Gương sáng những nhà báo, liệt sĩ

Nhà báo Văn Hiền, nguyên Phó tổng biên tập Báo Nghệ An được biết đến là tác giả bài thơ nổi tiếng: 'Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh'. Tiếp nối mạch viết về các anh hùng, liệt sĩ, nhà báo Văn Hiền đã ra mắt tập ký sự 'Dáng đứng dưới tầm bom' (NXB Nghệ An) tôn vinh các nhà báo, liệt sĩ của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Báo chí cách mạng là công cụ để phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, phục vụ nhân dân. Chính vì thế, bên cạnh nội dung chủ đạo viết về các nhà báo chiến trường hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhà báo Văn Hiền còn viết ba chân dung ở phần đầu sách để phác họa những nhà cách mạng, nhà báo thời kỳ Đảng còn trong “trứng nước” là: Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (1902-1942); Ủy viên Trung ương Đảng phụ trách Nam Kỳ Phan Đăng Lưu (1901-1941) và Bí thư đầu tiên của Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Tiềm (1912-1933). Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, thậm chí đã bị thực dân Pháp bắt giam tuyên án tử hình, các nhà cách mạng vẫn không ngừng nghỉ làm báo. Báo chí có sức mạnh tuyên truyền, giác ngộ quần chúng đi theo Đảng, tin tưởng vào tương lai nước nhà hoàn toàn độc lập.

 Bìa cuốn sách “Dáng đứng dưới tầm bom”.

Bìa cuốn sách “Dáng đứng dưới tầm bom”.

Tiếp nối sứ mạng cao cả của báo chí cách mạng, trong hai cuộc kháng chiến, lớp lớp các nhà báo đã xông pha ra chiến trường, có mặt nơi hỏa tuyến địa đầu để phản ánh kịp thời những chiến thắng lẫy lừng của quân dân ta. Thống kê ở phần cuối sách, đã có 505 nhà báo hy sinh. Đó là những cây bút ưu tú, tinh thông nghiệp vụ, dũng cảm tuyệt vời của cơ quan báo chí cách mạng hàng đầu của nước ta như: Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân, Điện ảnh Quân đội nhân dân…

Chỉ hơn 20 tấm gương được tác giả đề cập thực sự chưa tương xứng với những hy sinh lớn lao của những nhà báo cầm bút và cầm súng, nhưng sức làm việc của một người bao giờ cũng có giới hạn, nhất là khi tuổi đã cao. Nhà báo Văn Hiền cũng đã cố gắng vào Nam ra Bắc để ghi lại nhiều câu chuyện cảm động về các nhà báo, liệt sĩ ít người biết đến như hai anh em ruột công tác tại Phân xã Mỹ Tho (Thông tấn xã Việt Nam) là Bùi Văn Thưởng (1947-1969) và Bùi Văn Tấn (1950-1967).

Điều làm nên sức hấp dẫn của cuốn sách là tác giả đã tập trung đi vào các chi tiết, dựng lại sống động hoàn cảnh hy sinh của các nhà báo liệt sĩ. Nhà quay phim Nông Văn Tư (1943-1971) của Điện ảnh Quân đội nhân dân tâm niệm “Cao điểm của người lính là cao điểm của chúng tôi”, chấp nhận hy sinh để có thước phim chân thực nhất về lực lượng phòng không trừng trị máy bay Mỹ. Nhà báo, liệt sĩ Lê Viết Vượng (Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung Bộ) hy sinh thân mình để cứu dân thoát khỏi bom đạn kẻ địch… Dưới ngòi bút của nhà báo Văn Hiền, các nhà báo, liệt sĩ sẽ mãi là tấm gương sáng ngời về tinh thần cách mạng, sự dấn thân quả cảm.

Những bài báo in trên trang giấy ố vàng, những thước phim đen trắng ngắn ngủi… vẫn còn đây. Cuốn sách của nhà báo Văn Hiền nhắc nhớ công chúng thời nay rằng để có được những bài báo, thước phim dù là ngắn ngủi, nhiều nhà báo đã phải đổi bằng xương máu để những chiến công không bị quên lãng với thời gian...

HÀM ĐAN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/guong-sang-nhung-nha-bao-liet-si-577006