Hà Giang: HTX, THT đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế của người dân

Nhằm phát huy thế mạnh của địa phương, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, chính quyền huyện Xín Mần (Hà Giang) đặc biệt chú trọng xây dựng các mô hình phát triển kinh tế tập thể (KTTT). Trong đó, hạt nhân chính là các HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012 và các tổ hợp tác (THT)…

Tính tới hết quý I/2019, địa bàn huyện Xí Mần có tổng số 41 HTX và 179 THT (khoảng 11.500 tổ viên).

Nằm ở phía Tây của tỉnh Hà Giang, huyện Xín Mần có điều kiện địa lý, thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt là các xã biên giới. Xí Mần là địa phương nằm trong danh sách các huyện nghèo đang được thụ hưởng các cơ chế chính sách dành cho vùng 30a theo Nghị quyết 30a của Chính phủ năm 2008.

HTX tham gia tái cơ cấu nông nghiệp

Luật HTX 2012 đi vào thực tiễn giúp các HTX được củng cố kiện toàn tạo sự chuyển biến tích cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thể hiện vai trò quan trọng trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

HTX nông nghiệp làm tốt vai trò là cầu nối liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, cung ứng giống, vật tư, phân bón, thức ăn chăn nuôi; hướng dẫn bà con ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; thu mua các loại nông sản cho bà con nông dân…

Ông Tải Văn Chương, bản Xí Ngò, huyện Xí Mần cho biết: "Có HTX nông nghiệp, có hội nông dân cho mua chịu phân bón, thuốc BVTV thì tôi mới có cái mà bón cho cây cối, rau màu, ngô sắn… Các dịch vụ của HTX nông nghiệp vừa chất lượng lại giá thành hợp lý nên bà con tin tưởng dùng nhiều".

Điển hình là HTX Huyền An, HTX Tuấn Băng, HTX Hoàng Hà có số vốn kinh doanh tương đối cao, đa dạng ngành nghề gồm giao thông, xây dựng, vận tải, kinh doanh nhà hàng, khách sạn, thương mại tổng hợp, chế biến chè...

Cụ thể, HTX Tuấn Băng (xã Nà Chì) hiện là cơ sở thu mua chè lớn nhất khu vực phía Nam huyện. Bình quân mỗi ngày, HTX thu mua 2,5 - 3 tấn chè tươi cho người dân. HTX đang có 40 lao động, với thu nhập bình quân 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Anh Hoàng Văn Thụ (thôn Tân Sơn, xã Nà Chì) chia sẻ: “Tôi làm việc tại HTX đã hơn 10 năm nay, công việc ổn định, thu nhập bảo đảm. Vào HTX, người lao động luôn được bảo đảm quyền lợi, quan tâm chăm sóc về sức khỏe, an toàn khi sản xuất”.

Song song với hoạt động sản xuất kinh doanh, các HTX thường xuyên quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực, chăm lo đến đời sống, bảo đảm an toàn của thành viên, người lao động…

Đông đảo bà con tham gia vào THT

Các THT trên địa bàn huyện đang thể hiện vai trò quan trọng. Các THT tại huyện Xí Mần ra đời đã thu hút được đa số các hộ nông dân trên địa bàn tham gia, vì mô hình này thực sự hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phát triển đa dạng ngành nghề trong nông nghiệp nông thôn; phù hợp phương thức canh tác và phát triển các loại cây trồng, vật nuôi của bà con nông dân vùng cao, giúp bà con chủ động hơn trong lĩnh vực sản xuất.

Bà con THT Hậu Cấu đang chăm sóc vùng trồng thử nghiệm cây dược liệu

Bà con THT Hậu Cấu đang chăm sóc vùng trồng thử nghiệm cây dược liệu

Trong số hơn 11.500 tổ viên tham gia các THT có tới 1.238 người tham gia thành phần của ban lãnh đạo cấp thôn, bản. Cơ cấu ban lãnh đạo THT trên địa bàn huyện thường gồm 7 người: Tổ trưởng là Bí thư hoặc Trưởng thôn do nhân dân bầu ra. Nhờ vai trò kép nêu trên, nên hoạt động của THT hết sức hiệu quả và linh hoạt.

THT vừa xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch phát triển sản xuất có sự tham gia của người dân trên địa bàn thôn, bản, vừa quản lý vận hành cơ sở hạ tầng trên địa bàn nông thôn gồm hệ thống kênh mương tưới tiêu nội đồng, hệ thống cấp nước sinh hoạt, trụ sở thôn bản.

THT cũng là đầu mối quản lý và sử dụng Quỹ phát triển thôn, Quỹ đầu tư có thu hồi và tái đầu tư; đầu mối chuyển giao khoa học kỹ thuật và cung ứng vật tư sản xuất, cũng như liên kết tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân trong thôn…

Huyện Xín Mần có kế hoạch trong thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập trung vận động thành lập các HTX, THT, khuyến khích, tạo điều kiện để các HTX, THT ra đời và phát huy hiệu quả trong việc thay đổi cách nghĩ, cách làm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát huy tối đa nguồn lực, tiềm năng thế mạnh của địa phương. Tiếp tục hướng dẫn cho bà con nâng cao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, để bà con nông dân tăng cường khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh việc liên doanh, liên kết “4 nhà”, tăng doanh thu, ổn định việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Khu vực KTTT mà nòng cốt là HTX, THT trên địa bàn huyện Xí Mần, tỉnh Hà Giang đang tham gia tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm và tăng thu nhập cho đông đảo người dân, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. HTX đóng góp vào GDP của khu vực KTTT và thành viên HTX ngày càng tăng; góp phần quan trọng thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội, như tạo việc làm, nâng cao thu nhập của người dân, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế…

Theo Thu Thảo/Thời báo Kinh doanh

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/ha-giang-htx-tht-dong-vai-tro-quan-trong-trong-doi-song-kinh-te-cua-nguoi-dan/20191223081808811