'Hạ giải' bảo tháp - ý kiến nhiều chiều

LTS. Chung quanh câu chuyện hạ giải bảo tháp cũ (bảy tầng) ở Việt Nam Quốc Tự sau khi hoàn thiện bảo tháp mới (13 tầng), Người Đô Thị ghi nhận ý kiến của người trong cuộc và một số chuyên gia độc lập.

Thượng tọa Thích Thanh Phong

Thượng tọa Thích Thanh Phong - người thiết kế, xây dựng Việt Nam Quốc Tự (*):

Để hai tháp cạnh nhau là không phù hợp phong thủy

Ban đầu Giáo hội cũng có ý định tận dụng tháp cũ. Tuy nhiên, phần chân tháp cũ sau hằng chục năm bị phong hóa tiếp tục được xây chồng lên không đảm bảo an toàn cho đông đảo tăng ni Phật tử mười phương về chiêm bái xá lợi của Bồ tát Thích Quảng Đức.

Phương án thi công theo kiểu “cơi nới” cũng chưa đảm bảo yếu tố mỹ thuật. Tháp cũ (cao khoảng 33m) không trang bị thang máy khiến các bậc hòa thượng, thường là người cao tuổi gặp khó khăn khi lên tháp đảnh lễ. Về tỷ lệ, tháp cũ không tương thích với ngôi chùa mới xây.

Còn việc để tồn tại song song hai bảo tháp cạnh nhau không phù hợp về phương diện phong thủy. Thế nên tháp cũ sẽ được hạ giải đến đúng phần chân tháp được xây dựng từ năm 1964. Phía trên đặt một Phật đài Quan âm Bồ tát làm di tích.

(*) Trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm, kiêm Phó ban Trị sự Giáo hội Việt Nam TP.HCM

Tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu

Tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu:

Công trình có ý nghĩa “vật chứng” lịch sử

Với niên đại xây dựng và hoàn thiện cách nay chỉ vài mươi năm, chưa thể gọi tòa tháp bảy tầng là “tháp cổ” và thực ra cũng chưa cũ. Tuy nhiên, từ khi hoàn thiện đến nay, tòa tháp là địa chỉ quen thuộc của người dân thành phố và khách du lịch.

Hình thức kiến trúc và trang trí, bài trí của Việt Nam Quốc Tự cũ trong đó có tòa tháp bảy tầng là sự kết hợp giữa tính hiện đại và nét kiến trúc truyền thống của Phật giáo Việt Nam nhằm phục vụ những hoạt động của nhà chùa như thuyết giảng, triển lãm, giao lưu, hội họp, làm việc và đáp ứng nhu cầu thăm viếng, thờ cúng của Phật tử và người dân nói chung.

Quy mô không lớn nhưng việc xây dựng Việt Nam Quốc Tự vào khoảng 1963 - 1964 đáng được ghi nhận bởi ngôi chùa ra đời trong thời kỳ rất khó khăn của Phật giáo miền Nam. Việc tháp chỉ được hoàn thiện sau đó 30 năm (1994) cũng có ý nghĩa như một “vật chứng” cho thời kỳ nhiều biến động của Phật giáo miền Nam.

Vì vậy không nên định “giá trị” của bảo tháp bằng niên đại hay sự độc đáo của kiến trúc, mà bản thân câu chuyện xây dựng công trình này đã mang giá trị phản ánh một giai đoạn cụ thể của lịch sử Phật giáo Việt Nam nói riêng và lịch sử Việt Nam nói chung.

Sài Gòn - TP.HCM không có nhiều những di tích lịch sử có niên đại cổ xưa, mang trong nó những câu chuyện lịch sử. Nếu xem ý nghĩa đó là quan trọng thì nên giữ lại tháp cũ, biến công trình này thành bảo tàng Phật giáo miền Nam thời kỳ những năm 1960. Khi đó tháp có một chức năng mới, phù hợp hơn và sẽ phát huy được giá trị.

KTS. Khương Văn Mười

KTS. Khương Văn Mười, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam:

Lo ngại tháp cũ không an toàn

Tôi từng ghé công trường xem thi công bảo tháp lần đầu khi còn là sinh viên trường Kiến trúc. Mấy người bạn cùng lớp tôi có tham gia ở khâu thiết kế.

Theo tôi biết, lúc đó phương án thi công thủ công, quy trình kiểm tra chất lượng chưa chặt chẽ. Rồi hình như hết tiền nên dự án bị ngưng, sắt chờ để lổn nhổn, phần mái gác bằng mấy tấm fibro xi măng thay vì đổ bê tông.

Chiều cao và hình khối tháp cũ cũng không tương thích với chánh điện. Còn nếu xét ở góc độ bảo tồn thì đây chỉ là kiến trúc cũ, không phải là kiến trúc cổ.

Hiện trạng không gian thoáng rộng giữa hai tháp với chánh điện. Ảnh Phúc: Tiến

TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn: “Nên bảo tồn tháp hiện hữu"

“Dưới góc nhìn của một Phật tử, mọi vật trên đời đều vô thường, có sinh có diệt. Nhưng dưới góc nhìn của một nhà tư vấn quy hoạch kiến trúc và bảo tồn di sản, tôi thấy quyết định bỏ đi tòa tháp hiện hữu có thể làm giảm ý nghĩa sâu xa của tên gọi “Việt Nam Quốc Tự”. Do đó, tôi có bổn phận góp ý, để các vị cao tăng xem xét lại việc phá bỏ ngôi tháp hiện hữu”, ông Sơn nói.

Kế hoạch chỉ là “hạ giải” tòa tháp chứ không phải phá bỏ?

TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn

Thực ra, “hạ giải” chỉ là một cách nói khéo của việc phá bỏ tháp để xây Phật đài, và không còn mang ý nghĩa bảo tồn. Nhưng cho dù việc “hạ giải” này không kèm theo việc xây Phật đài Quan âm đi nữa, thì việc chỉ chọn giữ lại lịch sử năm 1964, là mặc nhiên phủ nhận giai đoạn phát triển của chùa từ 1964 đến 2018.

Ngoài ra, tôi không đồng tình với ý kiến cho rằng công trình này được xây dựng tạm bợ không bền vững, do xây dựng bị ngưng trong thời gian dài mới tiếp tục, và lấy đó làm lý do phá bỏ. Thực tế theo quan sát hiện trường cùng với kỹ sư, công trình vẫn đang trong tình trạng sử dụng tốt.

Nếu công trình này được quyết định giữ lại với chức năng là tháp bảo tàng Phật giáo, tôi có thể giới thiệu công ty xây dựng có năng lực giúp cải tạo công trình này đạt niên hạn sử dụng tương đương ngôi tháp 13 tầng, với kinh phí hợp lý.

Ông nghĩ sao về ý kiến cho rằng giữ lại hai tháp sẽ ảnh hưởng đến phong thủy của chùa?

Cha tôi (KTS. Ngô Viết Thụ - PV) thường nói phong thủy có hai trường phái chính là Vương đạo và Bá đạo. Đa số phong thủy mà người ta hay nói đến đều thuộc Bá đạo, vì chỉ đặt mục tiêu cầu tài lộc, công danh, bình an... cho gia chủ. Phong thủy Vương đạo trái lại, đặt giá trị tinh thần lên đầu trong việc chọn phương án. Sau đó thì cho dù chọn giải pháp nào, cũng đều có cách hóa giải các ảnh hưởng tiêu cực, nếu có.

Theo đó, một dự án mang ý nghĩa quốc gia như Việt Nam Quốc Tự, nên đặt giá trị tinh thần làm gốc, trong đó bao gồm việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử của tổng thể công trình.

Theo ông, việc giữ lại tòa tháp hiện hữu đóng vai trò gì trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử?

Tuy đây không phải là tháp cổ, nhưng vẫn là “tháp xưa” trong tâm tưởng của người dân, vì đây lại là công trình đạt được sau một quá trình khó khăn hơn nửa thế kỷ xây dựng, là chứng nhân của nhiều giai đoạn lịch sử của Phật giáo Việt Nam từ 1963 cho đến nay, bao gồm thời kỳ pháp nạn, thời kỳ chia rẽ, và cuối cùng là thời kỳ thống nhất. Việc giữ lại ngôi tháp hiện hữu sẽ là minh chứng thuyết phục của sự thống nhất Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Cho dù quy mô chùa không lớn khi so với nhiều ngôi chùa miền Bắc, nhưng giá trị bao hàm của ý nghĩa bốn chữ “Việt Nam Quốc Tự” vẫn sáng ngời, khi đây là một tác phẩm văn hóa bảo tồn và phát triển, nói lên giá trị tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, ghi nhận những người có công trong quá trình phát triển khó khăn đó (Hòa thượng Thích Từ Nhơn, các vị cao tăng...), thể hiện lòng bao dung, từ bi hỉ xả đối với mọi sự trong các thời kỳ nêu trên, và nhất là thể hiện sự thống nhất của Phật giáo Việt Nam.

Nếu như Việt Nam Quốc Tự quyết định giữ lại ngôi tháp hiện hữu, ông có đề xuất gì cho việc bảo tồn hoặc cải tạo công trình này?

Do công trình giáp ranh với khu nhà hát, khách sạn, và dịch vụ thương mại sầm uất, cần bố trí lại giải pháp cây xanh cách ly, để đem lại hiệu quả không gian và cách âm tốt hơn. Dù việc thiết kế công trình mới từng được đặt trong đề bài cũ là phá bỏ tháp hiện hữu, nhưng rất may là với hiện trạng công trình lúc này, chúng ta vẫn còn cơ hội tạo nên không gian thoáng đẹp hài hòa giữa các tháp và công trình. Nếu nhà chùa có khó khăn và cần tư vấn, tôi rất sẵn sàng đóng góp công sức cho dự án này.

Ngoài ra, nội dung triển lãm trong bảo tàng Phật giáo cũng sẽ rất cần được sự tư vấn của các chuyên gia Phật học và văn hóa lịch sử.

Diệp Tường thực hiện

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/ha-giai-bao-thap-y-kien-nhieu-chieu-12969.html