Gương hy sinh dũng cảm của Anh hùng Đỗ Sĩ Họa

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2 năm 1979, tại đồn Pò Hèn (xã Hải Sơn, TP Móng Cái) đã xuất hiện nhiều tấm gương dũng cảm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Tiêu biểu là Đồn phó Đỗ Sỹ Họa.

Di ảnh Anh hùng Đỗ Sỹ Họa.

Di ảnh Anh hùng Đỗ Sỹ Họa.

Trung úy Đỗ Sỹ Họa sinh năm 1947, quê ở thôn Trà Phương, xã Hồng Vân, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Trước đó, trung úy Họa từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, lập công xuất sắc, được thưởng Huân chương Chiến công hạng ba.

Dù bị thương, sức khỏe giảm sút song trung úy Đỗ Sỹ Họa vẫn tình nguyện về biên cương Quảng Ninh nhận nhiệm vụ, được giao là Đồn phó phụ trách quân sự Đồn Công an Vũ trang 209 (nay là Đồn Biên phòng Pò Hèn).

Dự cảm trước được tình hình, chiều ngày 15/2/1979, đồn phó Đỗ Sỹ Họa đã cùng với chính trị viên Phạm Xuân Tảo kiểm tra hệ thống công sự, bố phòng của đồn sẵn sàng chiến đấu.

Ông Nguyễn Quang Vinh, nguyên Phó Chỉ huy trưởng chính trị (nay là Chính ủy) Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Ninh, kể: Khoảng 5 giờ 30 phút, quân xâm lược phía Bắc dùng pháo binh cỡ lớn 105, 85, cối 82, 60, súng bộ binh 12,7, đại liên đồng loạt bắn phá dữ dội vào các mục tiêu của ta. Sau 30 phút bắn phá, chúng dùng bộ binh gồm 5 tiểu đoàn tăng cường, hơn 2.200 quân (quân số gấp hơn 20 lần của đồn lúc đó) chia thành 3 mũi vượt sông biên giới tấn công vào đồn Pò Hèn. Mũi chính diện, vượt qua cửa khẩu Pò Hèn, 1 mũi vượt sông biên giới qua Đồi Tây, 1 mũi Lục Chắn …bao vây đồn Pò Hèn.

Các chiến sĩ Trạm Kiểm soát Pò Hèn lui về đồn phối hợp chiến đấu, đánh địch bảo vệ mục tiêu. Vì lúc đó Đồn trưởng Vũ Ngọc Mai đi công tác nên việc chỉ huy đồn giao cho Đồn phó quân sự Đỗ Sỹ Họa nắm toàn bộ hỏa lực, trực tiếp chỉ huy chiến đấu. Chốt Đồi Tây gồm 5 cán bộ, chiến sĩ, giáp bờ sông biên giới bị chúng bao vây, tiêu diệt, các chiến sĩ của ta hy sinh. Chốt Đồi Quế là một điểm hỏa lực được trang bị mạnh, gồm 9 cán bộ, chiến sĩ, một đồng chí đi công tác, còn lại 8 người, đã chiến đấu dũng cảm, ngoan cường trên từng mét chiến hào giữ từng mét đất.

Ông Hoàng Như Lý và chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn đưa di ảnh Anh hùng Đỗ Sỹ Họa về nơi ông đã chiến đấu và anh dũng hy sinh. Ảnh: Ông Hoàng Như Lý cung cấp.

Nhưng vì lực lượng quá chênh lệch, Đồi Quế bị địch chiếm giữ. Quyết giành lại, Đồn phó Đỗ Sỹ Họa đã tổ chức lực lượng tấn công địch, chiếm lại được Đồi Quế. Khi đó, chúng lùi ra sau gọi pháo binh tiếp tục bắn dữ dội vào Đồi Quế, kêu gọi các chiến sĩ ta đầu hàng. Tuy nhiên, Đồn phó Đỗ Sỹ Họa, khẳng khái trả lời: “Người Việt Nam chúng tao không biết quỳ gối đầu hàng quân xâm lược”.

Ông Hoàng Như Lý, nguyên cán bộ trinh sát của Đồn, một trong 4 chiến sĩ còn sống sau trận 17/2/1979, hiện sinh sống tại TP Móng Cái, nhớ lại: Anh Họa đã đi tới từng ụ súng, động viên chiến sĩ quyết tâm chiến đấu bảo vệ đồn. Nhìn người chỉ huy mặt bê bết máu, ánh mắt rực lửa chúng tôi vô cùng xúc động, tin tưởng. Noi gương người chỉ huy, cả đơn vị ngoan cường chiến đấu, tiêu diệt 227 tên địch, giữ vững trận địa. Đến lần thứ 3 bị thương, anh mất máu nhiều đã hy sinh ngay trên chiến hào. Nữ mậu dịch viên Hoàng Thị Hồng Chiêm rưng rưng nước mắt vuốt mắt cho đồn phó Họa, đặt hai tay anh lên ngực, đắp lên người anh một tấm chăn.

Chưa từng được gặp người cha người bác của mình nhưng chị Đỗ Lan Huệ coi ông như một điểm tựa tinh thần.

Ông Lý bùi ngùi kể tiếp: Anh Họa bị thương ngất đi hai lần liền nhưng cứ tỉnh lại là anh lại tiếp tục chiến đấu và chỉ huy rất dũng cảm. Trước khi nhắm mắt anh vẫn dặn chúng tôi phải chiến đấu để giữ vững trận địa. Đến tận bây giờ, sau 40 năm rồi hình ảnh ấy vẫn còn mãi tâm trí tôi.

Ngày 10/3/1979, liệt sĩ Đỗ Sỹ Họa được truy phong từ quân hàm trung úy lên thượng úy và được truy tặng Huân chương Quân công hạng Nhì. Ngày 19/12/1979, thượng úy Đỗ Sỹ Họa được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Chị Huệ dành một không gian trang trọng để thờ cúng liệt sĩ Đỗ Sỹ Họa.

Chị Đỗ Lan Huệ hiện ở khu 5, phường Cẩm Thạch (Cẩm Phả), kể: Sinh thời, Đồn phó Đỗ Sỹ Họa chưa có con, trước cuộc chiến đã nhắn nhủ em trai mình, năm nay mà sinh con thì cho nhận một cháu để nuôi. Năm 1979, khi liệt sĩ Đỗ Sĩ Họa hy sinh cũng là năm chị Huệ ra đời. Chị chưa hề biết mặt cha nuôi là người bác của mình nhưng luôn tự hào về cha và coi đó là động lực phấn đấu. Chị bảo, mình không chỉ là con liệt sĩ Họa mà còn là con của các liệt sĩ hy sinh cùng ngày với bác mình ngày 17/2 của 40 năm về trước. Họ đều là những anh hùng trong tâm trí chị.

Phạm Học

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201902/guong-hy-sinh-dung-cam-cua-anh-hung-do-si-hoa-2423022/