Hà Giang: Bước chuyển 'chất' của thói quen mua sắm

Nhiều hoạt động xúc tiến, đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; xây dựng các điểm phân phối hàng Việt… đã được tỉnh Hà Giang triển khai nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, kết nối thị trường.

Nhằm đưa hàng Việt về vùng biên giới Hà Giang, mới đây, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (CVĐ) tỉnh Hà Giang đã tổ chức "Phiên chợ đưa hàng Việt Nam về huyện biên giới" tại xã Linh Hồ, huyện Vị Xuyên. Phiên chợ được tổ chức với quy mô 26 gian hàng của các doanh nghiệp (DN) nội địa, gồm nhiều mặt hàng thiết yếu, phù hợp với nhu cầu của bà con, được bán với giá bằng hoặc thấp hơn thị trường. Nhờ đó, thu hút rất đông người thăm quan, mua sắm.

Xúc tiến tiêu thụ sản phẩm đặc trưng

Xúc tiến tiêu thụ sản phẩm đặc trưng

Phiên chợ đưa hàng Việt về huyện biên giới Vị Xuyên là một trong những sự kiện xúc tiến tiêu thụ hàng Việt được tỉnh Hà Giang tổ chức ngay sau khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát. Cùng với sự kiện này, Sở Công Thương Hà Giang còn tham mưu, lựa chọn xây dựng 9 điểm bán hàng nông sản dọc tuyến quốc lộ 2 (từ TP. Hà Giang đến thị trấn Vĩnh Tuy – huyện Bắc Quang), góp phần quảng bá, thu hút du khách tham quan, mua hàng nông sản do tổ chức, cá nhân trên địa bàn sản xuất. Tỉnh cũng tổ chức kết nối giữa nhà sản xuất, nhà phân phối với người tiêu dùng; tổ chức bình chọn các sản phẩm tiêu biểu, chất lượng giới thiệu đến đông đảo người dân. Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử…

Nhằm tạo nguồn hàng hóa ổn định, chất lượng, Sở Công Thương còn chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan đẩy mạnh hỗ trợ DN trong hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại, thông qua các hoạt động như: Hỗ trợ trang thiết bị, tổ chức cho DN tham gia hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối cung-cầu, mở các lớp đào tạo, tập huấn, nhằm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN... Bên cạnh đó, hỗ trợ DN, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh sản phẩm đặc trưng của tỉnh và ứng dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm…

Đặc biệt, Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến Công Thương Hà Giang đã tổ chức Đoàn khảo sát, tìm kiếm thị trường tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng là thế mạnh của tỉnh như: Cam Sành, chè Shan tuyết, mật ong Bạc hà, các sản phẩm chế biến từ dược liệu tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối các tỉnh, thành phố trong nước.

Đơn cử, Tuần lễ cam Sành và các đặc sản Hà Giang năm 2019 được tổ chức tại Hà Nội, lồng ghép với Hội chợ Nông sản thực phẩm an toàn. Tỉnh cũng tổ chức không gian Văn hóa – Du lịch gắn với trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại TP. Hà Giang và tổ chức không gian thưởng thức trà Hà Giang trong chuỗi các sự kiện của tỉnh diễn ra năm 2017. Qua đó, không chỉ quảng bá, giới thiệu sản phẩm chất lượng của Hà Giang đến người tiêu dùng mà còn kích thích ưu tiên sử dụng hàng Việt của người dân và du khách.

Cùng với việc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, các thành viên Ban chỉ đạo CVĐ tỉnh còn phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, áp dụng các biện pháp quản lý, ngăn chặn việc nhập lậu hàng hóa; xử lý nghiêm trường hợp sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, nhằm tạo niềm tin của nhân dân với hàng Việt Nam.

Các giải pháp xúc tiến thương mại giúp tỷ lệ hàng Việt được tiêu thụ tại Hà Giang không ngừng tăng lên. Hình thành văn hóa mua sắm của người tiêu dùng và tăng doanh thu cho DN.

Bảo Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ha-giang-buoc-chuyen-chat-cua-thoi-quen-mua-sam-141023.html