả lời, rất điềm tĩnh và từ tốn: rằng ông đã có ý thức về vấn đề phong hóa khi viết trong lời tựa của tiểu thuyết "Hà Hương phong nguyệt"; rằng mục tiêu của tiểu thuyết là ghi nhận hiện trạng xã hội, con người hiện nay và đưa ra lời cảnh báo về sự suy đồi; rằng chính nền văn minh hiện tại là nguyên nhân đưa con người đến con đường hư hỏng chứ không phải là tiểu thuyết của ông: "Trước khi mở bộ tiểu thuyết này, tôi xin độc giả biết […] trong đấy có đủ hiếu, tình, trung, nghĩa, dâm phu gian phụ. Tôi tưởng người biết xem tiểu thuyết chẳng trách gì, xét vì, không gian sao biết rằng ngay, không trung sao rõ nịnh, xấu tốt thường phải so sánh nhau để mà gương. […] Buổi tôi chưa có lọt lòng mẹ, đất Sài Gòn này đã có trăm cửa lầu xanh. Buổi chưa có bộ tiểu thuyết của tôi, chẳng biết tại đâu mà gái nhà Nam đã có hạng chơi bời hoa nguyệt rồi…" ("Cùng ông Nguyễn Háo Vĩnh chủ bút Công luận báo").

Điều đáng nói là trong xu hướng chỉ trích trên đây, các bài phê bình rất ít khi bám sát vào văn bản để chỉ ra những hạn chế cụ thể của "Hà Hương phong nguyệt" mà chỉ quy kết suông. Người ta không phân tích sâu vào việc mà nhằm triệt hạ con người. Người ta không góp ý vì sự tiến bộ của văn học mà nhằm khẳng định bản thân. Từ đó, hàm lượng khoa học của bài phê bình thường rất ít, nhà văn phải ngậm ngùi chịu nhận tổn thương, tác phẩm bị thất lạc, đời sống văn học mất dần cảm hứng.

Sau sự kiện này và nhiều sự kiện khác, Phan Khôi đã viết một bài tiểu luận rất có giá trị: "Bàn thêm về bút chiến" (Thần chung, các số 106, 108, 111, 114 năm 1929). Ở đó, ông nêu ra những nguyên tắc cần thiết về đối thoại khoa học. Theo thiển ý, với tình hình văn hóa thảo luận hiện nay, bài báo ấy vẫn còn nguyên giá trị thời sự.

Xuất hiện cách nay hơn 100 năm, "Hà Hương phong nguyệt" đã mất đi và giờ sống lại trong không gian Việt. Sự tái sinh này, thật ngạc nhiên, lại như một lời nhắc nhở xuyên thế kỷ. Cùng cả hai bình diện sáng tạo và tiếp nhận, "Hà Hương phong nguyệt" nhắc chúng ta rằng: dục vọng là nguồn cơn đưa con người đến những hành động vô minh đáng xấu hổ. Nó hủy hoại nhân cách, phá nát gia đình, đưa xã hội đến chỗ trầm luân. Nó tạo ra những ngộ nhận về văn học, những bất hòa nơi người viết, những suy kiệt về cảm hứng sáng tạo.

"Hà Hương phong nguyệt" có mặt như muốn chúng ta phải tự vấn rằng: vì sao người Việt được tiếng là hiếu hòa mà cứ bị chìm trong vòng quay bạo lực và hôm nay những con rối của dục vọng hiện ra ngày càng nhiều? Vì sao diễn đàn văn học Việt Nam thường xuyên xuất hiện những trang viết ăm ắp đòn roi, với một khoái cảm bạo hành ngôn ngữ và hôm nay kiểu phê bình ấy xuất hiện khắp nơi trong sự tán thưởng của đám đông? Vì sao những tiếng nói điềm tĩnh, chân thành trong tinh thần chia sẻ, từ một suy nghĩ riêng, từ những tìm tòi mới, từ những luận cứ khoa học, luôn bị chìm lấp dưới những lời đại ngôn, hung hãn?

Và biết bao giờ Việt Nam mới tạo dựng được nền móng tốt cho những nguyên tắc thảo luận khoa học? Biết bao giờ tinh thần hòa ái mới lan tỏa mạnh trong những cuộc đối thoại được gọi là văn học?

NGUYỄN THỊ THANH XUÂN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/ha-huong-phong-nguyet-song-lai-20180519203237571.htm