Hà Giang tái cơ cấu phát triển thủy sản theo hướng bền vững

Ngành nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Hà Giang đạt được nhiều kết quả khả quan, tăng cả diện tích, sản lượng, và giá trị. Tuy nhiên, ngành này đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, như: Chưa có thương hiệu sản phẩm, hạ tầng vùng sản xuất khó khăn… Để phát triển bền vững, đòi hỏi ngành thủy sản phải đẩy mạnh tái cơ cấu theo hướng tăng năng suất, giá trị, bảo đảm an toàn thực phẩm tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Trung tâm thủy sản Hà Giang tiến hành thuần dưỡng và sinh sản nhân tạo nhiều loại cá quý hiếm

Giàu tiềm năng

Mặc dù Hà Giang có trên 80% diện tích tự nhiên là đồi, núi, địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi các dãy núi cao, vực sâu nhưng cũng có nhiều ao, hồ lớn, nhỏ, suối, những vùng nước này có điều kiện tốt để nuôi thủy sản. Ngoài ra, Hà Giang có những con sông lớn như: Sông Lô, sông Miện, Nho Quế, sông Chảy, sông Chừng, sông Gâm… khi các nhà máy thủy điện được xây dựng trên sông, suối đã tạo nên hệ thống hồ, đập với trữ lượng nước dồi dào, có tiềm năng phát triển chăn nuôi thủy sản.

Theo thống kê sơ bộ của các ngành chức năng, toàn tỉnh hiện có 65 hồ, đập với tổng diện tích mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản khoảng trên 1.210 ha, trong đó có tới 12 hồ có dung tích lớn trên 3 triệu m3.

Ngoài ra, các tuyến sông, suối trên địa bàn tỉnh là nơi cư trú, sinh sống của nhiều loài cá bản địa, đặc hữu, quý hiếm, có giá trị kinh tế cao như: Dầm xanh, Anh vũ, Lăng chấm, Bỗng, Chiên, Nheo... Những loài cá này có thể đem lại thu nhập đáng kể cho các hộ dân, bởi nhu cầu ngày càng cao, nguồn cung khan hiếm.

Nuôi thủy sản ở Hà Giang hiện nay được làm theo nhiều hình thức, đó là nuôi trong ruộng nước, trong ao, hồ nhỏ, trong lồng, bè ở sông, suối, hồ lớn...

Trên địa bàn huyện Vị Xuyên (Hà Giang) có 4 hồ chứa, hồ thủy điện diện tích 132,9ha. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển mô hình chăn nuôi cá lồng, bè. Năm 2018, trên địa bàn huyện Vị Xuyên có 66 lồng cá/ 24 hộ, hiện đang nuôi ở các lòng hồ, sản lượng trung bình đạt 2 tấn/lồng/năm, chủ yếu là các loại các Trắm, Chép, Trôi. Doanh thu trung bình đạt 120 triệu/lồng/năm. Năm 2019, huyện Vị Xuyên đã xây dựng phương án mở rộng quy mô chăn nuôi cá lồng tại 4 xã Đạo Đức, Việt Lâm, Trung Thành và thị trấn Việt Lâm, tăng thêm 35 đến 40 lồng cá, nâng tổng số quy mô toàn huyện lên hơn 100 lồng cá các loại, trong đó, tập trung phát triển các loại các đặc sản mang lại giá trị kinh tế cao như: bỗng, Lăng đen, cá Chiên…

Không chỉ ở những vùng nước ao, hồ, sông, suối, mà vùng có diện tích chuyển dịch sang nuôi thủy sản đều đạt hiệu quả kinh tế cao. Hộ nông dân vốn ít cũng có điều kiện đầu tư cho sản xuất và nhanh chóng có thu nhập khá. Như vậy, ở Hà Giang nghề nuôi thủy sản đã có bước phát triển mới, ổn định và ngày càng thu hút nhiều hộ nông dân tham gia. Nhiều địa phương trong tỉnh đã coi nuôi trồng thủy sản là giải pháp tốt trong xóa đói, giảm nghèo và trong nhiều trường hợp đó là nghề làm giàu của một bộ phận nông dân. Những vùng đất trũng ngập nước, những hồ thủy lợi, thủy điện,... được sử dụng nuôi thủy sản ngày càng nhiều.

So với vùng đồng bằng và ven biển, sự phát triển nuôi thủy sản ở Hà Giang còn chậm, bởi đặc điểm tự nhiên, địa hình phức tạp, giao thông hạn chế, kinh tế - xã hội khu vực còn nghèo. Tuy sản lượng thủy sản tăng dần qua các năm, nhưng sản phẩm chưa thực sự trở thành hàng hóa. Chưa khai thác hết tiềm năng diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản, nhất là các hồ chứa thủy lợi; sản phẩm thủy sản chủ yếu tiêu thụ ở dạng tươi sống, theo hình thức bán lẻ tại các chợ hoặc bán buôn cho các thương lái vận chuyển đi tiêu thụ ở các vùng khác nên giá bán sản phẩm không ổn định. Đặc biệt, do sản phẩm chưa có thương hiệu nên hiệu quả sản xuất chưa cao.

Chuyển giao kỹ thuật

Để nuôi trồng thủy sản phát triển tương xứng với tiềm năng, tỉnh đã phê duyệt Đề án Tái cơ cấu lĩnh vực thủy sản đến năm 2030. Mục tiêu đặt ra, tập trung sản xuất, cung ứng các giống cá đặc sản có chất lượng, tiến tới nuôi trồng các loại thủy sản nước ngọt giá trị kinh tế cao; phấn đấu đến năm 2020, giá trị ngành thủy sản đạt 100 - 150 tỷ đồng, chiếm 2 - 3% cơ cấu ngành nông, lâm, thủy sản; đến năm 2030, chiếm 4 - 6% trong cơ cấu ngành nông nghiệp, đạt giá trị 300 tỷ đồng; toàn tỉnh có khoảng 500 – 600 lồng, bè nuôi tại các hồ thủy điện.

Với vai trò là trung tâm nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người nông dân trong lĩnh vực chăn nuôi thủy sản, cùng với việc tích cực nghiên cứu, trau dồi kỹ thuật, Trung tâm thủy sản Hà Giang đã không ngừng chuyển giao khoa học cho người nông dân.

Trong 5 tháng đầu năm 2019, trung tâm sản xuất và cung ứng được 2,25 triệu con cá giống cá loại. Trong đó số lượng cá giống các loại trung tâm sản xuất được 2 triệu con. Trung tâm tiến hành thuần dưỡng và sinh sản nhân tạo nhiều loại cá quý hiếm, đặc sản như Rầm xanh, Anh vũ, Chiên, Lăng chấm, Chầy đất, Mị…

Mô hình nuôi cá Chiên trên lòng hồ thủy điện tại xã Việt Lâm (Vị Xuyên)

Thực hiện mô hình nuôi cá Lăng đen (Nheo Mỹ) trong lồng trên hồ thủy điện Sông Chừng huyên Quang Bình với 4 hộ tham gia. Tổng thể tích lồng nuôi 432 m3, thời gian nuôi 8 tháng với hình thức chuyển giao kỹ thuật khoa học đến tận người nuôi, ngoài các hộ tham gia thực hiện mô hình thì đó cũng là điểm đến cho nhân dân quanh vùng đến xem học tập và phát triển lồng nuôi.

Lãnh đạo Trung tâm thủy sản Hà Giang cho biết, năm 2019 là năm mà trung tâm thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm: Thực hiện đề tài khoa học “Điều tra, lưu giữ và phát triển nguồn gen thủy sản quý hiến trên địa bàn tỉnh Hà Giang“; Xây dựng chuỗi sản phẩm cá sạch; Đề án tái cơ cấu thủy sản giai đoạn 2018 – 2020 định hướng tới năm 2030. Các chương trình, dự án thành công sẽ đem lại ý nghĩa hết sức to lớn đối với ngành thủy sản của tỉnh, góp phần bảo vệ và phát triển các loài các bản địa quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, giúp người nuôi thay đổi hình thức canh tác, từ nhỏ lẻ, manh mún sang nuôi thâm canh, hàng hóa; góp phần đánh giá và quy hoạch tổng thể về ngành thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Về những giải pháp sẽ được tỉnh thực hiện trong thời gian tới là tiếp tục phát triển mạnh nuôi thâm canh ứng dụng công nghệ cao, tiết kiệm nước; tiến tới áp dụng VietGAP, an toàn sinh học và bảo vệ môi trường sinh thái; xây dựng thương hiệu sản phẩm thủy sản theo vùng, theo đối tượng nuôi. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển sản xuất thủy sản hàng hóa tập trung, thâm canh chất lượng cao đối với diện tích ao, hồ nhỏ, cá ruộng và nuôi các hồ chứa thủy lợi như tăng tỷ lệ diện tích nuôi thâm canh bằng giống thủy sản có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ mạnh.

Lê Hoàn

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/ha-giang-tai-co-cau-nganh-thuy-san-theo-huong-ben-vung-70849