Hà Giang: Y tế tuyến huyện đang 'chuyển mình' nâng cao chất lượng

Mổ khối u buồng trứng xoắn, phẫu thuật vỡ tử cung, thủng dạ dày…vốn là những kỹ thuật xa vời đối với các bệnh viện tuyến huyện trước đây. Tuy nhiên, những kỹ thuật này đang được nhiều bệnh viện tuyến huyện áp dụng thường quy, thậm chí có đơn vị đã thực hiện được một số kỹ thuật khó như mổ cấp cứu thủng ruột, cấp cứu vỡ lách ngập máu ổ bụng, phẫu thuật gẫy cổ xương đùi…

BVĐK huyện Bắc Mê nằm cách thành phố Hà Giang khoảng 55 km đường đèo. Ảnh: VGP/Thúy Hà

BVĐK huyện Bắc Mê nằm cách thành phố Hà Giang khoảng 55 km đường đèo. Ảnh: VGP/Thúy Hà

Khó khăn vẫn đeo bám

Những ngày cuối tháng 3, trong chuyến công tác đến bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang, đoàn chúng tôi phải mất gần 3 tiếng đồng hồ di chuyển quãng đường 55 km từ TP Hà Giang do đường núi quanh co, hiểm trở, mặt đường sần sùi nhiều "ổ gà”, đất đá lem nhem sau trận mưa lớn tối hôm trước. Cơn mưa kèm giông lốc đi qua huyện Bắc Mê làm sạt lở khu đất phía sau của bệnh viện và gây mất điện toàn huyện.

Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Mê là bệnh viện hạng II, có chức năng nhiệm vụ khám chữa bệnh cho khoảng 69.000 người dân trong huyện và khu vực giáp ranh, chủ yếu là người Dao, Tày.

Nhiều tập quán, hủ tục lạc hậu, bất đồng ngôn ngữ… dẫn đến việc tư vấn sức khỏe, khám chữa bệnh còn gặp nhiều khó khăn.

Điều dưỡng Phạm Viết Xuân, công tác tại bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Mê chia sẻ: “Có sản phụ mang thai 36 tuần, người chồng gọi điện cho bác sĩ báo rằng, vợ anh sắp đẻ, cần đưa đến bệnh viện ngay. Khi bác sĩ hỏi vợ có những biểu hiện gì thì người chồng bảo rằng, anh vừa cúng thầy và thầy bảo vợ anh sắp đẻ”.

BS Nguyễn Ngọc Chung, Giám đốc BVĐK huyện Bắc Mê thăm khám cho bệnh nhân mới nhập viện. Ảnh: VGP/Thúy Hà

Câu chuyện này khiến các bác sĩ vừa buồn vừa vui. Buồn vì những hủ tục lạc hậu vẫn đeo bám người dân, còn vui vì người dân đã biết đưa người bệnh đến cơ sở y tế, vì không ít trường hợp các bác sĩ phải đến tận nhà và “nịnh” bệnh nhân đi khám chữa bệnh.

Tại bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, BS Phạm Đình Phẩm, Giám đốc bệnh viện cũng cho biết, đa số sản phụ ở Đồng Văn là người dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế khó khăn, vì vậy họ gần như không chuẩn bị đầy đủ đồ dùng cho mẹ và bé trước và sau khi sinh.

“Nhiều sản phụ đến bệnh viện sinh con với hai bàn tay không: Không tã lót, không quần áo cho bé, không bỉm sữa, không phích nước, không đồ dùng… mà chỉ vỏn vẹn bộ quần áo mặc trên người”, BS Hoàng Hoa Màn, Phó Giám đốc bệnh viện chia sẻ.

Theo BS Nguyễn Ngọc Chung, có nhiều thôn, bản chưa có đường ô tô, đường đất vào bị chia cắt bởi đồi núi cao, khe suối sâu, người bệnh lại không thể ngồi được xe máy nên người nhà và bác sĩ phải chở bệnh nhân bằng xe bò ra bệnh viện.

Những khó khăn, vất vả vẫn đeo bám người dân và những “chiến sĩ” khoác áo blouse nơi đây, nhưng khi chứng kiến những gì diễn ra tại các cơ sở y tế này, chúng tôi cảm nhận được, chính sự kiên cường của người dân và các bác sĩ nơi vùng cao này đã lấn át mọi khó khăn, trở ngại.

BVĐK huyện Đồng Văn đã thực hiện được 70% danh mục kỹ thuật của bệnh viện hạng II. Ảnh: VGP/Thúy Hà

Phải “chuyển mình” để cải thiện chất lượng bệnh viện

Lãnh đạo bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Mê thẳng thắn chia sẻ, để bệnh viện cải thiện chất lượng hướng tới chăm sóc người bệnh tốt hơn, điều tiên quyết là phải thay đổi được nhận thức của các bác sĩ và nhân viên y tế.

“Phải quyết liệt và sẵn sàng chấp nhận trao đổi mọi thứ để cải thiện chất lượng bệnh viện nhằm cứu chữa bệnh nhân, cứu chữa chính những người thân, đồng hương, bạn bè…của họ, vì 87% các y, bác sĩ của bệnh viện là người địa phương”, BS Nguyễn Ngọc Chung cho biết.

Với quyết tâm này, bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Mê đang thực sự “chuyển mình” trong công tác khám chữa bệnh cho người dân. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2019, bệnh viện đã tiếp nhận 5.091 lượt khám, chữa bệnh (đạt 103% so với cùng kỳ năm ngoái). Đặc biệt, năm 2018 bệnh viện đã làm chủ được nhiều kỹ thuật như đình chỉ thai nghén đối với thai chết trong buồng tử cung, mổ u buồng trứng xoắn 2,5kg, mổ cấp cứu thủng dạ dày có sự hỗ trợ của tuyến trên, mổ cấp cứu trẻ suy thai bị 3 vòng dây quấn cổ, phẫu thuật vỡ tử cung…

Cũng với quyết tâm phát triển bệnh viện, thời gian qua, bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn cũng đã thực hiện thành công kỹ thuật cắt tử cung toàn phần, cắt u nang buồng trứng gần 7 kg, triển khai được một số kỹ thuật gây mê, phẫu thuật gãy cổ xương đùi, phẫu thuật chỏm xương đùi với sự hỗ trợ của BVĐK tỉnh…

Hiện tại, bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Mê đang có 2 bác sĩ học chuyên khoa I ngành hồi sức cấp cứu và ngoại khoa theo Đề án 585 của Bộ Y tế. Trong năm nay, bệnh viện sẽ cử cán bộ tiếp tục đi học để nâng cao chuyên môn.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ sẽ phân loại các y tế cơ sở để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân ở từng vùng miền, khu vực; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế cho tuyến y tế cơ sở ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo.

Bộ cũng sẽ tiếp tục tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên cán bộ từ tuyến trên xuống tuyến dưới và ngược lại; xây dựng các quy trình chuyên môn, hướng dẫn điều trị; tiếp tục đào tạo theo địa chỉ để đào tạo nhân lực cho y tế cơ sở, các vùng khó khăn; xây dựng và trình ban hành các chính sách ưu đãi cho nhân viên y tế cơ sở, nhất là tại vùng kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Thúy Hà

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/suc-khoe/ha-giang-y-te-tuyen-huyen-dang-chuyen-minh-nang-cao-chat-luong/362817.vgp