Hà Giang - mùa thương khó

Tháng 7 năm 1984, mùa mưa ở Hà Giang rất dài. Ngày 12 tháng 7 năm ấy, nước mưa hòa nước mắt Mẹ khóc hàng ngàn chiến sĩ trẻ đã vị quốc vong thân ở tuổi 20. Và, 35 năm qua, Sư 356 đã chọn ngày 12/7 là ngày giỗ chung những chiến sĩ vị quốc vong thân trong chiến đấu bảo vệ biên giới cực Bắc Tổ quốc.

SỐNG BÁM ĐÁ/CHẾT HÓA ĐÁ/THÀNH BẤT TỬ

Tháng 7-1984, Sư đoàn bộ binh 356 được tướng Lê Duy Mật, Chỉ huy trưởng mặt trận tại Hà Giang, giao cùng các sư đoàn khác thực hiện chiến dịch phản kích, tái chiếm những cao điểm 468, 1509, 1100, 772, nằm sâu trong địa phận Vị Xuyên (Hà Giang) mà quân Trung Quốc đã chiếm giữ trái phép, trước đó. Chiến dịch mang bí số MB.84.

Sáng 12/7, Trung đoàn 876, Sư 356 vượt “ngã 3 tử thần” Thanh Thủy tiến lên cao điểm 468, nơi quân Trung Quốc đã bố trí trận địa pháo cao xạ để chặn đường chuyển quân, tiếp liệu của quân ta ra tiền tuyến suốt hơn năm ròng. Giành lại cao điểm 468, chủ quyền lãnh thổ từ tay giặc trong thế “ngàn cân treo sợi tóc” khiến Trung đoàn 876 chỉ trong một ngày, một ngày thôi, ngày 12-7-1984, đã có 593 cán bộ chiến sĩ hi sinh; trong đó có 3 tiểu đoàn trưởng, 2 tiểu đoàn phó và 2 chính trị viên tiểu đoàn và gần 800 trăm chiến sĩ khác bị thương. Và, ngày 12-7 đã trở thành ngày “Giỗ trận” của Sư 356.

Đồng đội về thăm nhau trong ngày “Giỗ trận”

Đồng đội về thăm nhau trong ngày “Giỗ trận”

Theo đề nghị của UBND tỉnh Hà Giang, ngày 12 -7 năm nay trở thành ngày “Giỗ trận” chung cho hơn 3.000 liệt sĩ đã hy sinh tại Hà Giang những năm 1979 – 1989 trong chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Sáng sớm 12-7-2019, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trương Tấn Sang đã bước lên gác chuông của Đài hương 468. Ông lặng lẽ nhìn sang cao điểm 468 năm xưa, đứng sừng sững đối diện đài hương và kính cẩn gióng lên hồi chuông chiêu hồn, tỏ lòng tưởng nhớ của ông cùng hàng ngàn đồng đội và gia quyến của các anh hùng liệt sĩ.

Trước khi đi trao nhà tình nghĩa cho các cựu binh từng chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên, ông đã đứng lại bên chân rào đài hương, ngậm ngùi nhìn xuống thung lũng hun hút sâu, dưới chân núi đá mang số hiệu 468 - ngôi mộ tập thể của hơn 2.000 anh hùng vệ quốc vong thân…

Đại tá Nguyễn Xuân Trung, hiện là Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Sư 356 chỉ cho tôi xem tấm biển đá khắc “Lời thề bất tử” của liệt sĩ AHLLVT Nguyễn Viết Ninh, E 876, Sư 356 gắn ở tường đài hương. Lời thề ấy được liệt sĩ Ninh khắc lên báng súng, khi anh quyết định trụ lại chiến hào, sau 2 lần bị thương khá nặng: “Sống bám đá/ Chết hóa đá/ Thành bất tử”. Và anh đã hy sinh sau khi cố chặn đợt tái tấn công của giặc vào cao điểm 468.

Đồng đội dâng hương trên phần mộ các anh hùng liệt sĩ

Khu mộ phía trên cao, giữa thinh lặng của đêm mưa Vị Xuyên, tiếng hát của nhóm cựu binh vang lên tha thiết: “Về đây đồng đội ơi. Còn nằm khe đá hay thung sâu. Về đây có nhau, như nguyện ước chiến hào… Hãy về đồng đội ơi, người lính chiến mãi đôi mươi…”, (lời của khúc tâm ca “Về đây đồng đội ơi” của Nhạc sĩ Trương Quý Hải, một cựu binh của Sư 356) như quyện vào hương khói bồng bềnh trên những ngôi mộ nằm im lìm bên nhau, trong nghĩa trang mênh mông. Những nấm mồ xếp đều bên nhau/Như những phím dương cầm của đất/ Rung lên những âm thanh lặng thầm không tắt/Chỉ trái tim người mới nghe được mà thôi... (thơ Lâm Thị Mỹ Dạ).

CHÚT ÂN TÌNH GỬI LẠI

Tháng 2/2019, trong chuyến đi thăm tặng quà Tết tại Hà Giang, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân (bà Mai Thị Hạnh) đã thăm nhiều cựu binh từng chiến đấu tại Vị Xuyên năm xưa. Gia cảnh nghèo nàn trong những căn nhà ọp ẹp không ngăn nổi gió mùa Đông Bắc đến.

Ở Hà Giang, nguyên Chủ tịch nước và phu nhân vận động xây tặng 356 căn nhà và lần này, bàn giao 180 căn nhà tình nghĩa (trong số 356 căn) cho các cựu binh từng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Trong lễ bàn giao nhà, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói: “Tháng 7, là tháng mà chúng ta bày tỏ lòng tri ân với những hi sinh xương máu cho độc lập tự do dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Tôi mong, chúng ta, không chỉ chăm lo cho gia đình các chiến sĩ từng chiến đấu tại Vị Xuyên mà nên quan tâm, trợ giúp gia đình chính sách nhiều thời kỳ, ở mọi nơi trên đất nước ta. Và không chỉ chờ đến tháng 7 chúng ta mới bày tỏ sự quan tâm, chia sẻ khó khăn với các gia đình chính sách, tôi mong một năm có 12 tháng, tất cả đều là tháng nghĩa tình …”.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các thành viên trong đoàn dâng hương tại Đài huơng 468.

Tiếng súng trên vùng biên giới đã im hơn 35 năm qua, nhưng trên vách núi đá đen u buồn, trên những thung lũng xanh màu cây lá, dư âm của chiến tranh vẫn lẩn khuất quanh đây. Tại Hà Giang có gần 400 nạn nhân bom mìn, trong đó, hơn 250 người đã thiệt mạng.

Chia sẻ với những khó khăn của các cựu chiến binh chiến đấu bảo vệ biên giới tại mặt trận Vị Xuyên và nạn nhân bom mìn tại Hà Giang, nhóm từ thiện của bà Mai Thị Hạnh (phu nhân nguyên CTN Trương Tấn Sang) kết hợp Quỹ Hòa Bình Mỹ Lai (do bà Trương Ngọc Thủy làm Chủ tịch quỹ), Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam (do Trung tướng Nguyễn Đức Soát, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND VN làm Chủ tịch hội) đã trao tặng 180 căn nhà, hỗ trợ sinh kế 40 hộ là nạn nhân bom mìn tại 3 huyện biên giới Yên Minh, Quản Bạ và Vị Xuyên (mỗi hộ 01 con bò cái và tiền mặt), tặng quà cho 1.000 hộ nghèo, hỗ trợ 140 triệu đồng kinh phí đến trường năm học mới cho các em mồ côi, nghèo của xã biên giới huyện Đồng Văn, Mèo Vạc… với tổng số tiền là 13 tỉ đồng.

Chủ tịch Quỹ Hòa Bình Mỹ Lai trao tiền hỗ trợ học sinh mồ côi, nghèo huyện Mèo Vạc, Đồng Văn

Phạm Thục

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/ha-giang-mua-thuong-kho_77706.html