Hà Giang: Lễ hội Bàn Vương dưới chân đỉnh Chiêu Lầu Thi

Trình diễn Lễ hội Bàn Vương tại xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) – dưới chân đỉnh Chiêu Lầu Thi (nằm ở độ cao gần 2.500 m so với mực nước biển) hoang sơ, hùng vĩ góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trên địa bàn (đặc biệt là dân tộc Dao); đồng thời là dịp quảng bá, giới thiệu tiềm năng văn hóa, du lịch của địa phương tới du khách thập phương.

Các nghệ nhân tiến hành nghi thức cúng tế Bàn Vương

Chiều 29/9, UBND huyện Hoàng Su Phì tổ chức trình diễn Lễ hội Bàn Vương tại xã Hồ Thầu. Đây là một trong những sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động của Tuần Văn hóa du lịch “Qua miền di sản Ruộng bậc thang” Hoàng Su Phì năm 2018.

Người Dao ở Việt Nam có nhiều ngành Dao khác nhau. Trên lãnh thổ Việt Nam có tới 7 nhóm (ngành) gồm: Dao Đỏ, Dao Quần Chẹt, Dao Lô Gang, Dao Tiền, Dao Quần Trắng, Dao Thanh Y và Dao Làn Tiển/Tẻn. Các ngành Dao thể hiện sự khác biệt rõ nhất ở trang phục và tiếng nói. Bên cạnh đó, tín ngưỡng, các loại hình văn hóa dân gian, kiến trúc nhà ở… giữa các ngành Dao cũng có những nét tương đối khác biệt. Tuy nhiên, trong tất cả các ngành Dao lại có một điểm chung trong tín ngưỡng, đó là tục thờ cúng Bàn Vương.

Bàn Vương vốn là Long Khuyển Bàn Hồ, nhờ lập được công lao to lớn giết được Cao vương (xâm lược nước Bình Vương) nên được vua Bình Vương trọng thưởng và gả công chúa cho. Bàn vương và công chúa sinh được 6 trai 6 gái, Bình vương ban cho mỗi người một họ, trở thành 12 họ sớm nhất của người Dao. Khi Bình vương chết, Bàn vương lên làm vua. Tuy làm vua nhưng Bàn vương vẫn giữ nếp sống giản dị, dạy dân cách trồng lúa, dệt vải, giữ thói quen săn bắn. Sau khi Bàn Vương chết đi, người Dao tổ chức thờ cúng trên bàn thờ tổ tiên.

Bàn Vương được đồng bào Dao coi là thủy tổ của các dòng họ của mình nên cũng được coi là loài ma nhà (ma tốt) và được cúng bái chung với tổ tiên của từng dòng họ, từng gia đình. Thường ngày, Bàn vương được thờ cúng với gia tiên và năm vị thần khác là: thần thóc gạo; thần coi sóc việc ca hát, văn nghệ; thần săn bắn và hai vị thần trông nom việc chăn nuôi. Trong các nghi lễ lớn như lễ cấp sắc, “tẩu slai” (lễ cấp sắc ở bậc cao hơn), “chẩy chấu” (lễ tảo mộ), tết nhảy, làm ma chay v.v… đồng bào Dao đều phải cúng Bàn Vương.

Tại xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì, người Dao đỏ chiếm chủ yếu dân số toàn xã. Tại buổi trình diễn, các nghệ nhân dân gian của xã đã tiến hành nghi thức cúng tế; đại diện con cháu 12 dòng họ dân tộc Dao tiến hành dâng hương, dâng hoa và mâm lễ vật ngũ cốc lên sư tổ Bàn Vương với tấm lòng thành kính. Sau khi cúng tế, các nghệ nhân đã trình diễn điệu múa Bắt Rùa, một điệu múa phổ biến trong sinh hoạt văn hóa của dân tộc Dao. Với âm thanh sôi sộng của các loại nhạc cụ và động tác múa uyển chuyển, điệu múa đã tái hiện lại hoạt động sản xuất, sinh hoạt từ thời xa xưa của cộng đồng người Dao. Kết thúc nghi lễ cúng Bàn Vương, du khách được trải nghiệm trò chơi Vật Chày, một trò chơi mang màu sắc huyền bí những cũng đem lại sự kịch tính và nhiều tiếng cười cho khán giả.

Du khách trải nghiệm trò chơi Vật Chày

Có thể khẳng định, đây là một trong những nét đẹp trong văn hóa truyền thống của cộng đồng người Dao nói chung bởi đó là dịp để mọi người tưởng nhớ về tổ tiên cội nguồn là Bàn Vương - vị anh hùng dân tộc đã giúp cho người Dao sống bình an, thịnh vượng, đoàn kết với cộng đồng để cùng tồn tại và phát triển, đồng thời lễ hội Bàn Vương còn có ý nghĩa giáo dục nhân dân sống đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống cũng như ý thức vươn lên khắc phục khó khăn để làm chủ cuộc sống.

Tục thờ cúng Bàn Vương (Bàn Hồ) cùng các sinh hoạt tín ngưỡng- văn hóa dân gian khác đều mang tính phổ quát toàn bộ dân tộc Dao, là biểu tượng cho sự thống nhất nguồn gốc và văn hóa dân tộc. Vì vậy, với người Dao dù sống phân tán, trải khắp miền rừng núi, dọc biên giới Việt- Trung, Việt- Lào tới một số tỉnh trung du và ven biển Bắc Bộ nhưng huyền thoại Bàn Vương về nguồn gốc thủy tổ dân tộc và tín ngưỡng thờ cúng, phong tục kèm theo đều phổ biến ở các ngành Dao không chỉ ở Hà Giang mà có ở hầu hết các ngành Dao trên đất nước ta.

Trình diễn Lễ hội Bàn Vương tại xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) – dưới chân đỉnh Chiêu Lầu Thi (nằm ở độ cao trên gần 2.500 m so với mực nước biển) hoang sơ, hùng vĩ góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trên địa bàn (đặc biệt là dân tộc Dao); đồng thời là dịp để quảng bá, giới thiệu tiềm năng văn hóa, du lịch của địa phương tới du khách thập phương.

Lê Hoàn

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/ha-giang-ron-rang-le-hoi-ban-vuong-duoi-chan-dinh-chieu-lau-thi-64136