Gửi lòng con đến cùng Cha!

Trong một chuyến công tác tại TP Hồ Chí Minh, chúng tôi có dịp đến thăm nhà lưu niệm của họa sĩ kiêm nhà điêu khắc Diệp Minh Châu (1919-2002) được gia đình xây dựng để tưởng nhớ về ông.

Qua những tư liệu, hiện vật và hình ảnh được lưu giữ giúp chúng tôi hiểu thêm cuộc đời và sự nghiệp của một người thầy, người họa sĩ – nhà điêu khắc tài hoa. Trong đó đặc biệt là câu chuyện xúc động về bức tranh vẽ Bác Hồ bằng máu của chàng thanh niên yêu nước Diệp Minh Châu, mặc dù hồi đó ông chưa từng được gặp Người...

Diệp Minh Châu sinh ra tại xã Nhơn Thạch, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre trong một gia đình nông dân. Thuở còn nhỏ ông đã say mê hội họa, nên còn được bạn bè gọi là “Châu vẽ”. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông làm trưởng ban trừ gian huyện Châu Thành (Bến Tre) rồi sau đó về Liên khu 8 tham gia công tác tuyên truyền, chủ yếu là vẽ tranh miêu tả cuộc sống, chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Nam Bộ.

 Họa sĩ Diệp Minh Châu vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Việt Bắc. Ảnh tư liệu.

Họa sĩ Diệp Minh Châu vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Việt Bắc. Ảnh tư liệu.

Nhân kỷ niệm năm thứ hai ngày thành lập nước 2-9-1947, họa sĩ Diệp Minh Châu đã chích máu ở tay vẽ bức tranh Bác Hồ với ba em thiếu nhi Trung-Nam-Bắc trên lụa, và gửi ra miền Bắc tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ khát vọng hòa bình và giải phóng dân tộc. Kèm theo bức tranh là những dòng thư tha thiết ông viết cho "cha Hồ" được đồng chí Trần Văn Trà, lúc bấy giờ là Ủy viên Xứ ủy Nam Bộ, Khu trưởng Khu 8 mang ra Việt Bắc, trao tận tay Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thư có đoạn: "Kính cha! Từ hai năm nay tin cha, nghe theo tiếng gọi của cha, con đã hăng hái đưa nghệ thuật của con nhảy vào hàng ngũ Vệ Quốc đoàn Khu 8. Cách mạng Tháng Tám mà cha lãnh đạo đã giải phóng cho nghệ thuật của con. Hôm nay, trong cảnh tưng bừng của ngày lễ Độc Lập chưa từng có ở Nam Bộ, sau khi nghe đọc lại lời Tuyên ngôn độc lập của cha, lời kêu gọi thống thiết hùng mạnh của cha, lời ca “Hồ Chủ tịch muôn năm” của Đoàn thiếu nhi Nam Bộ, con đã cảm xúc vô ngần và vừa chích dòng máu trong cánh tay niên thiếu của con để vẽ hình cha và ba em bé Bắc-Trung-Nam đang chụm đầu dưới chòm râu cha, trên nền lụa mà Quân đội ta đánh tan quân địch chiếm lấy trong trận Giồng Dứa hồi tháng 4-1947... Con trân trọng kính dâng bức họa bằng máu của con lên cha già để tỏ lòng biết ơn cha đã giải phóng cho nghệ thuật của con, đã tạo cho thể xác và linh hồn con thành vũ khí của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc”.

Trước đó, khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Diệp Minh Châu may mắn có được bức ảnh Bác khổ nhỏ được cắt ra từ một tờ báo. Ông cất kỹ bức ảnh trong ví, đặt trong túi áo ngực trái ngay gần trái tim mình. Từ đó đi đâu ông cũng vẽ Bác, vẽ thuộc lòng như thấy Bác trước mặt. Tuy nhiên, sinh thời, họa sĩ Diệp Minh Châu từng chia sẻ: “Tôi đã vẽ hơn 20 tranh, nặn hơn 20 tượng khác nhau về Bác cho đến trước khi gặp Người mà chưa có cái nào đạt, chưa có cái nào tôi bằng lòng. Mỗi lần nặn tượng Bác, có chỗ này, chỗ kia không đạt, tôi đau khổ lắm!”

Năm 1951, Diệp Minh Châu được ra thăm miền Bắc và vinh dự được đến nơi ở của Chủ tịch Hồ Chí Minh để sáng tác. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều bức tranh và tượng về Bác được ông hoàn thành. Ông kể trong hồi ký: "Bởi lòng Bác thương miền Nam nên tôi mới may mắn, có hân hạnh được Bác cho sống gần Bác. Từ Nam Bộ xa xôi, vượt trăm khó ngàn nguy, tôi đã về với Bác. Bác cao cả vĩ đại quá. Bác như ngôi sao sáng soi vời vợi, mà lòng tôi mỗi khi gặp Bác thì cứ rộn rã như mặt triều xôn xao, nên bóng sao cao chiếu xuống sóng lòng tôi cứ lấp lóa hóa trăm hóa nghìn, khiến gần Bác mà tôi vẫn không nhìn rõ Bác".

Có lẽ chính bởi thế, khi sáng tác về Bác, Diệp Minh Châu luôn rụt rè thận trọng như “đang dò dẫm đi tới khám phá một cái gì rất bí ẩn cao xa mà mình chưa với tới”. Một tác phẩm hoàn thành ông xem như là “bước lần dò để có thể một ngày kia làm được một bức tượng cao nhất trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình”.

VĂN TÁM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ky-niem-130-nam-ngay-sinh-chu-tich-ho-chi-minh/dinh-ninh-loi-bac/gui-long-con-den-cung-cha-617326