Gương sáng trong bão Damrey

Cơn bão số 12 (Damrey) đổ bộ vào các tỉnh phía Nam, làm các huyện Phước Sơn, Bắc Trà My và Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) chịu ảnh hưởng nặng nề, nhiều người chết và mất tích, tài sản hư hại hoàn toàn. Trong lúc chống chọi với mưa bão, nhiều tấm gương sáng được biết đến. Một trong những tấm gương đó là anh Nguyễn Xuân Thành, ở thôn 4, xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn.

Anh Lê Quang Tính (bìa trái), Phó Bí thư Huyện đoàn Phước Sơn thăm hỏi, động viên và biểu dương tinh thần vì cộng đồng của anh Trần Xuân Thành. Ảnh: Briu Quân

Cơn bão số 12 để lại thiệt hại nặng nề. Chúng tôi có dịp về thôn 4 và thôn 8, xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn, thăm và tặng quà cho các gia đình bị thiệt hại về người. Nơi đây, đôi bờ dòng sông Trường vẫn còn nguyên vết lũ đi qua, làm sạt lở nghiêm trọng, nhiều nhà cửa bị ngập, cuốn trôi, nằm ngổn ngang dọc bên đường vào thôn 4. Người dân trong thôn đang cật lực giúp nhau chỉnh trang lại nhà cửa. Mỗi đêm về, họ lại tụ tập nhau trong ngôi nhà ông Nguyễn Xuân Sơn (66 tuổi), vừa mất cùng với vợ là Lê Thị Thu, do bị núi lở xảy ra vào ngày 5-11, ở thôn 8, xã Phước Hiệp.

Trong sự tĩnh lặng, tiếc thương khi mất đi cùng lúc hai vợ chồng già đáng kính và một người thanh niên trẻ tận tụy, người dân nơi đây vẫn truyền tai nhau về tinh thần nhanh nhạy, xông pha cứu giúp những người mắc kẹt trong đống đất sau đợt lở núi ngày trước.

Hỏi chuyện, chúng tôi được biết đó là anh Trần Xuân Thành, 25 tuổi, ở thôn 4 (xã Phước Hiệp). Anh Trần Xuân Thành kể, anh lấy vợ ở thôn 8, được nhà vợ cho đất làm rẫy, trồng keo cạnh đất con gái ông Nguyễn Xuân Sơn và anh Hồ Văn Đức. Trước ngày xảy ra lở núi, ba hộ có đất liền kề cùng dựng trại sát nhau để thu hoạch lúa rẫy đang chín vàng. Khoảng 16 giờ, ngày 5-11, cả trại chuẩn bị ăn cơm chiều, ông Nguyễn Xuân Sơn ghé trại anh Trần Xuân Thành xin tỏi về ăn cơm. Anh Thành đang nằm trên võng thì nghe tiếng nổ to, râm ran vang lên từ trên đỉnh đồi. Anh chạy ra ngoài xem thì thấy trại của vợ chồng ông Nguyễn Xuân Sơn và Lê Thị Thu, cùng trại gia đình của anh Hồ Văn Đức có bố mẹ và vợ con đều ở chung chìm sâu trong đất đá, bùn nước, riêng trại của anh Thành đất đang tiến lấp dần.

Bất ngờ với sự việc đang xảy ra trước mắt, anh Thành bình tĩnh nhìn lên đỉnh đồi và hai trại đã vùi lấp có nguy cơ lở tiếp. Thấy vợ chồng ông Nguyễn Xuân Sơn và bà Lê Thị Thu không kịp cứu nữa, anh Thành kéo tay vợ đẩy lên đồi cao, rồi một mình chạy đến trại anh Hồ Văn Đức kéo vợ và con nhỏ của anh Đức chưa tròn một tuổi đang vùng vẫy trong đống đất đá đè lên người, đưa lên đồi cao với vợ mình. Sau đó, anh dùng tay bới đất kéo cả vợ chồng ông Hồ Văn Chiến và Hồ Thị Vân, là bố mẹ của anh Đức ra ngoài.

Trên đỉnh núi, đất đá trôi xuống nhiều thêm, tiếp cận được anh Hồ Văn Đức, anh Thành cố lấy hết sức mình đào bới đất đá, đưa anh Đức ra ngoài. Nhưng, khi vừa thoát khỏi đống bùn, đất, đá thì anh Đức đã ngừng thở. Căn trại nhỏ của vợ chồng anh Thành cũng bị một đợt lở đồi tiếp theo lấp hoàn toàn.

Anh Thành bàng hoàng trước sự đau đớn mất người thân của những người may mắn thoát chết trong tích tắc. Tiếng khóc, tiếng gào vang vọng khắp núi đồi, lẫn vào trong mưa rừng xối xả, thật thảm thiết. Anh Trần Xuân Thành im lặng, nuốt những dòng nước mưa đang chảy trên mặt, rồi cõng anh Đức lên đồi cao, làm trại tạm. Những người còn lại nơi núi rừng hoang vu quây quần bên thi thể anh Đức thâu đêm.

Anh Trần Xuân Thành cho biết, cả đêm đó không ai ngủ, sáng hôm sau muốn chạy về báo tin mà không qua được con sông lớn đang cuồn cuộn nước về. Biết là nếu để lâu thì thi thể anh Đức sẽ không giữ được nguyên vẹn, anh Thành lại một mình dùng thanh sắt còn sót lại đào hố, lấy áo ấm của mình mặc cho anh Đức rồi chôn cạnh con sông Tà Loa. Cả ba ngày đêm, 6 người còn sống sót thức trắng, không có miếng ăn nào lót bụng. Mãi đến ngày 8-11, khi lũ hạ được chút ít, anh Thành mới liều mình bơi qua sông, trôi về hạ nguồn tức tốc chạy báo tin về thôn, rồi lại quay về rừng cùng mọi người tìm kiếm thi thể vợ chồng ông Nguyễn Xuân Sơn và bà Lê Thị Thu.

Thông tin anh Trần Xuân Thành một mình cứu kịp thời 5 người trong vụ lở núi ở thôn 8 được nhiều người biết đến, khen ngợi. Căn nhà tuềnh toàng, đơn sơ của anh Trần Xuân Thành dựng cạnh dòng sông Trường, nơi có thủy điện Đắk Mi xả lũ xuống, đợt mưa bão vừa rồi, nước ngập sâu vào nhà, phải kê gỗ nằm tạm. Hằng ngày, nhà anh Thành vẫn thường xuyên có người ghé thăm như tỏ lòng cảm ơn. Công ty du lịch Minh Phát (ở thành phố Hồ Chí Minh) cũng gửi quà động viên tinh thần xông pha, cứu giúp người trong hoạn nạn của anh Thành.

Xuống thăm gia đình anh Thành, anh Lê Quang Tính, Phó Bí thư Huyện đoàn Phước Sơn tỏ lòng mến phục và cảm kích tinh thần hết mình vì cộng đồng của anh. Anh Tính cho biết, trước tấm gương sáng của anh Thành trong cơn bão số 12 vừa qua, Huyện đoàn Phước Sơn sẽ tổ chức phong trào nêu gương, học tập trong đoàn viên toàn huyện.

Briu Quân

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/guong-sang-trong-bao-damrey/