Hà Giang xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ các cấp

Công tác cán bộ ở tỉnh Hà Giang bên cạnh những điểm tương đồng, cũng có những khác biệt nhất định so với các địa phương khác trên toàn quốc. Từ thực tế, điều kiện của mình, Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã có những nỗ lực xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ các cấp, phát huy sức mạnh tổng hợp, khắc phục những khó khăn để phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị.

Làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển đội ngũ cán bộ

Đảng bộ tỉnh Hà Giang luôn quan tâm, chú trọng gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Phương án quy hoạch ban chấp hành, ban thường vụ cấp ủy các cấp, các vị trí lãnh đạo cấp tỉnh, các ngành, các địa phương… đều bảo đảm về chất lượng cũng như số lượng, đáp ứng được các yêu cầu đề ra, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ ổn định trong cả hiện tại và tương lai. Hiện nay, phương án quy hoạch cán bộ giai đoạn 2020 - 2025 của cấp ủy các cấp đã được xây dựng bài bản, theo đúng quy định hướng dẫn. Trong đó, Tỉnh ủy Hà Giang đặc biệt quan tâm bồi dưỡng và đào tạo cán bộ là người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ, đáp ứng các mục tiêu về xây dựng đội ngũ cán bộ và phù hợp đặc điểm của tỉnh.

Các đại biểu bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Quản Bạ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025_Ảnh: TTXVN

Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ được chú trọng cả về số lượng và chất lượng, cả về nội dung và hình thức đào tạo. Tỉnh vừa cử cán bộ đi đào tạo tập trung tại các cơ sở đào tạo chuyên ngành, có uy tín ở Trung ương; vừa kết hợp tổ chức các lớp đào tạo tại chức ngay tại tỉnh, với trình độ từ trung cấp đến sau đại học. Việc đào tạo bao gồm cả văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ, khoa học - kỹ thuật, tin học, ngoại ngữ cho đến khoa học quản lý cũng như bồi dưỡng lý luận chính trị ở các cấp độ. Cùng với các chương trình đào tạo chính quy, dài hạn, việc bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn được tổ chức thường xuyên, linh hoạt để phù hợp với điều kiện của địa phương. Đội ngũ cán bộ tham gia đào tạo, bồi dưỡng bao gồm từ cấp tỉnh, huyện cho đến cấp xã, phường, thôn, bản. Nhờ có sự đào tạo bài bản, linh hoạt, thường xuyên đó, nên bên cạnh số lượng ngày càng bảo đảm, chất lượng đội ngũ cán bộ của tỉnh cũng không ngừng được nâng lên, cả về chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ quản lý cũng như trình độ lý luận chính trị, qua đó giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình.

Tuy nhiên, dù Đảng bộ tỉnh đã rất nỗ lực trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhưng ở những địa bàn khó khăn, còn nhiều hạn chế, đội ngũ cán bộ nơi đây vẫn có những tiêu chí, yêu cầu chưa đạt so với quy định chung, chưa thể bằng những nơi có điều kiện thuận lợi hơn. Cụ thể là, xuất phát từ tình hình thực tế, một số địa phương khi phát triển đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ là người dân tộc thiểu số đã chấp nhận một tỷ lệ nhất định trong số này chưa đạt yêu cầu về trình độ học vấn, bằng cấp chính quy nên ít nhiều có thể ảnh hưởng nhất định trong thực hiện nhiệm vụ. Do đó, cần dành thời gian để bổ khuyết những thiếu sót này để có thể phát huy thế mạnh là sự xông xáo, việc thông thạo về ngôn ngữ, phong tục, tập quán địa phương của số cán bộ này.

Những nỗ lực thời gian qua đã giúp nâng cao về trình độ mọi mặt của đội ngũ cán bộ các cấp của tỉnh Hà Giang. Theo đó, trình độ học vấn trung học phổ thông của đội ngũ cấp ủy viên cấp cơ sở của Đảng bộ tỉnh đạt 97,92%; trình độ chuyên môn cấp đại học của đội ngũ này đạt 76,85%, trình độ trên đại học đạt 8,71%; trình độ cử nhân, cao cấp lý luận chính trị đạt 19,35%, trình độ trung cấp đạt 66,9%, trình độ sơ cấp có 10,76%... Lãnh đạo các đoàn thể cấp xã một số nơi còn chưa đạt yêu cầu về bằng cấp so với yêu cầu chung. Tuổi đời bình quân của đội ngũ cấp ủy viên cấp cơ sở là 41,46 tuổi. Trình độ học vấn trung học phổ thông của đội ngũ cấp ủy viên cấp trên trực tiếp cơ sở của Đảng bộ tỉnh đạt 100%; trình độ chuyên môn cấp đại học và trên đại học đạt 99,81%; trình độ cử nhân, cao cấp lý luận chính trị đạt 76,48%, trình độ trung cấp đạt 23,33%... Tuổi đời bình quân của đội ngũ cấp ủy viên cấp trên trực tiếp cơ sở là 45,66 tuổi. Trình độ học vấn trung học phổ thông của đội ngũ cấp ủy viên cấp tỉnh đạt 100%; trình độ chuyên môn cấp đại học và trên đại học đạt 100% (đại học đạt 35,3%, thạc sĩ đạt 56,86%, tiến sĩ đạt 7,84%); trình độ cử nhân, cao cấp lý luận chính trị đạt 100%. Tuổi đời bình quân của đội ngũ cấp ủy viên cấp tỉnh là 49,77 tuổi.

Số cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh từ trưởng phòng và tương đương trở lên của tỉnh là 550 đồng chí, trong đó cán bộ nữ chiếm 28,5%, cán bộ là người dân tộc thiểu số chiếm 28,5%; cán bộ có trình độ chuyên môn trên đại học là 31,1%, cán bộ có trình độ chuyên môn đại học là 68,5%...; cán bộ có trình độ cử nhân, cao cấp lý luận chính trị chiếm 58%, trình độ trung cấp lý luận chính trị là 41,8%... Số cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện, thành phố từ trưởng phòng, ban và tương đương trở lên là 275 đồng chí, trong đó cán bộ nữ chiếm 25,8%, cán bộ là người dân tộc thiểu số chiếm 45,5%; cán bộ có trình độ chuyên môn trên đại học là 19,6%, cán bộ có trình độ chuyên môn đại học đạt 80,4%...; cán bộ có trình độ cử nhân, cao cấp lý luận chính trị chiếm 41,8%, trình độ trung cấp lý luận chính trị là 56%... Lãnh đạo chủ chốt cấp xã, phường, thị trấn(bí thư, phó bí thư cấp ủy; chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch ủy ban nhân dân) là 854 đồng chí, trong đó cán bộ nữ chiếm 10,5%, cán bộ là người dân tộc thiểu số chiếm 80,8%; cán bộ có trình độ chuyên môn trên đại học đạt 2,34%, trình độ đại học đạt 93,33%, trình độ cao đẳng, trung cấp đạt 4,33%; cán bộ có trình độ cử nhân, cao cấp lý luận chính trị đạt 4,7%, trình độ trung cấp lý luận chính trị chiếm 93%, trình độ sơ cấp lý luận chính trị có 2,3%...

Công tác bố trí và sử dụng đội ngũ cán bộ được Tỉnh ủy Hà Giang thực hiện tốt. Do đặc điểm có nhiều dân tộc anh em cùng chung sống, Tỉnh ủy Hà Giang đặc biệt quan tâm bố trí, sắp xếp, sử dụng xen kẽ các đối tượng cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các ngành, địa phương, đơn vị, đặc biệt là ở cấp cơ sở (xã, phường, thôn, bản…). Đội ngũ cán bộ gồm nhiều dân tộc anh em, vừa gồm cán bộ cao tuổi, có kinh nghiệm, vừa có các cán bộ trẻ, năng động và sáng tạo; kết hợp giữa các cán bộ được đào tạo bài bản, có bằng cấp với những cán bộ được rèn luyện, trưởng thành từ thực tiễn. Việc bố trí và sử dụng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số được cấp ủy các cấp đặc biệt quan tâm.

Việc bố trí, sử dụng cán bộ một cách hợp lý đã tạo điều kiện cho việc học hỏi, quan tâm lẫn nhau để cùng tiến bộ, nâng cao năng lực công tác; quan trọng hơn là, qua đó đội ngũ cán bộ đã trở nên thông hiểu và vận dụng nhuần nhuyễn những hiểu biết về văn hóa và phong tục, tập quán của các dân tộc trên địa bàn một cách thuận lợi trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Từ đó, việc chuyển tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới đồng bào các dân tộc được thuận lợi, không chỉ nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ, đảng viên, mà còn góp phần gắn kết ý Đảng với lòng dân trong quần chúng nhân dân các dân tộc.

Từ nhận thức luân chuyển cán bộ là một trong những khâu quan trọng của công tác cán bộ, là giải pháp quan trọng để xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đủ năng lực, trình độ để quản lý, điều hành một cách toàn diện, trong những năm qua, Tỉnh ủy Hà Giang luôn làm tốt công tác luân chuyển cán bộ. Việc luân chuyển được tiến hành giữa huyện với huyện, từ tỉnh xuống huyện và ngược lại, từ huyện xuống xã và ngược lại, giữa các lĩnh vực; trên cơ sở phù hợp với năng lực, trình độ chuyên môn của từng cán bộ, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị, cũng như để thực hiện mục tiêu đào tạo đội ngũ cán bộ toàn diện của Đảng bộ tỉnh Hà Giang.

Trên cơ sở đó, tỉnh có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, cán bộ có triển vọng được rèn luyện trong thực tiễn, có điều kiện trưởng thành nhanh chóng, toàn diện hơn, sát với thực tiễn của nhiệm vụ chính trị hơn. Tuy nhiên, việc điều động cán bộ từ xã lên huyện còn có những khó khăn do thời gian thực hiện các thủ tục kéo dài, làm ảnh hưởng đến yêu cầu công việc (trong khi việc điều động cán bộ từ tỉnh xuống huyện và ngược lại, từ huyện xuống xã làm cán bộ lãnh đạo, quản lý… thực hiện thuận lợi hơn); hoặc điều động cán bộ giữa khối đảng với khối chính quyền cũng gây ra tâm tư nhất định, bởi thu nhập của cán bộ bị ảnh hưởng, trong khi ở địa bàn khó khăn thì sự chênh lệch cho dù là nhỏ so với nơi khác cũng là vấn đề phải suy nghĩ.

Thực hiện chủ trương bố trí cán bộ lãnh đạo chủ chốt không phải là người địa phương, hiện nay tỉnh Hà Giang đã bố trí được 11/11 đồng chí bí thư huyện ủy, thành ủy và 11/11 đồng chí chủ tịch ủy ban nhân dân huyện, thành phố không là người địa phương. Ở cấp xã, có 142/193 đồng chí bí thư đảng ủy, 128/193 đồng chí chủ tịch ủy ban nhân dân không là người địa phương.

Công tác đánh giá cán bộ được thực hiện thường xuyên và theo yêu cầu về công tác cán bộ, gắn với thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW, về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hằng năm, Tỉnh ủy đều chỉ đạo các tổ chức đảng thực hiện tự phê bình và phê bình đối với tập thể và cá nhân theo đúng quy định. Tỉnh ủy Hà Giang đã tiến hành xây dựng thang điểm đánh giá cụ thể nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Hiện nay, Tỉnh ủy Hà Giang đang tích cực thực hiện Quy định số 132-QĐ/TW, ngày 8-3-2018, của Bộ Chính trị, “Về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị”. Trên cơ sở Hướng dẫn số 21-HD/BTCTW, ngày 18-10-2019, của Ban Tổ chức Trung ương, về “Kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành Hướng dẫn số 09-HD/TU, về thực hiện các quy định và hướng dẫn này trong Đảng bộ tỉnh. Theo đó, có 99% tổ chức đảng và đảng viên xếp loại từ hoàn thành nhiệm vụ trở lên.

Việc đánh giá, xếp loại đối với tập thể, cá nhân Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh tập trung kiểm điểm sự lãnh đạo của tập thể và cá nhân mỗi ủy viên. Các ý kiến đều thẳng thắn, trung thực, tạo thuận lợi cho việc biểu quyết phân loại. Ban chấp hành đảng bộ các cấp tham gia đóng góp ý kiến vào báo cáo kiểm điểm của ban thường vụ, thường trực cấp ủy; ban chấp hành tiến hành kiểm điểm tập thể, sau đó kiểm điểm tới từng thành viên… Cán bộ, đảng viên được đánh giá, nhìn nhận từ nhiều góc độ, từ chức trách, nhiệm vụ của mỗi người, vừa căn cứ vào trình độ học vấn được đào tạo, vừa căn cứ vào năng lực thực tiễn, cũng như chất lượng, hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ nên việc đánh giá cán bộ ngày càng chuẩn xác hơn.

Việc đánh giá cán bộ được tiến hành một cách toàn diện nên đã tạo tâm lý phấn khởi hoàn thành nhiệm vụ và nghiêm túc tu dưỡng đạo đức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức toàn tỉnh. Kết quả nhận xét, đánh giá cán bộ hằng năm đã phản ánh rõ tình hình thực tế phấn đấu thi đua rèn luyện của đội ngũ cán bộ các cấp... Việc nhận xét, đánh giá cán bộ trong công tác xây dựng quy hoạch cũng như đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu để ứng cử được thực hiện theo đúng quy trình, dân chủ, công khai.

Thực hiện các quy định, chế độ, chính sách có liên quan tới công tác cán bộ

Trao đổi kinh nghiệm giữa các thế hệ cán bộ của xã Linh Hồ, huyện Vị Xuyên, Hà Giang_Ảnh: TTXVN

Việc thực hiện Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ đã có những chuyển biến tích cực. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phân công nhiệm vụ cho các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy phụ trách các lĩnh vực công tác, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách các huyện, thành phố, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy. Công tác cán bộ được đưa ra bàn bạc công khai trong các cuộc họp Ban Thường vụ, trên cơ sở thảo luận dân chủ lấy ý kiến đồng thuận của tập thể Ban Thường vụ, các quy trình từ quy hoạch, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, miễn nhiệm… được thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ theo đúng quy định, bảo đảm sự phân cấp quản lý, đồng thời cũng giữ vững nguyên tắc, Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (2015 - 2020), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy giám sát xuống tận cấp xã, phường, thị trấn; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh phụ trách các xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn có tỷ lệ nghèo cao nhất địa bàn, bên cạnh việc tiếp tục theo dõi các cơ quan, đơn vị đã được phân công phụ trách. Việc phân công, phân nhiệm, phối hợp giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy với Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách từng lĩnh vực bảo đảm rõ ràng và cụ thể, trên cơ sở các quy định chung.

Công tác thực hiện chính sách cán bộ được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện một cách hiệu quả, linh hoạt đúng quy định. Mặc dù ngân sách của tỉnh Hà Giang còn hạn chế, nhưng để thu hút cán bộ từ các tỉnh miền xuôi lên công tác tại tỉnh, cũng như thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao và khuyến khích, động viên đội ngũ cán bộ yên tâm công tác, Tỉnh ủy Hà Giang đã có các quy định về chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, bao gồm chủ trương của Tỉnh ủy, nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh. Trong đó, quy định rõ chế độ về nhà ở, chế độ đào tạo, bồi dưỡng, trợ cấp khó khăn…

Những cố gắng, nỗ lực nói trên đã giúp đội ngũ cán bộ yên tâm công tác và “toàn tâm toàn ý” cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của địa phương. Tuy nhiên, ở một số địa phương do còn khó khăn nên điều kiện, chế độ sinh hoạt cho cán bộ luân chuyển còn hạn chế, thanh toán chế độ công tác cho cán bộ khi đi làm việc còn chưa hợp lý; bên cạnh đó, chế độ, chính sách dành cho đội ngũ không chuyên trách cấp thôn đang rất khó khăn (hiện chỉ có bí thư chi bộ, trưởng thôn/tổ dân phố và trưởng ban công tác mặt trận được hưởng phụ cấp hằng tháng), dẫn đến tình trạng số này phải để phần lớn thời gian lo cho cuộc sống bản thân và gia đình, nên có những ảnh hưởng nhất định trong kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhất là ở cơ sở.

Tuy điều kiện về sinh hoạt và làm việc cho đội ngũ cán bộ còn nhiều hạn chế, cùng với địa bàn rộng, giao thông không thuận lợi đã ảnh hưởng không nhỏ tới công tác của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở, nhưng đội ngũ cán bộ các cấp của tỉnh Hà Giang đã khắc phục khó khăn, luôn cố gắng học tập, tu dưỡng để nâng cao trình độ mọi mặt, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Qua đánh giá hằng năm, số cán bộ hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt nhiệm vụ chiếm tỷ lệ khá cao: số hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt gần 80%; hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt xấp xỉ 20%; hoàn thành nhiệm vụ đạt gần 0,4%...

Bước đầu tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy của tỉnh Hà Giang và những vấn đề đặt ra

Tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy hợp lý gắn với từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị là một chủ trương đúng đắn. Thời gian qua, Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã nghiêm túc tiến hành công tác này; qua đó, đã chuyển giao một số tổ chức đảng về trực thuộc tổ chức đảng ngành dọc và cấp ủy địa phương, cũng như thực hiện hợp nhất tổ chức đảng một số ngành, đơn vị trực thuộc Đảng bộ tỉnh và đảng bộ các huyện, thành phố…

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017, “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25-10-2017, “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”, của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, tỉnh Hà Giang đã hợp nhất Ban Tổ chức Tỉnh ủy với Sở Nội vụ tỉnh thành Ban Tổ chức - Nội vụ tỉnh, Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy với Thanh tra tỉnh thành Cơ quan Ủy ban Kiểm tra - Thanh tra tỉnh… Đồng thời, Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang đã ban hành Nghị quyết số 16/2018/NQ-HĐND, ngày 10-7-2018, quy định việc hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong các cơ quan, đơn vị… thuộc địa phương quản lý tự nguyện thôi việc, nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu, tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị… tiến hành đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Các huyện ủy, thành ủy đã triển khai việc thí điểm hợp nhất cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy cùng cấp với cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân huyện, thành phố có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Theo đó, 5/11 huyện, thành phố đã hợp nhất ban tổ chức huyện ủy, thành ủy với phòng nội vụ huyện, thành phố; 5/11 huyện, thành phố đã hợp nhất cơ quan ủy ban kiểm tra huyện ủy, thành ủy với thanh tra huyện, thành phố; 2/11 huyện hợp nhất văn phòng huyện ủy với văn phòng hội đồng nhân dân - ủy ban nhân dân thành văn phòng huyện. Ngoài ra, các huyện ủy, thành ủy triển khai xây dựng đề án sắp xếp các đơn vị trường học trên địa bàn huyện, thành phố để tinh gọn đầu mối ở bậc tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Ưu điểm rõ nhất sau khi thực hiện sáp nhập, hợp nhất nói trên là đã giảm được lãnh đạo cấp trưởng và lãnh đạo cấp phó; giảm một số quy trình làm việc; giảm trụ sở làm việc, tiết kiệm được một phần kinh phí hoạt động. Một số địa phương trong tỉnh đã thực hiện sáp nhập, kiêm nhiệm cho rằng, việc trưởng ban tuyên giáo cấp ủy kiêm nhiệm hiệu trưởng trường chính trị cùng cấp là hợp lý, không gây trở ngại cho việc thực hiện nhiệm vụ của 2 mảng công việc nói trên. Những vướng mắc cũng thấy rõ sau khi sáp nhập là, một số quy trình phối hợp làm việc còn gặp khó khăn bởi nhân sự của cơ quan sáp nhập đảm nhận 2 mảng công việc, nên đôi lúc còn chồng chéo do chưa quen; người đứng đầu cơ quan sáp nhập vừa chịu sự lãnh đạo của cấp ủy, do cấp ủy cùng cấp bầu, làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, đồng thời lãnh đạo mảng công việc liên quan trực tiếp đến chính quyền cùng cấp, phải chịu sự lãnh đạo của người đứng đầu chính quyền cùng cấp, theo nguyên tắc thủ trưởng phụ trách và chịu trách nhiệm… Những điều này cũng đã được phản ánh từ nhiều địa phương khác trên cả nước và do nhiều lý do khác mà cuối năm 2018, Bộ Nội vụ đã có công văn đề nghị tạm dừng việc sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện và tỉnh Hà Giang cũng đã tạm dừng công việc này.

Thời gian tới, cần có sự đánh giá nghiêm túc những ưu điểm cũng như nhược điểm của chủ trương sáp nhập, hợp nhất vừa qua, chỉ rõ những điều cần phát huy, những điểm không nên tiếp tục thực hiện, sao cho vừa tinh giản bộ máy, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống chính trị, vừa tạo ra thói quen làm việc mới của đội ngũ cán bộ, công chức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, sâu sát thực tiễn… Đó mới chính là mục tiêu của việc sáp nhập đầu mối, tinh giản bộ máy như tinh thần các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương đã đề ra.

Do đặc điểm của Hà Giang là một địa bàn còn nhiều khó khăn, kinh tế - xã hội chưa khởi sắc, nên việc tinh gọn bộ máy thời gian qua có nội dung đã ảnh hưởng không như mong muốn. Đó là, thực hiện tinh gọn đầu mối trong ngành giáo dục mặc dù đã rút gọn về nhân sự, cơ sở vật chất, nhưng đã gây khó khăn cho việc giảng dạy và chăm sóc học sinh ở những địa bàn khó khăn. Cụ thể là, số giáo viên mầm non và tiểu học ở các huyện vùng sâu, vùng xa thiếu hụt nghiêm trọng, hiện đang phải tuyển dụng theo hợp đồng để đáp ứng phần nào. Về lâu dài, điều này sẽ làm ảnh hưởng đến việc được học tập, được quan tâm chăm sóc của con em đồng bào vùng khó khăn so với trẻ ở những vùng có điều kiện thuận lợi…

Tỉnh ủy Hà Giang luôn chú trọng đến công tác xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ; việc quản lý và sử dụng đội ngũ cán bộ được tiến hành một cách có kế hoạch, hợp lý. Từ đó, đã phát huy được tinh thần trách nhiệm của đội ngũ này trong công tác, chấp hành nghiêm kỷ luật. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy Hà Giang thực hiện tốt việc nhận xét, đánh giá, tuyển chọn, đào tạo cán bộ; góp phần tích cực vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ của tỉnh bảo đảm về chất lượng và số lượng. Những nỗ lực, cố gắng đó của Đảng bộ tỉnh Hà Giang thu được kết quả là, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ, mục tiêu của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng… của tỉnh./.

NGUYỄN HOÀNG VIỆT

Nguồn Tạp chí cộng sản: https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/thuc-tien-kinh-nghiem1/-/2018/820792/ha-giang-xay-dung-va-phat-trien-doi-ngu-can-bo-cac-cap.aspx