Gửi thông điệp nhân văn qua những con ma thuần Việt

Những câu chuyện khiến người đọc sởn gai ốc được nhà văn Nguyễn Quang Thiều kể trong cuốn sách 'Cô gái áo xanh' không giống bất kỳ câu chuyện nào ở phương Tây hay trong phim kinh dị của Hollywood. Đó là những con ma thuần Việt được ông viết bằng chất liệu của những ngày ấu thơ, trong những câu chuyện của bà, của mẹ. Phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện cùng nhà văn Nguyễn Quang Thiều về cuốn sách đặc biệt này.

Kỳ bí nhưng có hậu

- PV: Thưa nhà văn, những con ma thuần Việt mà ông kể trong cuốn sách có gì đặc biệt?

- Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Những con ma tôi kể trong “Cô gái áo xanh” không phải để hù dọa bạn đọc, không có răng nanh, lưỡi đỏ như cách người ta vẫn tưởng tượng để dọa nạt trẻ con. Những câu chuyện ấy đều liên quan đến những người cụ thể ở mỗi làng quê và có cả những chuyện liên quan đến những người thân yêu đã khuất trong gia đình mình. Đặc biệt, những câu chuyện của tôi luôn có cái kết rất có hậu, mang phần người nhiều hơn. Khi viết xong cuốn sách, đọc lại, tôi thấy đó là những con ma thuần Việt (cười). Ở đó, bạn đọc gặp được sự sẻ chia, về sự công bằng và biết ơn.

- Nói gì thì nói, để kể chuyện ma thì phải khiến người đọc sợ mới thành công. Ông có nghĩ thế không?

- Viết những chuyện như thế đương nhiên không thể thiếu đi yếu tố liêu trai. Tôi tin bạn đọc sẽ bị hút vào những câu chuyện trong “Cô gái áo xanh” bởi sự ly kỳ, bí ẩn nhưng không rùng rợn, khiếp đảm. Những bóng ma dần hiện ra chính là con người. Và điều quan trọng, bạn đọc sẽ nhận ra từ những câu chuyện kỳ bí ấy những thông điệp nhân văn cho cuộc sống hiện tại.

- Ông đã làm thế nào để “lôi” những con ma từ trong ký ức vào trong cuốn sách này?

- “Cô gái áo xanh” là một trong 3 cuốn sách tôi sẽ viết về làng Chùa quê tôi trong năm 2018. Đó là những câu chuyện tôi được nghe kể, được chứng kiến trong suốt quãng thời thơ ấu của mình. Khi tôi viết cuốn sách này, tôi luôn mang trong mình niềm tự hào về nơi tôi đã cất tiếng khóc chào đời. Làng Chùa đã cho tôi chất liệu dày dặn trong văn chương, ở đó thực là nơi rất cuốn hút với văn học. Khi viết truyện ma, tôi chỉ việc ngồi vào bàn và kể lại. Tôi hình dung lại toàn bộ buổi tối hôm đó, bà nội tôi đã ngồi như thế nào, đã kể bằng ngữ điệu ra sao… Điều cuối cùng đọng lại từ những câu chuyện ma ấy lại chính là việc hướng con người ta tới cái thiện.

Vén bức màn bí mật về những con ma

- “Cô gái áo xanh” hình như là cuốn sách đầu tiên ông viết… truyện ma?

- Đây đúng là cuốn sách đầu tiên tôi viết về truyện ma nhưng ở những cuốn sách đã từng ra mắt trước đây cũng thấp thoáng những điều kỳ ảo như “Mùa hoa cải bên sông”, “Hai người đàn bà xóm trại”, “Người ở với hoa tầm xuân”… Những câu chuyện đó luôn chứa đựng đời sống tâm linh hiện hữu ngoài cuộc sống thực. Còn truyện ma trong cuốn sách này là những câu chuyện tôi được nghe từ năm tháng ấu thơ rồi kể lại.

Ở cuốn sách này, tôi tiếp tục cách viết ấy bằng giọng kể rất giản dị, lấy âm hưởng cách kể của bà, của mẹ. Tôi vẫn nhớ, ngày còn bé ở làng Chùa quê tôi, lũ trẻ con chẳng biết làm gì vào những buối tối không tivi, không đài phát thanh, không điện, ngoài việc được bà hay mẹ kể chuyện cho nghe. Bà nội tôi đã kể cho thằng cháu nghe những câu chuyện ma mị đầy ly kỳ trong những đêm cả làng chìm trong bóng tối. Bà nội tôi là người phụ nữ không biết chữ, quanh năm chỉ biết gắn bó với ruộng đồng nhưng lại mở ra cho tôi cả một thế giới của trí tưởng tượng. Và tôi đã lớn lên trong những câu chuyện đầy ắp tính ma mị của bà.

- Truyện ma kể cho trẻ con, giờ ông lại viết thành truyện cho người lớn đọc. Hẳn ông đã phải vận dụng nhiều thủ pháp lắm để làm nên những câu chuyện ma mang màu sắc liêu trai?

- Không phải câu chuyện ma nào tôi cũng kể. Bởi có những truyện rất rùng rợn nhưng cái kết lại quá bi đát. Còn khi viết truyện ma, tôi thực hiện cách viết vén màn, tức là ban đầu tung hỏa mù lên rồi dần dần con ma ấy hiện lên chẳng phải ai khác mà là con người. Nhưng về cơ bản, tôi giữ nguyên nội dung và thêm vào đó đời sống sinh động cho những con ma.

- Xin hỏi nhỏ nhà văn, đến nay ông còn sợ… ma không?

- Ngày bé, tôi sợ đến nỗi từng tè dầm trong những đêm nằm cạnh bà nghe kể chuyện. Còn bây giờ, tôi hiểu về thế giới này hơn, về những sự vật và sự việc quanh mình, tôi đã không còn thấy sợ ma. Nhưng tôi luôn trăn trở với đời sống tinh thần của các em nhỏ ngày nay. Các em được tiếp xúc với muôn vàn trò chơi điện tử trong một cái iPhone, iPad nhưng lại đang mất đi trí tưởng tượng vô tận từ chính ngôi nhà của mình, từ tiếng côn trùng trong đêm, từ một lùm cây, từ một triền sông hay từ một đêm trăng huyền ảo… Những buổi tối quây quần quanh bà, quanh mẹ và đợi chờ những câu chuyện từ họ với một cảm xúc lạ thường dường như đang trở nên xa xỉ. Đến lúc này, chúng ta phải tự hỏi rằng: một thế giới vật chất bề bộn và một thế giới sum suê của cây lá tâm hồn thì cái nào sẽ giúp làm nên một con người thực sự.

- Xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Quang Thiều về cuộc trò chuyện!

PHẠM THU HƯƠNG (Thực hiện)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/gui-thong-diep-nhan-van-qua-nhung-con-ma-thuan-viet/763793.antd