Gương mẫu để tạo dựng uy tín

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm và coi trọng việc nêu gương của cán bộ, đảng viên. Thực tế cũng đã chỉ ra, một trong những biện pháp để cán bộ, đảng viên thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của mình chính là làm gương, nêu gương trong mọi lúc, mọi nơi.

 Cán bộ bộ phận một cửa quận Bắc Từ Liêm tận tình hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: Thanh Hải

Cán bộ bộ phận một cửa quận Bắc Từ Liêm tận tình hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: Thanh Hải

Nêu gương không chỉ ở lời nói

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng), sinh thời Bác hay nhắc câu nói mà Nhân dân đã tổng kết “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Điều này cho thấy cán bộ đảng viên ở nhiều thời kỳ, nhiều chặng đường đã thể hiện tính tiên phong, gương mẫu, được Nhân dân tin tưởng. Về mặt ý nghĩa, đó là còn sự coi trọng xây dựng Đảng về đạo đức. Bởi trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên là một chuẩn mực của đạo đức cách mạng. Nêu gương không phải chỉ ở lời nói mà quan trọng là thể hiện qua việc làm, hành động, sự tận tâm với dân với nước.

Vừa qua, Hội nghị T.Ư 8 (khóa XII) đã ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, với những yêu cầu và trách nhiệm cụ thể. Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính đã chỉ rõ: Một ý nghĩa quan trọng của Quy định là tạo sự khích lệ hoàn thiện, tự soi, tự sửa, tự điều chỉnh thái độ và hành vi, răn đe, cảnh tỉnh, cảnh báo, phòng ngừa nguy cơ sai phạm của từng cán bộ lãnh đạo.

Bác đã nhiều lần nhắc nhở, “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” và “quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn Nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Vì thế, Bác luôn đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên không những phải có trách nhiệm tự tu dưỡng tốt, mà còn phải làm gương trong công tác và lối sống, trong mọi lúc, mọi nơi, luôn nói phải đi đôi với làm để quần chúng noi theo. Việc nêu gương không chỉ hô khẩu hiệu mà cần “nói đi đôi với làm”.

“Tính tiên phong, nêu gương của các đội ngũ lãnh đạo cấp cao được thực hiện tốt sẽ tác động rất lớn. Trước hết làm cho cán bộ cấp dưới như ở cấp tỉnh, huyện, xã nhìn vào để sửa chữa những mặt chưa được, phấn đấu noi theo những mặt tích cực. Điều quan trọng hơn, việc đó còn lan tỏa ra ngoài xã hội, tạo sự tin tưởng, đồng thuận của người dân” - ông Nguyễn Trọng Phúc đã nhận định. Đồng thời thực tế cho rằng, quan trọng nhất trong việc nêu gương là trong công việc, phải tận tâm, làm hết trách nhiệm, nói như Bác Hồ là thể hiện tinh thần phụ trách trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Về lối sống, đạo đức, người cán bộ, đảng viên phải rèn luyện tu dưỡng thế nào để hoàn thiện mình và trở thành một tấm gương. Một trong những điều cần nêu gương là không được tham nhũng, lạm dụng chức quyền, các mối quan hệ để làm lợi cho bản thân, khi đó cấp dưới và người dân nhìn thấy sẽ tin cậy.

Cụ thể hóa bằng việc làm

Tuy đã có nhiều quy định về nêu gương, nhưng hiện vẫn còn rất nhiều cán bộ, đảng viên nói nhiều làm ít, hoặc nói một đằng làm một nẻo, hay nói mà không làm được... làm mất uy tín và vai trò trước của bản thân. Thời gian vừa qua, rất nhiều cán bộ lãnh đạo quản lý chủ chốt các cấp, trong đó có cả cán bộ cấp cao vi phạm khuyết điểm, vi phạm pháp luật phải xử lý. Những con số rất đáng lo ngại đã được chỉ ra như, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật Đảng đối với 77.662 đảng viên vi phạm, trong đó hơn 4.300 cán bộ, đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay đã thi hành kỷ luật hơn 500 tổ chức Đảng và 35.000 đảng viên vi phạm, trong đó 1.300 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái. Điều đó cho thấy trách nhiệm nêu gương của một số lãnh đạo cấp cao chưa tốt, cho nên việc nêu gương chưa trở thành việc làm thường xuyên, liên tục, chưa thành nền nếp, chưa thành các công việc cụ thể hàng ngày của mỗi cán bộ, đảng viên.

Từ Quy định của T.Ư, hiện mỗi bộ, ban, ngành, địa phương đã và đang cụ thể hóa thành các quy định, chuẩn mực đạo đức phù hợp với tính chất, đặc thù công việc, giúp cho cán bộ, đảng viên dễ thực hiện và thực hiện hiệu quả. Tại Hà Nội, các cơ quan, đơn vị cũng cụ thể hóa thành các nghị quyết, kế hoạch gắn với các nhiệm vụ trọng tâm của TP. Trong đó, có yêu cầu, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện tốt “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan” và “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP”. Đồng thời, nêu gương trong công việc, được phân công, thực hiện tốt nhất việc lãnh đạo, quản lý. Đặc biệt, nêu gương trong đạo đức lối sống, bắt đầu ngay từ những việc nhỏ, cụ thể hàng ngày, trong từng công việc, sinh hoạt... của mỗi cán bộ, đảng viên, đồng thời duy trì thành nền nếp, thói quen tốt.

Thực tế, nếu chú tâm, nêu gương không phải là việc khó. Nhưng nếu cán bộ, đảng viên không gương mẫu thì không thể hướng dẫn người dân thực hiện. Do đó, khi việc nêu gương được đẩy mạnh, chắc chắn sẽ nhân rộng trong toàn thể xã hội, chuyển biến thành những hành động cụ thể trong mỗi cá nhân... Đây chính là một trong những biểu hiện rõ nhất trong học theo chuẩn mực đạo đức của Bác.

Trần Hà

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/guong-mau-de-tao-dung-uy-tin-341404.html