Hà Giang với công tác dân số- kế hoạch hóa gia đình

Xác định nâng cao chất lượng công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) là một nhiệm vụ chiến lược, quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện có hiệu quả, từng bước nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho mỗi người dân.

Phát tờ rơi tuyên truyền về công tác dân số tại xã Sủng Máng (Mèo Vạc - Hà Giang).

Thời gian qua, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Hà Giang đã có nhiều cố gắng trong công tác tuyên truyền cho người dân về duy trì mức sinh hợp lý, cân bằng tỷ lệ giới tính, nhằm nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh.

Theo số liệu thống kê, năm 2017, Hà Giang tổ chức truyền thông trực tiếp được hơn 8.200 buổi và gần 3.000 buổi thăm hỏi tại gia đình; nói chuyện chuyên đề 90 buổi; truyền thông nhóm nhỏ gần 2.000 cuộc tại các xã khó khăn, có mức sinh cao.

Bên cạnh đó, nhiều mô hình truyền thông về dân số được triển khai trên cơ sở đã phát huy được thế mạnh của mỗi ngành, đoàn thể về điều kiện của từng vùng, miền và nhóm đối tượng như: Mô hình “Phụ nữ không sinh con thứ 3 giúp nhau làm kinh tế”, các Câu lạc bộ (CLB) Gia đình phát triển bền vững của Hội Phụ nữ; nam nông dân thực hiện KHHGĐ của Hội Nông dân; gia đình trẻ của Đoàn Thanh niên…

Duy trì 51 CLB “Tư vấn, kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân”, tổ chức nói chuyện chuyên đề về mô hình “Can thiệp sớm tật, bệnh ở thai nhi và sơ sinh”, “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh”...

Thông qua các hoạt động này, hàng chục nghìn hội viên đã tham gia sinh hoạt. Cùng với đó, các huyện, thành phố còn đẩy mạnh truyền thông về Luật Hôn nhân gia đình; Phòng, chống tình trạng tảo hôn trong đồng bào các dân tộc thiểu số; đẩy mạnh tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân, đã góp phần nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên và thanh niên tại cơ sở…

Đơn cử như ở huyện Bắc Mê, thời gian qua, tốc độ gia tăng dân số trên địa bàn thị trấn Yên Phú, huyện Bắc Mê đã được khống chế ở mức tương đối ổn định, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên từ năm 2015 đến nay giảm đáng kể. Thống kê cho thấy chỉ còn có 3 trường hợp. Có được điều này không thể không nhắc đến vai trò của các cán bộ chuyên trách dân số.

Đội ngũ Đội ngũ cộng tác viên dân số hơn 130 người đã nỗ lực tuyên truyền cho bà con hiểu được việc có từ 3 con trở lên thì đời sống kinh tế của hộ gia đình sẽ gặp rất nhiều khó khăn như: Không có đủ ăn, không có đủ mặc, thiếu đất sản xuất… Thông qua đó, nhận thức của người dân, nhất là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã dần dần được nâng lên, nhiều chị em đã chấp nhận sử dụng các biện pháp tránh thai.

Si Ma Cai - Lào Cai: Tìm giải pháp giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống

Mặc dù cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị các cấp ở Lào Cai đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân, nhưng trong quý I/2018 tại huyện Si Ma Cai vẫn còn 9 người tảo hôn (giảm 73 trường hợp so với cùng kỳ năm 2017); Cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng đã xử lý, ngăn chặn được 17 trường hợp tảo hôn. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là do quan niệm, phong tục, tập quán lạc hậu vẫn còn đeo bám trong nhận thức của người dân. Bên cạnh đó, các chế tài xử phạt còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe…
Để giảm thiểu, một số biện pháp đã được đưa ra như: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; Tổ chức các hội nghị bàn giải pháp tại các xã, thôn cho nhân dân ký cam kết cùng nhau đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…

X. Cường

Nhóm PV

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dan-toc/ha-giang-voi-cong-tac-dan-so-ke-hoach-hoa-gia-dinh-tintuc405013