Hà Giang: Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh giữ gìn văn hóa dân tộc

Từ khi thành lập đến nay, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) THPT tỉnh Hà Giang đã trở thành mái nhà chung của bao thế hệ học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh việc truyền dạy kiến thức cho học sinh ở các bộ môn văn hóa theo chương trình phổ thông, nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số.

Vừa dạy học vừa lưu giữ bản sắc văn hóa

Thành lập ngày 18/2/1992, Trường PTDTNT THTPT tỉnh Hà Giang thực hiện chức năng quy định trong điều lệ trường phổ thông nói chung và các nhiệm vụ riêng của một loại hình trường chuyên biệt. Vượt qua những khó khăn như thiếu thốn như nguồn nước sạch sinh hoạt, trong những năm qua, nhà trường luôn chú trọng thực hiện giáo dục toàn diện để học sinh dân tộc vùng cao có kiến thức theo học bậc học đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp; đồng thời tổ chức nuôi, dạy theo đúng chế độ, chính sách của Nhà nước; chăm lo đời sống, chăm sóc sức khỏe cho học sinh nội trú.

Trường PTDTNT THTPT tỉnh Hà Giang có học sinh của tất cả 19 dân tộc tại Hà Giang theo học

Thầy giáo Nguyễn Phú San, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học 2020-2021 Trường PTDTNT THTPT tỉnh Hà Giang có 531 học sinh, bao gồm tất cả 19/19 dân tộc tại tỉnh theo học, trong đó nhiều nhất là học sinh dân tộc Mông với 132 em, tiếp đến là dân tộc Dao với 95 em, dân tộc Tày 94 em, ít nhất là học sinh dân tộc Mường, Phú Lá và Pú Y với mỗi dân tộc có 1 em theo học.

Trong công tác dạy và học văn hóa, nhà trường đã mạnh dạn triển khai thực hiện phát triển chương trình giáo dục nhà trường phổ thông, theo hướng phát huy năng lực học sinh. Giáo viên đặc biệt chú trọng tới việc xây dựng kế hoạch tự học, phương pháp tự nghiên cứu tài liệu cho học sinh, đã tạo sự hứng thú cho học sinh, kết hợp hài hòa giữa hình thức kiểm tra trắc nghiệm và tự luận, bảo đảm độ phân hóa năng lực học sinh. Với 100% học sinh ăn, ở, sinh hoạt tại trường nên việc quản lý, chăm sóc sức khỏe học sinh nội trú được chú trọng. Các chính sách hỗ trợ học sinh: trao học bổng cho học sinh mồ côi, quà Tết cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập... được tiến hành kịp thời.

Thầy Nguyễn Phú San cũng cho biết thêm, học sinh của trường là con em đồng bào tộc thiểu số nên việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được nhà trường đặc biệt chú trọng. Thông qua các buổi ngoại khóa, sinh hoạt tập thể ở trường giúp cho học sinh nhận thức sâu sắc về văn hóa của dân tộc mình, tạo sân chơi, xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh. Qua đó, giúp các em có điều kiện được giao lưu, trao đổi học tập, nâng cao ý thức giữ gìn, trân trọng những nét đẹp truyền thống của dân tộc và nỗ lực học tập tốt để sau này đóng góp công sức xây dựng quê hương giàu đẹp.

Cứ vào thứ 2 hằng tuần và dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm, học sinh nhà trường đều mặc trang phục truyền thống của dân tộc. Nếp sinh hoạt này đã được nhà trường duy trì từ nhiều năm nay, không chỉ giúp các em ghi nhớ đặc điểm hoa văn, họa tiết, mà còn hiểu được ý nghĩa của từng bộ trang phục.

Một tiết học ngoài trời của học sinh nhà trường

Đặc biệt, trường còn thường xuyên tổ chức các buổi học ngoại khóa, mời nghệ nhân, người có uy tín là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn về trường giảng giải, truyền dạy cho học sinh. Đối với văn hóa vật thể, truyền dạy cho học sinh về kiến trúc nhà cửa, trang phục truyền thống dân tộc Mông, Tày, Dao…; văn hóa phi vật thể, truyền dạy những điệu dân ca, trò chơi dân gian, sản xuất và sử dụng các loại nhạc cụ...Nội dung chương trình giáo dục kỹ năng sống, gìn giữ nét văn hóa dân tộc được thực hiện thường xuyên theo hình thức tích hợp qua các môn học ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân; tổ chức trong chương trình giáo dục ngoài giờ lên lớp với nhiều hình thức đa dạng như sân khấu hóa, tham quan, tìm hiểu thực tế tại các thôn, điểm có nét văn hóa, di tích lịch sử.

Ngoài ra, nhà trường còn chú trọng tới việc giới thiệu các món ăn của đồng bào dân tộc như cơm nếp tam sắc, ngũ sắc, cơm lam, bánh chưng, bánh ú, gà nướng, cá nướng, canh loóng, canh đắng của đồng bào các dân tộc trong các hoạt động của ngày lễ trong năm.

Cần thêm những chính sách hỗ trợ

Việc bảo tồn văn hóa dân tộc và đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy tại Trường PTDTNT THTPT tỉnh Hà Giang đã tạo được hiệu ứng tốt, thu hút sự tham gia của nhiều học sinh, giáo viên, phụ huynh. Học sinh không những được tìm hiểu về văn hóa của dân tộc mình mà còn biết được văn hóa, tập quán các dân tộc khác, từ đó nâng cao tinh thần đoàn kết, tương trợ trong học tập. Tuy nhiên việc thực hiện cũng còn gặp không ít khó khăn cần sự vào cuộc của ngành giáo dục.

Trang phục truyền thống được học sinh mặc vào đầu tuần và các dịp lễ lớn trong năm

Thầy Nguyễn Phú San thẳng thắn chia sẻ: Ai cũng nhận thấy lợi ích việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống cho học sinh trong trường học, nhất là các trường đặc thù như trường PTDTNT. Tại Hà Giang đã có hẳn một Nghị quyết số 02 của BCH Đảng bộ tỉnh về đưa kỹ năng sống và văn hóa truyền thống các dân tộc vào giảng dạy trong các nhà trường. Việc này cũng đang được các trường thực hiện có hiệu quả. Tuy nhiên, tại các đơn vị trường học cũng còn gặp nhiều trở ngại, đầu tiên là kinh phí, ngoài việc đảm bảo kinh phí duy trì việc dạy và học văn hóa và nội trú cho học sinh dân tộc thì phần kinh phí dành cho các hoạt động bảo tồn văn hóa như thuê trang phục, nhạc cụ biểu diễn, mời nghệ nhân…khá hạn hẹp, chủ yếu là phải huy động từ xã hội hóa. Mà việc xã hội hóa không phải ở đâu cũng có thể thực hiện được.

Một buổi khọc ngoại khóa tại Bảo tàng tỉnh Hà Giang của học sinh nhà trường

Tiếp đến là về vấn đề con người, các trường hiện chưa có một giáo viên chuyên biệt để giảng dạy các môn về văn hóa truyền thống, giáo viên giảng dạy đa phần là các thầy cô kiêm nhiệm, tâm huyết và đam mê với công tác. Nếu nhà trường có được một giáo viên có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa truyền thống của các dân tộc, chắc chắn công tác dạy và học mảng này sẽ hiệu quả hơn nữa.

Thời gian tới, dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng Ban giám hiệu cùng đội ngũ giáo viên Trường PTDTNT THTPT tỉnh Hà Giang quyết tâm thực hiện tốt song song giữa dạy và học văn hóa với nội dung gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống cho học sinh.

“Các thầy cô được phân công nhiệm vụ truyền dạy văn hóa phải tích cực tìm hiểu, sưu tầm tranh, ảnh qua sách, báo để khai thác, nắm bắt các nét văn hóa truyền thống của từng dân tộc trên địa bàn, từ đó có thêm kiến thức nhằm truyền dạy cho học sinh bảo đảm phong phú, chính xác, sinh động. Nhà trường sẽ liên kết với các tổ chức chính trị, xã hội phù hợp và đặc biệt là Hội Nghệ nhân dân gian để tổ chức các hoạt động mềm dẻo, linh hoạt và phù hợp với tình hình thực tiễn. Từ đó giúp các em có điều kiện được giao lưu, trao đổi học tập, nâng cao ý thức giữ gìn, trân trọng những nét đẹp truyền thống của dân tộc và nỗ lực học tập tốt để sau này đóng góp công sức xây dựng quê hương giàu đẹp”, thầy Nguyễn Phú San, Hiệu trưởng Trường PTDTNT THTPT tỉnh Hà Giang khẳng định.

Lê Hoàn

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/ha-giang-truong-pho-thong-dan-toc-noi-tru-thpt-tinh-giu-gin-van-hoa-dan-toc-80320