Hà Giang: Tối mai (23/11) khai mạc Lễ hội Hoa Tam giác mạch 2018

Với chủ đề 'Miền Hoa – Lan tỏa', Lễ hội Hoa Tam giác mạch lần thứ IV năm 2018 tỉnh Hà Giang sẽ khai mạc vào tối 23/11 tại thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn (Hà Giang). Lễ hội nhằm tôn vinh giá trị văn hóa và sức sống mãnh liệt của đồng bào các dân tộc trên Cao nguyên đá Đồng Văn, cũng là cơ hội để quảng bá đến du khách trong và ngoài nước về vẻ đẹp quyến rũ của Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn vừa được UNESCO tái công nhận.

Hoa Tam giác mạch trên Cao nguyên đá Đồng Văn đang nở rộ.

Ảnh: Du khách hào hứng chụp ảnh cùng hoa Tam giác mạch

Theo Ban tổ chức, Lễ hội Hoa Tam giác mạch 2018 sẽ là Lễ hội lớn nhất so với 03 kỳ tổ chức trước. Thông qua lễ hội năm nay, tỉnh Hà Giang sẽ rà soát lại quá trình 04 năm mà địa phương đã tận tâm xây dựng thương hiệu Du lịch Cao nguyên đá Hà Giang, xem xét mặt mạnh và những điểm còn hạn chế chưa đạt bằng các việc làm cụ thể.

Hiện, tổng diện tích gieo trồng hoa của 4 huyện vùng Cao nguyên đá (Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc) là 401,3 ha. Trong đó diện tích trồng để phục vụ lễ hội là 154,74 ha. Các huyện đã chủ động gieo trồng chia làm nhiều đợt. Đợt 1 vào cuối tháng 9, đợt 2 vào đầu tháng 10 và đợt 3 vào cuối tháng 10. Đến thời điểm hiện tại, các diện tích đã gieo trồng sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh. Một số điểm hoa đã nở đẹp đảm bảo phục vụ lễ hội.

Một số điểm ngắm hoa Tam giác mạch lý tưởng mùa lễ hội năm nay như: Thạch Sơn Thần ở xã Quyết Tiến (Quản Bạ); Làng Văn hóa Lũng Cẩm ở xã Sủng Là (Đồng Văn); chân đèo Mã Pì Lèng huyện Mèo Vạc; khu vực rừng thông và xã Na Khê của huyện Yên Minh... Tại các điểm dừng chân, các vùng trồng hoa cũng sẽ tổ chức nhiều hoạt động bổ trợ hấp dẫn, phục vụ du khách tham quan.

Ngoài ra, Lễ hội Hoa Tam giác mạch năm 2018 còn có nhiều hoạt động đặc sắc như: Triển lãm ảnh Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn; tái hiện lại không gian văn hóa chợ Phố cổ Đồng Văn; Hội thi trình diễn sản phẩm mật ong bạc hà; Hội thảo khoa học bàn về các giải pháp nâng cao giá trị của sản phẩm mật ong bạc hà; tổ chức con đường hoa tại Phố cổ Đồng Văn; Ẩm thực khu vực Cao nguyên đá; tái hiện lại cuộc sống sinh hoạt hàng ngày tại khu di tích Nhà Vương…

Cuộc sống sinh hoạt hàng ngày trên Cao nguyên đá sẽ được tái hiện trong dinh thự Họ Vương (Đồng Văn).

Tại huyện Mèo Vạc, nhiều hoạt động sẽ diễn ra: Không gian văn hóa chợ đêm gắn với giao lưu dân ca, dân vũ; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, ẩm thực trải nghiệm cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông tại Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông Pả Vi Hạ; thi chim Họa Mi hót; thi chụp ảnh đẹp với chủ đề “Sắc màu Mèo Vạc”; giải leo núi chinh phục Vách đá trắng Mã Pì Lèng… Các huyện Quản Bạ, Yên Minh cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc như: Lễ hội làng nghề, thêu dệt lanh của đồng bào Mông, lễ hội ẩm thực, làng nghề và nhiều hoạt động du lịch trải nghiệm…

Để Lễ hội Hoa Tam giác mạch năm 2018 diễn ra thành công, UBND tỉnh Hà Giang đã yêu cầu các đơn vị liên quan xây dựng các phương án bảo đảm an ninh, an toàn trật tự xã hội; an toàn giao thông; phòng chống cháy nổ; an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh; tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá trước, trong và sau lễ hội; bố trí lực lượng y tế, thiết bị, phương tiện chăm sóc sức khỏe ngay tại khu vực lễ hội; ngăn chặn và xử lý các hành vi lừa dối, ép giá, lôi kéo, đeo bám khách tại các khu vực diễn ra lễ hội…

Tất cả đã sẵn sàng cho một mùa lễ hội Hoa Tam giác mạch thành công tốt đẹp, tạo ấn tượng trong lòng du khách cũng như cơ hội quảng bá du lịch Hà Giang đến với mọi miền tổ quốc qua đó tạo hi vọng phát triển kinh tế - xã hội trên vùng Cao nguyên đá.

Lê Hoàn

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/ha-giang-toi-mai-23-11-khai-mac-le-hoi-hoa-tam-giac-mach-2018-65173