Hạ giá nhân dân tệ: Coi chừng gậy đập lưng ông

Trung Quốc hạ giá nhân dân tệ để đẩy mạnh xuất khẩu nhưng cũng nhận lại nhiều rủi ro.

Tỷ giá đồng nhân dân tệ chính thức vượt lằn ranh đỏ là 1 USD đổi 7 nhân dân tệ vào ngày 5/8, hạ xuống mức thấp nhất trong 11 năm qua. Cùng ngày, Bộ Tài chính Mỹ trả đũa bằng cách liệt Trung Quốc vào diện “thao túng tiền tệ”.

Sức khỏe kinh tế Trung Quốc đang đi xuống, xuất khẩu khó khăn do thương chiến với Mỹ leo thang, Washington ra đòn thuế quan nặng thêm là nguyên nhân dẫn tới động thái hạ giá đồng nhân dân tệ, TS Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận xét.

Theo ông, nhân dân tệ hạ giá mạnh giúp Trung Quốc tăng được lợi thế cạnh tranh của hàng hóa nước này ra nhiều nước, trong đó có Mỹ. Lệnh đánh thuế hàng Trung Quốc của Tổng thống Trump, vốn nhằm chặn bớt hàng Trung Quốc sang Mỹ, sẽ bớt tác dụng, nhưng Trung Quốc cũng nhận về nhiều rủi ro.

Nhân dân tệ mất giá làm tăng lạm phát, không khuyến khích được tiêu dùng trong nước bởi nó khiến hàng hóa đắt đỏ hơn với người dân Trung Quốc. Các khoản nợ tính bằng USD của Trung Quốc phình ra, các hàng hóa thiết yếu như dầu mỏ, được tính giá bằng USD trên toàn cầu, bỗng đắt hơn.

Đặc biệt, nhân dân tệ mất giá gây nên thiệt hại lớn là nhà đầu tư mất niềm tin vào nền kinh tế Trung Quốc, có thể thúc đẩy làn sóng FDI, các nhà đầu tư chứng khoán rút vốn đầu tư ra khỏi Trung Quốc diễn ra mạnh mẽ hơn.

Mỹ quy kết Trung Quốc thao túng tiền tệ hôm 5/8. Ảnh: AP

Mỹ quy kết Trung Quốc thao túng tiền tệ hôm 5/8. Ảnh: AP

"Trung Quốc không thể giảm giá vô hạn tỷ giá nhân dân tệ mà đến mức nào đó, khi cân đối giữa thiệt hại với lợi ích thu được ngang bằng nhau, Trung Quốc sẽ phải dừng lại, bởi càng giảm sâu hơn thì "gậy ông đập lưng ông", Trung Quốc sẽ lãnh hậu quả nặng nề", TS Cao Sĩ Kiêm dự báo.

Đối với Mỹ, giao dịch thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ rất lớn. Khi tỷ giá nhân dân tệ giảm mạnh, cùng với nhiều tác động khác như đồng euro đang sụt giảm vì các nhà giao dịch tiền tệ lo lắng về sự tăng trưởng của khu vực này, cuối cùng đồng USD sẽ mạnh lên.

Đồng tiền mạnh làm suy yếu xuất khẩu của một qốc gia, đồng thời thúc đẩy việc tiêu thụ các sản phẩm nước ngoài. Điều đó có thể dẫn đến thâm hụt thương mại lớn hơn.

Tháng 10/2018, thâm hụt hàng hóa của Mỹ với Trung Quốc đạt mức kỷ lục 43 tỷ USD, và hiện dao động ở mức khoảng 30 tỷ USD/tháng.

Đối với Việt Nam, TS Cao Sĩ Kiêm cảnh báo cần đặc biệt lưu ý tới nguy cơ gia tăng nhập siêu từ Trung Quốc, tình trạng hàng Trung Quốc gian lận xuất xứ, nhãn mác Việt Nam để tiêu thụ tại nội địa, hưởng ưu đãi xuất xứ ra nước ngoài cần đặc biệt.

"Trong quan hệ thương mại Việt Nam-Trung Quốc, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam và là thị trường nhập khẩu số một của Việt Nam. Chính vì thế, khi Trung Quốc hạ giá đồng nội tệ, cửa xuất của hàng Việt vào thị trường này sẽ khó khăn hơn.

Dù doanh nghiệp nhập khẩu các linh phụ kiện cho sản xuất sẽ có lợi thế khi nhập hàng từ Trung Quốc nhờ giá rẻ nhưng với các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng, doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu sức ép cạnh tranh về giá khi hàng Trung Quốc giá rẻ tràn vào nhiều hơn.

Vì lẽ đó, trong vấn đề xuất, nhập khẩu hàng hóa với Trung Quốc, doanh nghiệp Việt phải tính toán, cân nhắc, nếu không kinh tế Việt Nam sẽ bị thiệt hại và doanh nghiệp của ta lại đi làm giàu cho Trung Quốc", nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nói.

Vì vậy, TS Cao Sĩ Kiêm đề nghị các cơ quan quản lý của Việt Nam cần theo dõi sát sao diễn biến trên thị trường, thận trọng trong chính sách điều hành tỷ giá. Nhiều năm qua, Việt Nam duy trì chính sách tỷ giá chủ động, linh hoạt và trong bối cảnh hiện nay càng phải kiên định với chính sách này.

Đối với những thị trường Việt Nam có quan hệ nhiều về tiền tệ, hàng hóa thì tùy từng mặt hàng có thể điều chỉnh để khai thác cái gì có lợi và hạn chế cái không có lợi.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/ha-gia-nhan-dan-te-coi-chung-gay-dap-lung-ong-3385275/