Hà Giang khẩn trương khoanh vùng, dập dịch tả lợn châu Phi

Chiều 4/6, ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang cho biết, hiện nay, dịch tả lợn châu Phi đang lây lan nhanh và có diễn biến rất phức tạp tại Hà Giang.

Ổ dịch mới nhất được phát hiện ngày 3/6 tại xã Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc. Như vậy, chỉ trong khoảng nửa tháng (từ ngày 20/5 đến 4/6), dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 23 xã, thuộc 7/11 huyện, thành phố của tỉnh Hà Giang.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang, để khống chế, không để dịch lây lan ra diện rộng, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền các cấp thực hiện khẩn trương, kiên quyết, đồng bộ các giải pháp về phòng, chống, khống chế dịch tả lợn châu Phi.

Các đơn vị chức năng thông tin đầy đủ để người dân và cộng đồng hiểu rõ mức độ nguy hiểm của dịch tả lợn châu Phi và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; đặc biệt tuyên truyền cho người tiêu dùng không hoang mang, tẩy chay, quay lưng với sản phẩm từ lợn và thịt lợn, giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi, buôn bán.

Các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Giang cũng áp dụng đồng bộ các biện pháp hành chính kiểm tra, kiểm soát các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc nhằm giảm thiểu nguy cơ xâm nhiễm bệnh vào địa bàn.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Giang cũng khẩn trương thực hiện các biện pháp kỹ thuật, lấy mẫu, giám sát phát hiện sớm, cảnh báo nhanh và có biện pháp phòng, chống phù hợp, hiệu quả không để dịch lây lan rộng.

Ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Giang thông tin, đến nay, tổng số lợn chết và tiêu hủy trên địa bàn tỉnh là 769 con, trọng lượng trên 42,6 tấn. Một số huyện xuất hiện nhiều ổ dịch như huyện Vị Xuyên có 6 xã, thị trấn; huyện Bắc Quang có 5 xã, thị trấn. Đặc biệt, tại các huyện vùng cao núi đá phía Bắc cũng đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi như thị trấn Phó Bảng thuộc huyện Đồng Văn; xã Xín Cái, xã Niêm Sơn và xã Sơn Vĩ thuộc huyện Mèo Vạc.

Hiện UBND các huyện, thành phố ở Hà Giang có dịch đều đã ban hành các quyết định công bố dịch bệnh và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Toàn tỉnh thành lập 108 chốt kiểm dịch tạm thời; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc giết mổ, buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn vào địa bàn; sử dụng trên 1.500 lít hóa chất và trên 15.500 kg vôi bột thực hiện việc vệ sinh tiêu độc, khử trùng tại vùng dịch, hộ chăn nuôi, trang trại, gia trại và khu vực xử lý tiêu hủy lợn. Các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao ý thức, trách nhiệm phòng, chống dịch của toàn dân... Tổng kinh phí các địa phương cấp cho phòng, chống dịch tả lợn châu Phi gần 4 tỷ đồng.

Cũng theo ông Nguyễn Minh Tiến, nhằm hỗ trợ kịp thời cho các hộ chăn nuôi có lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành Quyết định về quy định mức hỗ trợ phòng, chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Theo đó, lợn con, lợn thịt các loại được hỗ trợ mức 80% giá thị trường tại thời điểm tiêu hủy và tại các huyện, thành phố có dịch, giá lợn do cơ quan tài chính thông báo. Đối với lợn nái, lợn đực giống đang khai thác hỗ trợ bằng 1,5 lần so với mức hỗ trợ các loại lợn khác tại thời điểm tiêu hủy và tại địa phương có dịch; đối với thức ăn chăn nuôi được hỗ trợ 70% giá thị trường tại thời điểm tiêu hủy.

Minh Tâm (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/ha-giang-khan-truong-khoanh-vung-dap-dich-ta-lon-chau-phi-20190604185747928.htm